Đẩy nhanh thu hoạch vụ mùa và triển khai sản xuất vụ đông 2024
Do ảnh hưởng của mưa lớn và hoàn lưu bão số 3 gây gãy đổ, ngập úng diện rộng, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp tại các địa phương đang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch vụ mùa và mở rộng diện tích cây trồng vụ đông sớm.
Thu hoạch lúa mùa theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”
Những ngày cuối tháng 9, nông dân tỉnh Hưng Yên và nhiều địa phương miền Bắc đều khẩn trương khắc phục hậu quả của bão lũ, khôi phục sản xuất nông nghiệp; tập trung nhân lực, phương tiện xuống đồng thu hoạch diện tích lúa mùa đã chín theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.
Trước khi bão số 3 đổ bộ, nhiều diện tích lúa mùa của các huyện như: Phù Cừ, Tiên Lữ, Ân Thi... trong giai đoạn chín rộ, khi bão số 3 đổ bộ, gió giật mạnh kèm mưa lớn đã làm hàng nghìn hecta lúa bị đổ, ngập úng. Qua tổng hợp của các địa phương về ảnh hưởng của bão số 3 gây ngập úng, tỉnh Hưng Yên có 10.539 ha lúa bị thiệt hại, trong đó có 5.205 ha thiệt hại trên 70% sản lượng, 5.334 ha thiệt hại từ 30 - 70% sản lượng.
Riêng huyện Ân Thi có 2.326 ha lúa bị ảnh hưởng, trong đó có 740 ha bị thiệt hại trên 70% sản lượng, 1.586 ha bị thiệt hại từ 30 - 70% sản lượng. Cùng với tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ thiệt hại cho nông dân, những ngày sau bão lũ, huyện khuyến cáo nông dân tập trung thu hoạch diện tích lúa đã chín và những diện tích không có khả năng khắc phục để giải phóng đất gieo trồng rau màu vụ đông. Hiện nay, nông dân trong huyện đang khẩn trương thu hoạch lúa, trồng rau màu vụ đông với phương châm “sáng lúa, chiều vụ đông”.
Không còn những niềm vui vụ lúa bội thu như những năm trước, vụ lúa mùa năm nay, nông dân huyện Phúc Thọ (Hà Nội) chịu thiệt hại nặng nề do bão lũ. Những ngày cuối tháng 9, nông dân địa phương cũng đang khẩn trương thu hoạch lúa đã chín, đồng thời, thu dọn những diện tích lúa bị chết, thối, hạt nảy mầm do bão, úng ngập, tích cực chuẩn bị gieo trồng rau màu vụ đông.
Một số địa phương làm tốt công tác thu hoạch diện tích lúa vụ mùa còn có Vĩnh Phúc, Bắc Giang. Theo số liệu của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật địa phương, đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã thu hoạch được 22.081,3 ha đạt khoảng 94,2% diện tích, với năng suất ước đạt khoảng 51,7 tạ/ha. Trong đó có thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên, các huyện Lập Thạch, Sông Lô, Tam Dương, Tam Đảo thu hoạch xong diện tích lúa vụ mùa.
Tại Bắc Giang, đến ngày 24/9, tỉnh đã thu hoạch hơn 12.500 ha cây trồng trong tổng số 63.000 ha gieo trồng vụ mùa. Trong đó có 9.300 ha lúa mùa sớm, 240 ha ngô và hơn 3.000 ha rau các loại ở những vùng bị ảnh hưởng bởi bão số 3...
Ngành nông nghiệp các địa phương khuyến cáo, với những diện tích có thể khôi phục được đã có hướng dẫn cụ thể với từng loại cây trồng, từng giai đoạn sinh trưởng (điển hình như lúa); đồng thời, chuẩn bị giống các loại cây trồng để chủ động khôi phục sản xuất.
Không để ruộng đồng bỏ hoang
Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), hiện nay hầu hết các địa phương đều đã xác định vụ đông là vụ chính, sản xuất hàng hóa chính với sản phẩm đa dạng, có thị trường tiêu thụ và mang lại giá trị thu nhập cao.
Vì vậy, để phục hồi sản xuất nông nghiệp, theo Cục Trồng trọt, đối với sản xuất lúa, cần tranh thủ làm vệ sinh đồng ruộng, tiêu thoát nước để chuẩn bị gieo trồng cây vụ đông sớm. Đối với rau màu, các địa phương chủ động kiểm tra, tiêu thoát nước kịp thời, vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị đất, hạt giống để gieo trồng với những diện tích không có khả năng phục hồi, ưu tiên những loại rau ăn lá, rau ngắn ngày, rau ưa nước... để cung cấp rau kịp thời cho thị trường khi giáp vụ.
Để phục hồi sản xuất cần 15.000 tấn giống lúa; hạt giống rau, diện tích cần hỗ trợ là trên 100 tấn; diện tích trồng ngô là hơn 1.000 tấn. Cục Trồng trọt đã có văn bản gửi các hội, hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giống cây trồng và học viện, viện, trường đại học về việc chuẩn bị giống cây trồng nông nghiệp phục vụ sản xuất tại các tỉnh phía Bắc; chủ động hỗ trợ giống cây trồng cho bà con nông dân tại các địa phương bị ảnh hưởng lớn của mưa bão.
Đáng chú ý, với những thiệt hại nặng nề do bão Yagi và lũ lụt gây ra, nhiều địa phương đã quyết định tăng cường vụ đông 2024 theo hướng mở rộng tối ta diện tích cây trồng còn thời vụ để bù đắp thiệt hại, hướng đến mục tiêu ổn định diện tích gieo trồng 420.000 ha và sản lượng khoảng 5 triệu tấn, với tổng giá trị phấn đấu đạt trên 40.000 tỷ đồng. Trong đó, tập trung phát triển một số cây trồng có giá trị kinh tế cao, liên kết sản xuất theo chuỗi, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, đảm bảo đầu ra cho nông dân.
Tại Hà Nội, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Lưu Thị Hằng cho biết, tính đến ngày 22/9, TP Hà Nội đã gieo trồng được 802,2 ha cây vụ đông như ngô, cây gia vị, cây dược liệu… Nhằm khắc phục thiệt hại trong lĩnh vực trồng trọt do bão số 3 gây ra, Sở NN&PTNT Hà Nội chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ thu hoạch vụ mùa, mở rộng diện tích cây trồng vụ đông năm 2024.
Theo kế hoạch, vụ đông năm nay, thành phố gieo trồng 29.000 ha. Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị tăng diện tích gieo trồng cây vụ đông lên khoảng 36.000 ha. Trong đó, tập trung đẩy mạnh phát triển cây khoai tây vụ đông gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, nông dân các vùng chuyên canh rau lớn của Hà Nội đang tích cực xuống giống vụ rau mới, nhằm sớm thu hoạch cung ứng cho người tiêu dùng.
Những thiệt hại do bão lũ gây ra không thể giải quyết ngay được, việc sớm triển khai tái sản xuất, tái đàn, triển khai mùa vụ hợp lý, đúng thời vụ sẽ giúp giảm áp lực sinh kế cho nông dân, đảm bảo nguồn cung lương thực cho giai đoạn Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Để khắc phục nhanh hậu quả do bão số 3 và mưa lũ sau bão, khôi phục và phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định đời sống của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 100/CĐ-TTg ngày 27/9 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp nhanh chóng phục hồi sản xuất nông nghiệp sau bão số 3 và mưa lũ.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương tập trung chỉ đạo, chủ động đẩy mạnh tổ chức sản xuất nông, lâm, thủy sản theo định hướng, chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân triển khai kịp thời các giải pháp phục hồi sản xuất, nhất là trồng trọt, thủy sản, chăn nuôi, đặc biệt là việc cung ứng các loại giống cây trồng, vật nuôi tại những vùng bị ảnh hưởng, thiệt hại do thiên tai để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm ổn định đời sống cho người dân trong những tháng cuối năm 2024, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.