Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

Trước ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP Hà Nội 10 tháng đầu năm 2020 đạt thấp so với cùng kỳ năm trước, chi ngân sách địa phương mới đạt 57,4% dự toán, trong đó chi đầu tư chỉ đạt 47,1% dự toán. Do vậy, đẩy mạnh chi ngân sách, nhất là chi đầu tư xây dựng cơ bản, giải ngân vốn đầu tư công là một trong những giải pháp thiết thực góp phần kích cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trước ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP Hà Nội 10 tháng đầu năm 2020 đạt thấp so với cùng kỳ năm trước, chi ngân sách địa phương mới đạt 57,4% dự toán, trong đó chi đầu tư chỉ đạt 47,1% dự toán. Do vậy, đẩy mạnh chi ngân sách, nhất là chi đầu tư xây dựng cơ bản, giải ngân vốn đầu tư công là một trong những giải pháp thiết thực góp phần kích cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Chủ tịch HÐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, chín tháng đầu năm 2020, kinh tế Thủ đô tiếp tục duy trì tăng trưởng ở mức 3,27%, bằng 1,54 lần mức tăng trưởng chung của cả nước. Tuy nhiên, do những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, kết quả thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố đạt thấp so với cùng kỳ năm trước và so với dự toán pháp lệnh. Thu nội địa 10 tháng ước đạt 183.180 tỷ đồng, bằng 89,9% so với cùng kỳ năm 2019. Chi ngân sách địa phương đạt thấp, ước 10 tháng mới đạt 57,4% dự toán, trong đó chi đầu tư đạt thấp mới chỉ đạt 47,1% dự toán. Do đó, đẩy mạnh chi ngân sách, nhất là chi đầu tư xây dựng cơ bản, giải ngân vốn đầu tư công là một trong những giải pháp thiết thực góp phần kích cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trên cơ sở rà soát tiến độ triển khai thực hiện của các dự án, UBND thành phố đề xuất trình HÐND phương án điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2019 kéo dài sang năm 2020 và kế hoạch đầu tư phát triển ngân sách thành phố năm 2020 (đợt 2); cập nhật kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước TP Hà Nội, đến ngày 30-10-2020, kết quả giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản toàn thành phố mới đạt 47,1%, tuy cao hơn mức cùng kỳ năm 2019, nhưng còn chậm so với yêu cầu đặt ra. Việc điều chỉnh giảm vốn đối với các dự án không có khả năng triển khai theo kế hoạch đã giao; ưu tiên bố trí, bố trí bổ sung vốn đầu tư các dự án chuyển tiếp, các dự án có khả năng đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành, các dự án mới đủ điều kiện triển khai là việc cần làm ngay để thúc đẩy kinh tế Thủ đô.

Trong bối cảnh dịch bệnh đã được kiểm soát, nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, đời sống, tăng trưởng. Do đó, tại kỳ họp chuyên đề của HÐND thành phố tổ chức vào ngày 10-11, UBND thành phố trình HÐND thành phố xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư sáu dự án sử dụng vốn đầu tư công từ ngân sách thành phố. Ðây là những dự án có tổng mức đầu tư lớn, mang tính chất quan trọng để xây dựng hạ tầng kinh tế, giao thông, thủy lợi, phát triển giáo dục, đào tạo, có tác động lớn đến thúc đẩy kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống người dân.

Trên cơ sở tờ trình của UBND thành phố và báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách, HÐND thành phố đã nhất trí điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2019 kéo dài sang năm 2020 gồm: Ðiều chỉnh giảm 627,320 tỷ đồng của 42 dự án, gồm 538,389 tỷ đồng của 29 dự án nguồn xây dựng cơ bản tập trung của thành phố và 88,931 tỷ đồng của 13 dự án nguồn vốn ngân sách thành phố hỗ trợ các huyện để bổ sung vốn cho 14 dự án, trong đó, bổ sung 538,389 tỷ đồng cho ba dự án nguồn xây dựng cơ bản tập trung của thành phố và 88,931 tỷ đồng cho 11 dự án nguồn vốn ngân sách thành phố hỗ trợ các huyện.

HÐND thành phố Hà Nội cũng đồng ý điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2020 gồm: Ðiều chỉnh giảm 2.355,360 tỷ đồng của 78 dự án; kế hoạch vốn bổ sung và hoàn trả Quỹ đầu tư phát triển của thành phố; vốn đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, đầu tư trở lại từ nhà, đất; hỗ trợ địa phương bạn; vốn thanh quyết toán dự án hoàn thành; vốn các dự án quy hoạch để bổ sung vốn cho 112 dự án (gồm 1.225,837 tỷ đồng cho 36 dự án cấp thành phố và 1.129,523 tỷ đồng cho 76 dự án nguồn vốn ngân sách thành phố hỗ trợ các huyện). Ðồng thời phân bổ chi tiết kế hoạch vốn để triển khai lập 42 đồ án, dự án quy hoạch và tiếp tục dành nguồn để giải ngân theo cơ chế linh hoạt để thực hiện lập các đồ án, dự án quy hoạch đủ điều kiện khác. HÐND thành phố cũng đồng ý điều hòa kế hoạch vốn xây dựng cơ bản cấp thành phố đối với ba chủ đầu tư với tổng số tiền là 308,415 tỷ đồng và điều hòa kế hoạch vốn ngân sách thành phố hỗ trợ cho một huyện với số tiền là 83,500 tỷ đồng theo quy định của Luật Ðầu tư công.

Cũng tại kỳ họp, HÐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư sáu dự án có tổng mức đầu tư là 992,385 tỷ đồng, sử dụng vốn đầu tư công của thành phố gồm: Trụ sở làm việc Huyện ủy, HÐND - UBND huyện Ðan Phượng; xây dựng trụ sở Huyện ủy - HÐND - UBND huyện Thường Tín; cải tạo, nâng cấp Trường THPT Trần Hưng Ðạo, quận Thanh Xuân; chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật phố Chương Dương Ðộ, quận Hoàn Kiếm (đoạn từ nút giao phố Bạch Ðằng đến bờ ven sông Hồng); xây dựng tuyến đường 17,5 m (mở rộng đường Trần Quốc Vượng) và đường nối từ Trần Quốc Vượng đến ngõ 86 Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy; cải tạo, nâng cấp tuyến kênh tiêu T0-5-2, huyện Ðan Phượng.

Thường trực HÐND thành phố Hà Nội đề nghị UBND thành phố tập trung chỉ đạo triển khai ngay các nghị quyết đã được kỳ họp HÐND thành phố thông qua, gắn với thực hiện Kết luận số 22/TB-HÐND ngày 4-9-2020 của Thường trực HÐND thành phố tại phiên giải trình về tình hình, kết quả thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công của thành phố năm 2020 và giai đoạn 2016 - 2020. UBND thành phố cần tăng cường phối hợp giữa các sở, ngành với chủ đầu tư trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Các đồng chí bí thư quận ủy, huyện ủy, thị ủy và chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã chỉ đạo sát sao trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư, không được để chậm giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án đầu tư công. Các chủ đầu tư không để xảy ra tình trạng chậm trễ, tồn đọng vốn, nợ đọng xây dựng cơ bản, đẩy nhanh công tác nghiệm thu, hoàn thiện hồ sơ thanh toán, quyết toán. "Có như vậy, các dự án đầu tư công trên địa bàn thành phố mới có thể được triển khai đúng tiến độ, chất lượng và hiệu quả, góp phần đáp ứng các nhu cầu dân sinh, nâng cao đời sống nhân dân và thúc đẩy kinh tế - xã hội của Thủ đô", đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.

Việt Tuấn

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tranghanoi-tin-chung/day-nhanh-giai-ngan-von-dau-tu-cong-624292/