Đẩy nhanh cơ giới hóa nông nghiệp

Với tổng diện tích gieo trồng khoảng 630.000 tấn/năm, việc đẩy nhanh cơ giới hóa trên đồng ruộng An Giang giúp giảm lao động chân tay, giảm giá thành và tăng hiệu quả sản xuất.

Ứng dụng nhiều mô hình mới

Từng được phong danh hiệu “vua lúa”, ông Sáu Đức (Nguyễn Lợi Đức, nông dân xã Lương An Trà, Tri Tôn) hiểu rất rõ hiệu quả của việc san phẳng mặt ruộng bằng tia laser. “Trên diện tích rộng, tia laser dễ dàng phát hiện những chỗ lồi, lõm để san bằng. Công nghệ này giúp cho việc san phẳng mặt ruộng vừa nhanh, vừa chính xác, chi phí rẻ hơn” - ông Sáu Đức chia sẻ.

Từ hiệu quả thực tế, ngành nông nghiệp An Giang đã phối hợp Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI), Trung tâm Năng lượng - Máy nông nghiệp của Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh và Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) triển khai mở rộng ứng dụng thiết bị san phẳng mặt ruộng điều khiển bằng tia laser, kết hợp thực hiện chương trình “1 phải, 5 giảm”. Mục đích của ứng dụng là hỗ trợ người dân quản lý mặt bằng đồng ruộng để giảm lượng giống gieo sạ, sử dụng nước và các kỹ thuật khác hiệu quả hơn. Đến nay, An Giang đã hỗ trợ đầu tư cho tổ hợp tác, hợp tác xã 6 máy san phẳng mặt ruộng bằng tia laser, diện tích được trang bằng máy laser trên 200ha.

Sử dụng thiết bị bay không người lái để phục vụ sản xuất nông nghiệp

Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, An Giang có phong trào xã hội hóa và thương mại hóa giống lúa phát triển. Mỗi năm, có trên 25.000ha diện tích nhân giống nên áp lực thuê, mướn nhân công cấy là rất lớn. Để khắc phục tình trạng này, nhiều năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã phối hợp nhiều công ty trong và ngoài nước tổ chức trình diễn máy cấy lúa giúp nông dân chọn được loại máy phù hợp với vùng đất cũng như phù hợp với khả năng đầu tư. Kết quả, loại máy cấy VP7D25 - Yanmar được phần lớn nông dân chấp nhận và đầu tư mua sắm. Loại máy này thực hiện cấy khá đều, với khoảng cách giữa các hàng 25cm, khoảng cách mỗi bước cấy lần lượt 22, 18, 16, 14, 12 và 10cm. Đến nay, toàn tỉnh đã có 18 máy cấy lúa các loại.

Hỗ trợ đầu tư máy móc

Theo ông Nguyễn Sĩ Lâm, để tạo điều kiện cho người dân đầu tư trang bị máy móc thông qua chương trình hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp, các ngân hàng đã hỗ trợ cho trên 1.400 lượt hộ nông dân vay vốn mua máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đến cuối năm 2019, trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 2.042 máy gặt đập liên hợp các loại, đáp ứng được 98% diện tích thu hoạch bằng máy, góp phần giảm thất thoát trong khâu thu hoạch.

Để nâng cao giá trị hạt gạo, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, thời gian qua tỉnh đã có nhiều chính sách phát triển khâu sau thu hoạch. Tỉnh áp dụng hỗ trợ vốn tín dụng cho vay không tính lãi trong 3 năm (ngân sách tỉnh cấp bù lãi suất) để khuyến khích hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp đầu tư lò sấy. Nhờ đó, số lượng máy sấy của tỉnh tăng nhanh, đặc biệt là những lò sấy công suất lớn từ 30 tấn trở lên. Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 1.069 lò sấy lúa, trong đó một số doanh nghiệp tiêu thụ lúa đã đầu tư lò sấy hiện đại có công suất đến 500 tấn/ngày để phục vụ sấy lúa vùng nguyên liệu ở những “Cánh đồng lớn”, khoảng 90% sản lượng lúa đều được sấy. Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 200 máy thu gom rơm các loại, đã thu gom khoảng 25% lượng rơm phục vụ lại trong sản xuất: trồng nấm rơm, ủ chua làm thức ăn cho bò, tủ liếp trồng rau màu… góp phần tăng giá trị trong nông nghiệp và hạn chế ô nhiễm môi trường.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, An Giang đang tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu, cây ăn trái (khoảng 15.000ha). Do vậy, nhu cầu ứng dụng cơ giới hóa ngày càng nhiều, nhiều mô hình ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới phun kèm bón phân kết hợp bộ phận hẹn giờ được triển khai cho rau màu và cây ăn trái. Qua đó, góp phần giảm chi phí và công lao động trong sản xuất. Nông dân tại một số vùng trồng màu đã nghiên cứu, sáng chế thành công và đưa vào ứng dụng máy đánh rãnh, lên liếp cho cây mè, xay thân bắp làm thức ăn gia súc…

Trong lĩnh vực chăn nuôi, dù ứng dụng cơ giới hóa còn thấp nhưng đã có 2 doanh nghiệp, 10 trang trại sử dụng hệ thống chuồng trại công nghệ bán tự động. Trong lĩnh vực thủy sản, với 2.496ha ao hầm và gần 2.200 bè nuôi trồng thủy sản, việc đưa máy móc vào các khâu phối, trộn thức ăn, bơm nước, tạo ô-xy trong các ao nuôi cá thâm canh, ấp trứng cá nhân tạo… từng bước được áp dụng và cho hiệu quả cao. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cho người nuôi trồng thủy sản của tỉnh.

Thời gian tới, tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn hỗ trợ giúp các tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay thực hiện theo chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp (theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp).

NGÔ CHUẨN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/day-nhanh-co-gioi-hoa-nong-nghiep-a265550.html