Dạy nghề thời công nghệ số: Liên kết, hợp tác là sự sống còn

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công tác dạy nghề cần liên kết với doanh nghiệp, hợp tác với các đối tác quốc tế để tiếp cận vốn, công nghệ mới là sự sống còn của các trường đào tạo nghề.

Nhiều khó khăn

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), trước yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, dưới tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật và công nghệ, giáo dục nghề nghiệp đang đứng trước những thách thức làm sao để có nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động, nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng theo kịp với sự phát triển của khoa học, công nghệ. Và câu trả lời là “Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp”.

Ông Bùi Chính Minh, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội, cho rằng, cách mạng 4.0 cũng như những cuộc cách mạng trước đó đã tác động tới mọi mặt của đời sống xã hội với những mức độ và chiều hướng khác nhau. Giáo dục - đào tạo là một trong những ngành chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất, bởi sản phẩm của đào tạo phải đáp ứng nhu cầu thị trường lao động đang có sự thay đổi nhanh chóng. Và bởi doanh nghiệp nhập các dây chuyền mới, công nghệ hiện đại, đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực cũng cao hơn.

Hiện, trường đang gặp nhiều khó khăn như: xây dựng chương trình, giáo trình làm sao cho “mềm dẻo”, linh hoạt; kiến thức, kỹ năng của giáo viên tuy đã được đào tạo nhưng chưa thể đáp ứng ngay. Trường đã có trang thiết bị rất tốt nhưng chưa theo kịp sự đổi mới trang thiết bị hiện đại của doanh nghiệp. Những việc này đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn, các nhà trường khó có thể đáp ứng.

“Nhà trường đang đa dạng các nguồn vốn, đặc biệt là quan hệ với doanh nghiệp và đối tác quốc tế. Tuy nhiên, quan hệ với doanh nghiệp chủ yếu là dựa vào quan hệ cá nhân. Ở các nước phát triển, doanh nghiệp phải tham gia vào đào tạo thì mới được sử dụng lao động; còn ở nước ta, ai đào tạo thì đào tạo, cứ lao động đến với tôi là tôi dùng. Việc xây dựng chuẩn đầu ra theo chuẩn quốc tế cũng gặp khó khăn về trình độ và kinh phí thực hiện”, ông Minh cho biết.

Tự mình thay đổi

Theo ông Bùi Chính Minh, khi cuộc CMCN 4.0 rõ nét hơn, có nhu cầu bức bách hơn, trường xác định đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao hơn, chất lượng tốt hơn, đa ngành, đa nghề, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Do vậy, trường rất linh hoạt trong xây dựng chương trình đào tạo, xây dựng chương trình theo sát nhu cầu của doanh nghiệp, đào tạo những gì xã hội đang cần.

Cùng với đó là đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, giáo viên. Ngoài nguồn vốn của TP. Hà Nội, nhà trường đang làm tốt khâu quan hệ với quốc tế. Thông qua các dự án và quan hệ của nhà trường, 3 năm qua, có gần 50 lượt giáo viên được cử đi đào tạo tại Hàn Quốc, Đức, Nhật, Australia, Đan Mạch,... Chương trình đào tạo rất đúng, rất trúng về chuyên môn, chuyên ngành.

Tuy nhiên, do nguồn vốn hạn chế nên gần đây trường mời chuyên gia các nước về tổ chức đào tạo tại trường. Như vậy, sẽ đào tạo được nhiều lượt giáo viên, đào tạo trên trang thiết bị của trường nên hiệu quả cao hơn. Đầu tư trang thiết bị theo hướng phục vụ một số nghề trọng điểm, đặc biệt là các nghề đạt trình độ quốc tế.

Ông Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, cho biết, sắp tới, các khoa của trường sẽ không còn độc lập nữa mà kết nối lại với nhau. Tất cả trang thiết bị, máy móc sẽ thành hệ thống kết nối thông qua internet, di động. Nhà trường sẽ coi thiết bị công nghiệp như cơ sở sản xuất. Nói chính xác, chúng tôi muốn biến nhà trường thành nhà máy 4.0. Như vậy, mới tiếp cận được 4.0, nếu không 4.0 như đám mây lơ lửng trên đầu, sinh viên không thể “sờ” được.

“Phải trang bị cho giáo viên và sinh viên nhận thức, chúng ta không thể đi ngược lại “cơn bão” công nghệ 4.0 mà phải đi cùng với nó, thậm chí phải đối mặt thay vì né tránh. Phải sẵn sàng và liên tục thay đổi, đáp ứng, thích nghi, học hỏi để tồn tại”, ông Khánh nói.

Điểm sáng liên kết

Phó hiệu trưởng Bùi Chính Minh cho hay, hiện trường đang thực hiện 2 nghề trọng điểm và trình độ quốc tế theo chương trình của Chính phủ gồm: kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí; nghề cơ điện tử (hai lớp 38 học viên). Đào tạo theo chương trình của Australia, học hoàn toàn bằng tiếng Anh.

“Đây là hai nghề trọng điểm, chương trình đào tạo tiên tiến, giáo viên của trường được đưa đi Australia đào tạo 6 tháng. Giữa và cuối kỳ, các chuyên gia của Australia đến kiểm tra, giám sát xem giáo viên đào tạo, sinh viên học có đáp ứng nhu cầu của chương trình không? Nếu đạt, sinh viên sẽ được cấp bằng của Australia, có giá trị toàn cầu, giống như du học tại Australia nhưng học tại Việt Nam,” ông Minh nói.

Ngoài ra, trong nhiều khóa học khác, trường phối hợp đào tạo với các doanh nghiệp của Hàn Quốc và Nhật Bản. Xuất phát từ nhu cầu lao động, doanh nghiệp sẽ làm việc, thống nhất với trường chương trình đào đạo, và cùng tham gia đào tạo. Sinh viên tham gia học được cấp học bổng, học tiếng miễn phí, học xong, doanh nghiệp tiếp nhận đưa về nước đào tạo thêm, sau đó quay lại Việt Nam làm ở các khâu quản lý chủ chốt của doanh nghiệp.

Ông Minh khẳng định, các trường trong nước nói chung, các trường dạy nghề nói riêng phải gắn kết với doanh nghiệp. Bởi, các trang thiết bị của nhà trường nhiều khi không theo kịp với doanh nghiệp, do vậy, liên kết với doanh nghiệp là nhiệm vụ sống còn. Khi liên kết, trường sẽ đưa sinh viên đến thực tập tại doanh nghiệp trên dây chuyền công nghệ mới, vừa cung cấp nhân lực cho họ, mà sinh viên lại vừa thích ứng được với công nghệ mới.

Hiện nay, trường có chương trình đào tạo tại doanh nghiệp. Trường thấy doanh nghiệp nào có thiết bị, kỹ thuật mới mà trường chưa có sẽ chủ động đến doanh nghiệp xây dựng chương trình đưa sinh viên học tại doanh nghiệp, có giáo viên đi kèm cùng với doanh nghiệp hỗ trợ đào tạo thực tế. Đây là cách huy động được sức mạnh của doanh nghiệp hiệu quả nhất.

Theo ông Nguyễn Đức Thọ, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề kỹ thuật công nghệ (Bộ LĐTB&XH), hiện trường liên kết với hơn 60 doanh nghiệp trong và ngoài nước để đào tạo và cung cấp nhân lực. Khi học sinh, sinh viên nhập học, trường cam kết về chất lượng đào tạo, cam kết có việc sau khi ra trường. Cùng với đó, trường ký kết với các doanh nghiệp cung ứng nguồn nhân lực và hỗ trợ sinh viên thực tập tại doanh nghiệp.

“Hiện, nhu cầu cần lao động rất lớn nhưng nguồn cung còn hạn chế, nguồn tuyển đầu vào rất khó do tư tưởng phải học đại học. Năm học 2017-2018, trường có 800 học sinh, sinh viên ra trường, tỷ lệ có việc làm trên 80%. Do vậy, đầu ra của sinh viên không khó, sinh viên ra trường có sự lựa chọn xem mình làm ở đâu. Thậm chí mỗi tuần có cả chục “đơn hàng” đến trường đặt vấn đề nhưng không có “hàng””, ông Thọ nhấn mạnh.

Được biết, năm 2017 - 2018, Bộ LĐTB&XH có văn bản gửi tới các bộ, ngành, địa phương, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các doanh nghiệp để chỉ đạo, thúc đẩy tăng cường gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, việc làm và an sinh xã hội. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức ký kết các Chương trình phối hợp công tác với nhiều cơ quan, tổ chức, hiệp hội và tập đoàn lớn tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc gắn kết với doanh nghiệp. Các trường chủ động ký kết hợp tác đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp trong việc tuyển sinh, tổ chức đào tạo và giải quyết việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp.

Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp

Ông Nguyễn Đức Thọ cho biết thêm, để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được cuộc cách mạng 4.0, các trường nghề nên tập trung triển khai các nghề trọng điểm đạt trình độ quốc tế; đổi mới công tác quản trị đáp ứng kỷ nguyên số. Đồng thời, tổ chức rà soát lại bộ máy cho phù hợp, đào tạo đội ngũ giáo viên; nghiên cứu bổ sung, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, đặc biệt những lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao.

Để nâng cao nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của CMCN 4.0, Bộ LĐTB&XH đã đưa ra các giải pháp cụ thể. Đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục. Hoàn thiện chính sách đối với nhà giáo, giáo dục nghề nghiệp, người lao động qua đào tạo và doanh nghiệp; chính sách đối với người học về học phí, học bổng, trợ cấp…

Rà soát, sắp xếp, đánh giá cơ sở giáo dục nghề nghiệp, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp; khuyến khích thành lập mới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập và có vốn đầu tư của nước ngoài, ưu tiên doanh nghiệp thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trao quyền tự chủ cho các cơ sở gắn với trách nhiệm giải trình, cơ chế đánh giá độc lập dưới sự kiểm soát của nhà nước và xã hội.

Đẩy mạnh cải cách hệ thống giáo dục, đào tạo, ưu tiên cho các ngành khoa học kỹ thuật; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý doạt động đào tạo, quản trị nhà trường; đẩy mạnh dạy và đào tạo ngoại ngữ trong giáo dục nghề nghiệp; đào tạo, hướng nghiệp gắn với việc làm và theo nhu cầu của xã hội. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp.

Đặc biệt, phải gắn kết với doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo. Đẩy mạnh phát triển đào tạo tại doanh nghiệp, phát triển các trường trong doanh nghiệp để đào tạo nhân lực phù hợp với công nghệ và tổ chức của doanh nghiệp.

Ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cho rằng, không được phép tư duy những trường nghề là sân dưới hay là nơi chỉ đào tạo trình độ bậc thấp. Giáo dục nghề nghiệp là tập trung phát triển kỹ năng cho người lao động, đáp ứng yêu cầu trong thời đại mới. Trên thế giới, giáo dục nghề nghiệp luôn chiếm 40 - 60%, thậm chí có những quốc gia phân luồng phân khúc giáo dục nghề nghiệp 80%, đại học chỉ đào tạo ra những tinh hoa. Một trường nghề không thể ngồi nghĩ phải làm hay không làm gì mà phải thiết kế được một mô hình tổng thể và phải có mô hình, phương thức thông minh thì mới tạo được cạnh tranh.

Hoàng Văn

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/day-nghe-thoi-cong-nghe-so-lien-ket-hop-tac-la-su-song-con-post22897.html