Dạy nghề theo nhu cầu cho nông dân

Sau hơn 7 năm thực hiện Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay việc đầu tư, xây dựng Hệ thống trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân cấp tỉnh đã mang lại những kết quả tích cực. Qua hoạt động, các trung tâm này đã giúp hàng triệu lao động nông thôn có việc làm ổn định, phát triển sản xuất, kinh doanh, từng bước cải thiện cuộc sống.

Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam, thực hiện Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay việc đầu tư xây dựng Hệ thống trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân cấp tỉnh và hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân cũng đã đạt được kết quả bước đầu. Cơ sở vật chất và tổ chức bộ máy trung tâm đã dần được kiện toàn và đi vào hoạt động, đáp ứng một phần nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, cũng như các dịch vụ hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tính đến tháng 9/2018 đã có 55/63 tỉnh, thành phố bố trí mặt bằng để xây dựng các trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh; có 35 trung tâm đã được nâng cấp vốn để đầu tư xây dựng trong đó có 25 trung tâm được xây dựng mới và 10 trung tâm được đầu tư nâng cấp, bổ sung trang thiết bị. Hiện đã có 20 trung tâm hoàn thành và đưa vào sử dụng, 15 trung tâm đang tiếp tục đầu tư xây dựng.

Ông Phạm Tiến Nam khẳng định, qua hoạt động, các cấp Hội đã thể hiện được vai trò trung tâm, nòng cốt trong đào tạo nghề và dịch vụ hỗ trợ nông dân. Mỗi năm có trên 200 nghìn nông dân được đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề. Trên 3,5 triệu lượt hội viên, nông dân được hướng dẫn, hỗ trợ về giống, vốn, vật tư nông nghiệp, khoa học kỹ thuật, công nghệ. Tỷ lệ lao động có việc làm ổn định sau khi được học nghề đạt trên 85%, thu nhập và đời sống của nông dân được ổn định và nâng cao sau khi qua đào tạo.

Thực tế cho thấy việc xây dựng các trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân cấp tỉnh đã góp phần quan trọng giúp người nông dân có thêm nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tại tỉnh Quảng Nam, trước đây hàng năm các cấp Hội Nông dân trong tỉnh chỉ đào tạo khoảng 150 đến 350 lao động, nhưng từ khi được khi đầu tư xây dựng trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh, số lượng lao động đào tạo đã nâng lên cả về số lượng và chất lượng.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam Vũ Văn Thẩm cho biết, để đảm bảo sau học nghề người lao động có việc làm và thu nhập cao, các trung tâm đã tổ chức việc dạy nghề từ chính nhu cầu thực tế của hội viên, nông dân và đặt hàng của doanh nghiệp. Đến nay, tổng số học viên được dạy nghề của trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh Quảng Nam chiếm tới 50% tổng số học viên trên địa bàn, với số lượng đào tạo trong năm 2017 đạt gần 2.700 lao động với tỷ lệ các học viên có việc làm sau học nghề đạt trên 90%.

Tại hầu hết các tỉnh, thành phố, hoạt động các trung tâm hỗ trợ nông dân đã và đang được duy trì với nhiều hình thức chuyển đổi cùng nội dung đào tạo nghề phù hợp với định hướng phát triển của địa phương cũng như đáp ứng nhu cầu từng doanh nghiệp.

Trong bối cảnh công tác dạy nghề cạnh tranh khốc liệt giữa các đơn vị dạy nghề, với đặc thù đối tượng dạy nghề của mình cộng thêm sự năng động, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Hải Dương đã chủ động tổ chức dạy nghề xuất phát từ chính nhu cầu thực tế của hội viên. Chỉ trong vòng 5 năm qua, Trung tâm đã tổ chức đào tạo được 177 lớp nghề, cấp chứng chỉ nghề cho hơn 6.100 lượt hội viên nông dân, tổ chức 1.182 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật ngắn ngày cho trên 68.000 lượt nông dân...

Để từng bước tháo gỡ những khó khăn và nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác dạy nghề, trong thời gian tới, các cấp Hội Nông dân sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các trung tâm hỗ trợ nông dân cấp tỉnh tiếp tục tục đẩy mạnh việc tư vấn, dạy nghề cho nông dân, thu hút lao động trẻ tham gia học nghề. Mục tiêu của Hội Nông dân Việt Nam, mỗi năm sẽ có trên 200 nghìn người được đào tạo nghề với tỷ lệ 90% nông dân sau đào tạo có việc làm mới hoặc tự tạo việc làm, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh…

* Trong hai ngày 3 và 4/11, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 17 khóa VI. Hội nghị đã xem xét và quyết định những nội dung công tác quan trọng như công tác nhân sự Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VII, nhiệm kỳ 2018-2023; Dự thảo báo cáo của Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VI tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII; đánh giá tình hình, kết quả triển khai đầu tư xây dựng và hoạt động của các trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân cấp tỉnh theo quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ. Dự kiến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII Hội Nông dân Việt Nam nhiệm kỳ 2018-2023 sẽ diễn ra từ 11đến 13/12/2018.

Trung Hiếu

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/xa-hoi/day-nghe-theo-nhu-cau-cho-nong-dan-tintuc421792