Dạy nghề phải gắn với thực tiễn địa phương

Thời gian qua, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã được chú trọng ở một số địa phương và một số lao động sau khi học nghề xong đã tìm được việc làm tại các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hay các dịch vụ tại chỗ, thực hiện được việc 'ly nông bất ly hương'.

Một số cá nhân còn mạnh dạn thành lập doanh nghiệp, tổ chức sản xuất, giải quyết việc làm cho các lao động khác, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn, xây dựng nông thôn mới.

 Xây dựng kế hoạch đào tạo nghề ở nông thôn cần sát với điều kiện, nhu cầu của địa phương. Ảnh minh họa Uyên Viễn.

Xây dựng kế hoạch đào tạo nghề ở nông thôn cần sát với điều kiện, nhu cầu của địa phương. Ảnh minh họa Uyên Viễn.

Tôi theo dõi thấy các hoạt động đào tạo nghề gặt hái được thành công là nhờ biết dạy những gì người dân cần và gắn liền với nhu cầu thực tiễn cũng như tận dụng và phát huy được những điều kiện mà vùng nông thôn đó đang có.

Ngoài ra, việc dạy nghề không chỉ thuần túy dạy nghề mà có khi chương trình còn tư vấn, hướng dẫn người nông dân cách thức tổ chức sản xuất kinh doanh. Đã có những hợp tác xã ra đời và phát triển qua kết hợp đào tạo và sử dụng nguồn lao động tại chỗ.

Trong khi đó, cũng có những dự án dạy nghề thất bại do coi dạy nghề như là biện pháp tình thế, có tính thời điểm, hoặc do chạy theo số lượng dự án được tài trợ mà không khảo sát kỹ nhu cầu thực tiễn ở địa phương, không tận dụng được thế mạnh vùng miền, đặc thù lao động. Do vậy, người học nghề xong không có việc làm nên không phát huy được những gì đã học. Điều này gây sự lãng phí rất lớn không chỉ cho người học mà cho cả xã hội.

Thiết nghĩ, xây dựng kế hoạch đào tạo nghề ở nông thôn cần sát với điều kiện, nhu cầu của địa phương. Có như thế, người học mới có thể chuyển đổi nghề thành công với việc làm và thu nhập.

Văn Thi Hoàng

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/290585/day-nghe-phai-gan-voi-thuc-tien-dia-phuong.html