Dạy nghề cho người thất nghiệp tại TP HCM: Không học nhưng vẫn được đề nghị 'ký khống' vào hồ sơ ?

Không dạy nghề cho người thất nghiệp, nhưng vẫn nhận kinh phí hỗ trợ. Để đối phó với các đoàn kiểm tra, cán bộ của Trung tâm Hỗ trợ việc làm TP.HCM, chi nhánh Quận 9, đã dạy học sinh những chiêu trò để 'qua mặt' cơ quan chức năng?

Sau 11 năm triển khai thực hiện, chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) ngày càng khẳng định vai trò là công cụ quản trị thị trường lao động hữu hiệu, có vai trò rất lớn không chỉ đối với cá nhân người lao động và doanh nghiệp, mà còn là liều thuốc làm “hạ nhiệt” sự căng thẳng xã hội do tình trạng thất nghiệp gây ra, là một trong những công cụ để thực hiện chính sách an sinh xã hội của mỗi quốc gia.

Trường Trung cấp Lê Thị Riêng. Ảnh: Internet

Trường Trung cấp Lê Thị Riêng. Ảnh: Internet

Đặc biệt trong bối cản tác động của dịch Covid-19 khiến nhiều công ty bị giảm đơn hàng, các nhà hàng, khách sạn, ngành dịch vụ vắng khách dẫn đến hàng nghìn người lao động bị mất việc.

Hỗ trợ học nghề là một phần trong chính sách BHTN nhằm giúp người lao động chuyển đổi nghề nghiệp để sớm quay trở lại thị trường lao động.

Đây được xem là chính sách nhân văn, ý nghĩa giúp cho không ít người thất nghiệp vượt qua được khó khăn bước đầu, sớm quay lại thị trường lao động.

Hiện, TP HCM đang là địa phương có nhiều giải pháp tăng cường hỗ trợ đào tạo nghề cho những người thất nghiệp.

Tuy nhiên, lợi dụng vào chủ trương đó, hàng ngàn người lao động thất nghiệp lại không được đào tạo như kỳ vọng.

TP HCM: Lớp học dạy nghề cho người thất nghiệp hay học cách nói dối. (Nguồn VTV9).

Thời gian qua, phản ánh tới báo chí, một số người lao động bức xúc về việc cán bộ của chi nhánh Bảo hiểm thất nghiệp Quận 9 phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm chi nhánh Quận 9 (thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hộ TP HCM) đã dạy học sinh “ký khống” vào hồ sơ nhập học để thu lợi bất chính số tiền lên tới hàng tỷ đồng.

Theo ghi nhận, ngay tại ngày đầu khai giảng, tại địa điểm Trường Trung cấp nghề Lê Thị Riêng (thuộc Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam), lớp học nghề của Trung tâm Dịch vụ việc làm TP HCM, chi nhánh Quận 9 tổ chức có gần 50 học viên đến tham dự nhưng chỉ 7 người có nhu cầu học thật.

Ngay những phút đầu của buổi học, 1 nữ cán bộ đứng trước hàng trăm học viên đã công khai dặn dò trước lớp: “Em tư vấn cho các anh/chị một buổi này thôi rồi đi về, những tháng sau mình sẽ không lên.

Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Hồ Chí Minh – Chi nhánh Bảo hiểm thất nghiệp Quận 9.

Bây giờ dặn trước nhé, bất ngờ trên trung tâm hoặc phòng Đào tạo gọi điện kiểm tra, bất ngờ một người nào đó trong đây. Sẽ không gọi hết được đâu, mấy năm nay chưa có ai gọi thì nói có đi học nhé, nhớ nhé.”

Đây chính là “chiêu trò” cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm TP HCM và nhân viên tư vấn bảo hiểm thất nghiệp chi nhánh Quận 9 “đào tạo” học sinh “nói dối” để hợp thức hóa lớp học, ngay trong ngày đầu tiên khai giảng.

Trong số gần 50 học viên, chỉ 7 người có nhu cầu học thật. Còn lại, họ đến vì sẽ được ký “khống” vào phụ lục ngày thông báo hàng tháng về việc tìm kiếm việc làm để hoàn tất thủ tục nhận Bảo hiểm thất nghiệp.

Tất nhiên, đổi lại, người lao động buộc phải đăng ký “khống” một khóa học nghề, với việc đặt bút ký hợp đồng đào tạo, giấy đề nghị hỗ trợ học nghề, thậm chí cả bài kiểm tra...Tất cả “quy trình” nói dối này đều theo sự hướng dẫn cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm chi nhánh bảo hiểm quận 9 đã “bày binh bố trận” từ trước.

Được biết, học phí mỗi học viên là 3 triệu đồng/người/khóa. Mỗi lớp học sẽ có khoảng 50 học viên vậy số tiền thu được từ một lớp dạy nghề cho lao động thất nghiệp vào khoảng 150 triệu đồng.

Nếu "ký khống" hồ sơ, số tiền bảo hiểm hỗ trợ đào tạo sẽ là con số không hề nhỏ sẽ được “chảy” vào túi ai ? Đây là chưa tính có hàng trăm khóa học với hàng nghìn học sinh đã được đào tạo “nói dối” kiểu này?

Trao đổi với báo chí, một người lao động cho biết: “Nhà nước tài trợ cho mỗi người thất nghiệp 3 triệu đồng nhưng khi mình đăng ký với trung tâm này, thì họ sẽ được hưởng 3 triệu đồng tiền mà nhà nước hỗ trợ...”.

Trước những thông tin lùm xùm trên, ngày 7/7 trả lời với báo chí, TS. Nguyễn Hùng Cường (Hiệu trưởng Trường TC Lê Thị Riêng) khẳng định chi nhánh Trung tâm Hỗ trợ việc làm Q.9 đặt tại trường từ tháng 5/2019.

Tháng 6/2019, trường phối hợp với trung tâm tổ chức tư vấn tuyển sinh nhưng không hình thành được lớp vì số lượng học viên ít.

Theo thông tin phản ánh, có thể đó là lớp của trung tâm này tổ chức, không liên quan đến trường.

Phải chăng, việc tổ chức các lớp học như vậy của Trung tâm Dịch vụ việc làm TP HCM, Chi nhánh bảo hiểm xã hội Quận 9, TP HCM cùng các đơn vị đào tạo nghề trên địa bàn đang có dấu hiệu để trục lợi bảo hiểm xã hội.

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp được xem là “phao cứu sinh” cho người lao động, đặc biệt sau tác động của Covid-19, TP HCM lại là địa phương có tỷ lệ người thất nghiệp cao và liên tục gia tăng.

Theo thống kê, sau tác động của Covid-19, nếu như cả năm 2019, mỗi ngày TP HCM có khoảng 500 người hưởng trợ cấp thất nghiệp (gần 159.000 người/năm), thì hiện nay con số này lên tới 1.000 người/ngày.

Chỉ riêng tháng 5/2020, toàn thành phố có gần 26.700 người lãnh khoản trợ cấp này và trong 5 tháng đầu năm 2020, có gần 71.000 người lao động đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 11% so với cùng kỳ. Chính vì vậy, việc mở những lớp “khống” để trục lợi biểm hiểm là hành vi cần phải xử lý nghiêm.

Trước thực trạng này, đề nghị UBND TP HCM, Sở LĐ, TB&XH Thành phố sớm thanh, kiểm tra, làm rõ, xử lý nghiêm tình trạng này, không để “méo mó” chính sách an sinh xã hội của Nhà nước nói chung và Thành phố nói riêng.

Theo Điều 214 - Bộ luật Hình sự đã quy định rõ hành vi gian lận tiền bảo hiểm thất nghiệp sẽ bị truy tố hình sự với mức án cao nhất là 10 năm tù.

Quốc Bảo

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/day-nghe-cho-nguoi-that-nghiep-tai-tp-hcm-khong-hoc-nhung-van-duoc-de-nghi-ky-khong-vao-ho-so-d132627.html