Đẩy mạnh xúc tiến vào thị trường Thái Lan

Tuần lễ hàng Việt Nam tại Thái Lan 2019 do Sở Công thương TPHCM phối hợp với Tập đoàn BJC (Thái Lan) tổ chức đã kết thúc vào 10-11.

Bà Nguyễn Huỳnh Trang

Bà Nguyễn Huỳnh Trang

Dịp này, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, đã có cuộc trao đổi với PV Báo SGGP về kết quả đạt được từ tuần lễ, cũng như những vấn đề đặt ra cho hàng Việt tại thị trường Thái Lan.

* Phóng viên: Nhân tuần lễ hàng Việt Nam tại Thái Lan 2019, bà có nhận xét gì về thị trường nước bạn?

- Bà Nguyễn Huỳnh Trang: Thái Lan là một trong những thị trường có dung lượng khá lớn và có nhiều tiềm năng xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam. Theo đó, cơ cấu sản phẩm, phong tục, tập quán tiêu dùng của Thái Lan rất gần gũi với Việt Nam nên hàng hóa của nước này hiện diện tại Việt Nam rất nhiều và được người tiêu dùng đánh giá cao. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại chưa có nhiều hàng hóa Việt Nam thâm nhập được vào các hệ thống phân phối tại Thái Lan. Đây chính là lý do chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa việc xúc tiến vào thị trường này để tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt, kéo giảm sự chênh lệch về kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa 2 nước.

* Việc thâm nhập vào thị trường Thái Lan gặp những thuận lợi và khó khăn gì, thưa bà?

- Như tôi đã nói, do sản phẩm tương đồng, phong tục tập quán tiêu dùng khá giống Việt Nam, nhưng trên thực tế, Thái Lan không phải là một thị trường dễ tính, đồng thời có rất nhiều quy định, quy chuẩn đòi hỏi các tiêu chuẩn chất lượng cao mà các DN phải đáp ứng để được cấp phép vào thị trường này. Trong khi đó, DN Việt Nam có lợi thế về chủng loại sản phẩm phong phú nhưng bản thân DN chưa chú trọng tới việc xây dựng thương hiệu, mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm, thông tin trên bao bì... về cơ bản chưa đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người Thái Lan, do vậy cho đến nay việc đưa hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào thị trường này gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh những khó khăn về rào cản chất lượng thì chúng ta cũng có một số thuận lợi, đó là quan hệ về chính trị, kinh tế của hai nước liên tục được cải thiện. Nếu các DN Việt Nam mạnh dạn hơn nữa trong việc đầu tư về nhiều mặt: chất lượng, cải tiến bao bì, mẫu mã, đẩy mạnh việc xúc tiến, quảng bá thương hiệu để tìm kiếm các đối tác, thì hàng Việt vẫn có cơ hội tiếp cận với thị trường Thái Lan với 69 triệu dân, từ đó xuất khẩu sang các thị trường lân cận.
* Tiềm năng là vậy nhưng tại sao đến thời điểm này, TPHCM mới thực hiện đợt xúc tiến thương mại đầu tiên với quy mô lớn vào Thái Lan?

- Đã đến lúc cần phải tổ chức các chương trình xúc tiến để hỗ trợ DN quảng bá thương hiệu, đưa sản phẩm tiếp cận với người tiêu dùng Thái Lan nói riêng và trong khu vực ASEAN. Thực ra trước đây đã có khá nhiều đơn vị tại TPHCM thực hiện các đợt xúc tiến theo nhiều cách khác nhau. Đặc biệt, trong 4 năm gần đây, Bộ Công thương đã phối hợp với Tập đoàn Central Group tổ chức định kỳ tuần lễ hàng tại Thái Lan với quy mô rất lớn nhằm giúp các DN Việt tham gia mạng lưới phân phối Thái Lan nói riêng và ASEAN nói chung. Chương trình nằm trong chuỗi các hoạt động thuộc khuôn khổ Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài, giai đoạn đến 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1513/QĐ-TTG ngày 3-9-2015 cũng không nằm ngoài mục đích là mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng Việt.

* Theo bà, để thâm nhập tốt thị trường Thái Lan, các DN Việt Nam cần phải làm gì?

- Theo tôi, điều đầu tiên các DN cần phải đánh giá đúng khả năng của mình trong việc cung ứng, xuất khẩu hàng hóa. Với thị trường có cơ cấu sản phẩm tương đồng như Thái Lan, muốn thâm nhập và khai thác hiệu quả, không còn cách nào khác, DN Việt phải không ngừng đầu tư công nghệ, thiết bị để nâng cao hiệu quả sản xuất, hoàn thiện chất lượng và kéo giảm giá thành ở mức thấp nhất. Hàng hóa của Thái Lan có giá bán rất cạnh tranh, nếu hàng Việt không có giá bán tốt thì sẽ rất khó thâm nhập. Cùng với việc tìm hiểu kỹ về thị trường, về dung lượng thị trường, thị hiếu người tiêu dùng, DN Việt Nam phải có chiến lược phù hợp như phát triển sản phẩm mới, tạo ra các giá trị khác biệt và có chiến lược thâm nhập hiệu quả, dài hạn thì mới có cơ hội để thành công.

Sau đợt xúc tiến, nếu các DN cần tư vấn về đổi mới công nghệ, kỹ thuật thì chúng tôi sẽ đề nghị Sở KH-CN TPHCM hỗ trợ. Nếu DN cần vốn thì TPHCM đã và đang thực hiện các chương trình kích cầu đầu tư, đồng thời Sở Công thương đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM để hỗ trợ vốn vay cho DN với lãi suất thấp...

THÚY HẢI thực hiện

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/day-manh-xuc-tien-vao-thi-truong-thai-lan-627639.html