Đẩy mạnh xuất khẩu đặc sản nhãn chín muộn Đại Thành

Với định hướng vươn tới các thị trường nước ngoài, thời gian qua huyện Quốc Oai đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng vùng trồng nhãn Đại Thành trở thành vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, đủ điều kiện xuất khẩu vào những thị trường 'khó tính'.

Thu hoạch nhãn chín muộn tại xã Đại Thành, huyện Quốc Oai.

Xã Đại Thành (huyện Quốc Oai), được xem là thủ phủ của nhãn chín muộn và hiện đang lưu giữ, bảo tồn cây nhãn tổ có tuổi đời hơn 100 năm. Nhãn chín muộn Đại Thành có đặc điểm quả to, mầu vàng sáng, cùi dày, độ ngọt vừa phải, vị thơm dịu. Đáng chú ý, thời gian thu hoạch nhãn muộn hơn các giống nhãn khác từ 30 đến 40 ngày và độ “xuống nước” chậm, cho nên quả chín có thể tự bảo quản trên cây khoảng một tháng mà chất lượng vẫn bảo đảm, không phải sử dụng thuốc hãm. Nhờ những đặc điểm nổi trội này, nhãn chín muộn dễ tiêu thụ và có giá trị kinh tế cao. Từ năm 2012, nhãn chín muộn đã được TP Hà Nội lựa chọn trở thành loại cây đặc sản của Thủ đô.

Anh Nguyễn Văn Thành, một trong những hộ dân trồng nhãn chín muộn lâu năm cho biết, sau khi được lựa chọn là loại cây trồng đặc sản, ngành nông nghiệp thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất an toàn cho người dân. Năm nay, nhiều hộ sản xuất được Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội tập huấn về cách sử dụng phân bón, hỗ trợ chế phẩm na-nô bạc, kỹ thuật bón phân cho từng cây, từng giai đoạn sinh trưởng; nhận biết và phòng trừ sâu bệnh hại; kỹ thuật cắt tỉa, tạo tán, khoanh vỏ, kích thích ra hoa, chống rụng quả... Nhờ đó, năng suất, chất lượng nhãn chín muộn năm nay vượt trội so với các năm trước. Giá trị ước đạt khoảng 850 triệu đồng/ha.

Không riêng gia đình anh Thành, nhiều hộ dân khác trên địa bàn xã Đại Thành cũng tham gia đề án phát triển cây ăn quả đặc sản của TP Hà Nội. Năm 2013, nhãn chín muộn Đại Thành được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể, tạo thuận lợi để sản phẩm được tiêu thụ trong hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch của Hà Nội. Theo Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Đại Thành Đinh Văn Phích, hiện nay trên địa bàn xã có 115 ha trồng nhãn chín muộn đang cho thu hoạch. Tổng sản lượng từ 2.500 đến 3.000 tấn/năm, trong đó phần lớn diện tích trồng nhãn được áp dụng tiêu chuẩn VietGAP. Nhãn chín muộn trở thành loại cây làm giàu của nhiều gia đình. Nhờ hiệu quả kinh tế từ cây nhãn muộn mang lại, Đại Thành được phép chuyển đổi toàn bộ diện tích đất lúa sang trồng cây ăn quả, trong đó chủ lực là nhãn chín muộn.

Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, hiện nay tổng diện tích trồng nhãn trên địa bàn thành phố hơn 1.720 ha, gồm nhiều giống khác nhau, với sản lượng ước tính đạt 25.000 tấn. Trong đó, nhãn chín muộn có diện tích khoảng 600 ha, được trồng tập trung tại hai huyện Quốc Oai, Hoài Đức và rải rác tại một số xã của các huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ba Vì, Đan Phượng… Nhãn chín muộn được thành phố lựa chọn là một trong bốn loại cây trồng chủ lực của ngành nông nghiệp Thủ đô. Trong thời gian tới, diện tích trồng nhãn muộn sẽ tăng nhanh chóng. Cụ thể, theo quy hoạch đến năm 2020, vùng trồng nhãn chín muộn xã Đại Thành sẽ đạt 200 ha. Vùng trồng nhãn ven sông Đáy (huyện Hoài Đức), bao gồm các xã An Thượng, Đông La, Song Phương diện tích đạt 250 ha. Ngoài ra, có vùng Lam Điền, Thụy Hương (huyện Chương Mỹ) với diện tích khoảng 100 ha. Vì thế, việc chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ, tránh tình trạng cung vượt cầu, được mùa mất giá là rất cần thiết. Đại diện UBND huyện Quốc Oai cho biết, nhãn chín muộn Đại Thành là cây trồng quý, có giá trị kinh tế cao. Vì thế, huyện sẽ tập trung hỗ trợ xã Đại Thành kết nối tiêu thụ sản phẩm trong các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích và xuất khẩu.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, bên cạnh việc tập trung hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bảo quản để tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn, Sở phối hợp UBND huyện Quốc Oai tổ chức hội nghị phát triển sản xuất, quảng bá và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm đặc sản nhãn chín muộn Đại Thành nhằm đẩy mạnh việc tìm kiếm, mở rộng, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm. Năm 2016, nhãn chín muộn Đại Thành đã xuất khẩu sang Ma-lai-xi-a và năm nay vừa xuất khẩu thành công vào thị trường Mỹ, Ba Lan. Đây là những tín hiệu rất quan trọng, bởi sản phẩm vào được thị trường Mỹ phải tuân thủ rất nghiêm ngặt các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, nếu phía bạn kiểm tra, phát hiện có chất cấm tồn dư thì không chỉ lô hàng bị trả về mà cả vùng trồng nhãn sẽ ảnh hưởng.

Mới đây, phát biểu tại lễ xuất hành đưa 19 tấn nhãn muộn Đại Thành xuất khẩu đi Mỹ, Ba Lan, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu khẳng định, đây là thành công lớn của ngành nông nghiệp Hà Nội. Những chuyến hàng đầu tiên xuất khẩu sang thị trường tiềm năng này đã khẳng định chất lượng sản phẩm nhãn chín muộn Đại Thành, mở ra hướng đi mới cho nhãn chín muộn Thủ đô. Thành phố sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển giống nhãn đặc sản này theo quy hoạch và nâng cao hơn nữa sản lượng xuất khẩu...

Minh Huyền

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/37819402-day-manh-xuat-khau-dac-san-nhan-chin-muon-dai-thanh.html