Đẩy mạnh xét nghiệm điểm có nguy cơ, tăng cường giám sát, phát hiện ổ dịch có thể còn 'lẩn khuất'

PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng tình hình dịch tại Hải Dương đã đỡ căng thẳng nhưng sẽ vẫn xuất hiện rải rác các ca bệnh. Tỉnh cần đẩy mạnh xét nghiệm các điểm có nguy cơ, tăng cường giám sát để tiếp tục phát hiện được các ổ dịch mới có thể còn 'lẩn khuất', mà phát hiện càng sớm thì càng tốt để truy vết, cách ly, khoanh vùng, dập dịch ngay tránh lây lan...

Hải Dương đã qua hơn một tháng của cuộc chiến chống dịch COVID-19 và 0h ngày 3/3 tỉnh đã hoàn thành đợt cách ly xã hội 15 ngày theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng.

Chiều ngày 3/3, tỉnh vẫn ghi nhận 5 ca bệnh là trường hợp F1. Tính đến 18h ngày 3/3, Hải Dương có 689 ca bệnh. Toàn tỉnh còn 4.690 trường hợp đang thực hiện cách ly. Trong đó có 2.654 trường hợp cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung, 1.970 người cách ly tại nơi cư trú, 66 trường hợp cách ly tập trung tại bệnh viện. Trong ngày, toàn tỉnh lấy tổng số 9.726 mẫu xét nghiệm, trong đó có 6.980 mẫu cộng đồng đánh giá tình hình dịch. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã lấy 503.406 mẫu, đã xét nghiệm 503.406 mẫu, còn lại đang chờ kết quả.

Từ góc nhìn chuyên gia, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng: Việc có những ca mắc rải rác là điều có thể xảy ra và là tất nhiên là do một số bệnh nhân trong cộng đồng đã ủ bệnh bây giờ chúng ta phát hiện được do tiến hành xét nghiệm trên diện rộng.đến nay, tình hình dịch của Hải Dương đã kiểm soát được. Dịch ở Chí Linh, Cẩm Giàng là những nơi có nhiều bệnh nhân đã được kiểm soát, không xuất hiện ca mắc mới.

Số ca mắc của Hải Dương trong những ngày gần đây vẫn nằm trong các ổ dịch đã được khoanh vùng và có xu hướng giảm dần.

Ngay trong tỉnh Hải Dương, cũng không còn ghi nhận trường hợp mắc lây từ huyện này sang huyện khác nữa.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam Ảnh:Đình Nam

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam Ảnh:Đình Nam

"Một kết quả nữa cũng góp phần cho đánh giá về thực trạng dịch của Hải Dương là các địa phương khác trong cả nước không còn ghi nhận các ca mắc từ Hải Dương trở về những ngày sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và đặc biệt Hà Nội xét nghiệm gần 50.000 trường hợp đều cho kết quả âm tính"- PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Tuy nhiên cũng theo PGS. TS Trần Đắc Phu, Hải Dương cần đẩy mạnh việc xét nghiệm các điểm có nguy cơ để tiếp tục phát hiện được các ổ dịch mới có thể còn "lẩn khuất", mà phát hiện được các trường hợp đầu tiên càng tốt trong cộng đồng để cách ly, khoanh vùng, dập dịch ngay tránh lây lan.

Việc khoanh vùng phải hợp lý, khoanh vùng theo điều tra dịch tễ, theo truy vết, có thể khoanh vùng nhỏ nhưng phải chặt miễn sao kiểm soát hết nguy cơ.

Thực hiện giãn cách xã hội một cách hợp lý. Chỗ nào có nguy cơ thì tiếp tục giãn cách, chỗ nào không có nguy cơ thì phải bỏ giãn cách. Một số địa bàn có thể thay đổi hình thức giãn cách một cách linh hoạt theo hướng cho phép những hoạt động sản xuất, kinh doanh bảo đảm được việc truy vết , lấy mẫu xét nghiệm phát hiện ra ca mắc mới. Có như vậy chúng ta mới vừa chống dịch được vừa nhanh chóng khôi phục, phát triển kinh tế.

Chuyên gia Trần Đắc Phu cũng cho rằng, Hải Dương cần đánh giá là dịch còn ở một địa bàn nào đó hay không. Nguy cơ này có thể phát hiện bằng cách xét nghiệm tầm soát diện rộng có chỉ định chứ không tràn lan, xét nghiệm dựa trên các ca chỉ điểm đặc biệt các trường hợp sốt, ho hoặc thông qua giám sát dịch tễ thông qua tổ giám sát cộng đồng. Hiện Hải Dương có tới 11.000 tổ với khoảng 25.000 người.

Đồng thời, tỉnh cần đánh giá các mối liên quan của một địa bàn nào đó với địa bàn có dịch xảy ra vừa rồi; Đánh giá thêm các biện pháp đáp ứng phòng chống dịch của mỗi địa phương trong tỉnh, để biết được chính xác nguy cơ dịch tại địa bàn của từng huyện, xã...

"Và đặc biệt rất quan trọng là quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo Thông điệp 5K của Bộ Y tế . Bên cạnh đó, Hải Dương cần tổng kết đánh giá những điểm còn hạn chế để khắc phục, nhân rộng những điểm tốt vì chỉ có Hải Dương mới nắm được những điểm gì tốt hay chưa tốt để thay đổi phù hợp với với tập quán của người dân, phù hợp với địa bàn"- PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Dịch COVID-19 tại Hải Dương có 4 đặc điểm vô cùng khác biệt: Đây là chủng virus mới, tốc độ lây lan nhanh. Virus đánh vào môi trường doanh nghiệp với hơn 2.000 công nhân khiến công việc dập dịch càng khó khăn hơn. Dịch bùng phát vào thời điểm Tết Nguyên đán nên việc kiểm soát gặp nhiều vấn đề hơn.

Đặc biệt có đến hơn 80% các trường hợp mắc bệnh nhưng không có triệu chứng lâm sàng, chỉ được phát hiện qua xét nghiệm. Trong khi ở các vụ dịch trước chỉ khoảng 35-40%...

Thái Bình

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/day-manh-xet-nghiem-diem-co-nguy-co-tang-cuong-giam-sat-phat-hien-o-dich-co-the-con-lan-khuat-n187608.html