Đẩy mạnh xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Đông Nam Bộ

Thời gian qua, tại TP.HCM và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ đã có các chương trình, đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; nhiều chính sách hỗ trợ được triển khai một cách hiệu quả

Phát biểu tại Hội nghị giao ban Khoa học và Công nghệ vùng Đông Nam Bộ lần thứ XIV - năm 2017, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cho biết, Đông Nam Bộ là Khu vực phát triển năng động nhất ở Việt Nam. Sau 31 năm đổi mới, Đông Nam Bộ đã có sự thay đổi rất lớn, luôn luôn là khu vực đầu tiên thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó phát triển dịch vụ, các ngành sản xuất hàng đầu ở Việt Nam. Đây cũng là khu vực tập trung lực lượng lao động có trình độ cao, trung tâm thu hút đầu tư của nước ngoài. Đồng thời, là khu vực mà tổng kinh ngạch xuất nhập khẩu rất lớn.

Do vậy, Bộ KH&CN đã có một số quyết sách cũng như đầu tư để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và doanh nghiệp trong vùng. Ví dụ, Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Quatest 3) ở TP.HCM là đơn vị được đầu tư lớn về trang thiết bị là minh chứng cụ thể về sự đồng hành của Bộ KH&CN đối với sự phát triển của Vùng.

Thông tin thêm, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho rằng chủ đề khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo (ĐMST) là một chủ trương sáng suốt của Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Bộ KH&CN cũng bắt đầu đẩy mạnh hoạt động này từ năm 2016. Sau Đề án 844, chúng ta đang có những liên kết với các chuyên gia nước ngoài, với Việt kiều, Israel, và các quốc gia hàng đầu thế giới về khởi nghiệp. Chúng ta đang vừa làm, vừa học, vừa trao đổi, vừa tổng kết và đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn. Thứ trưởng cũng cho biết thêm, hiện trong các nước ASEAN, duy nhất có Thái Lan có chương trình về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp được Chính phủ phê duyệt vào năm 2016.

"TP.HCM đã có nhiều hoạt động triển khai hiệu quả Quyết định 844 và là một trong những địa phương đã ban hành nhiều chính sách đột phá nhằm hình thành hệ sinh thái ĐMST và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp. Đặc biệt, TP.HCM đã tổ chức sự kiện tuần lễ Đổi mới sáng tạo với nhiều hoạt động phong phú. Một số địa phương khác như Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước,… cũng đã có các chương trình, đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; nhiều chính sách hỗ trợ được triển khai một cách hiệu quả", Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc nhận định.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc phát biểu tại Hội nghị

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc phát biểu tại Hội nghị

Ở TP.HCM, “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ ĐMST, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn thành phố” nhằm hỗ trợ 2.000 dự án khởi nghiệp sáng tạo để hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo thông qua các hoạt động tư vấn, đào tạo, kết nối, ươm tạo. Đồng thời, hỗ trợ hạ tầng cơ sở vật chất với việc quy hoạch, thu hút đầu tư dự án khởi nghiệp với tổng quy mô 40.000 m2 trên toàn thành phố.

Ngoài ra, UBND TP.HCM ban hành “Quy chế phối hợp hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” nhằm hỗ trợ các dự án khởi nghiệp có sử dụng nhân sách sự nghiệp KH&CN của thành phố, mỗi dự án khởi nghiệp được hỗ trợ mức kinh phí tối đa 2 tỷ đồng. Đây là hai trong số nhiều chương trình thuộc nhóm giải pháp tổng thể thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và Quyết định 884/QĐ-TTg của Thủ tướng về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.

Đến nay, TP.HCM đã hình thành 5 không gian hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST và kết nối. Tiêu biểu là mô hình Trung tâm thúc đẩy ĐMST và khởi nghiệp của Thành phố (Saigon Innovation Hub - SIHUB) nhằm hỗ trợ việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (start-up), doanh nghiệp KH&CN; đưa vào hoạt động phòng thí nghiệm mở (OpenLab) tại Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm (CASE) nhằm ưu tiên hỗ trợ các dự án khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực hóa và vi sinh; hợp tác với các mô hình OpenLab khác của các doanh nghiệp như Microsoft, Bosch.

Một số địa phương khác như Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương… cũng đã có các chương trình, đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; nhiều chính sách hỗ trợ được triển khai một cách hiệu quả.

Toàn cảnh Hội nghị

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng, song bên cạnh đó cũng còn một số hạn chế cần khắc phục. Giai đoạn 2018 - 2020, các tỉnh, thành phố trong Vùng xác định tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về vị trí và vai trò của KH&CN trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu ứng dụng nhất là trong phát triển công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp an toàn, nông nghiệp công nghệ cao; ưu tiên các nhiệm vụ nghiên cứu triển khai phục vụ trực tiếp các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ưu tiên những nhiệm vụ có tính chất liên tỉnh, liên vùng, liên ngành; sát cánh hơn cùng với doanh nghiệp tạo lập liên kết 3 nhà (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp), liên kết 4 nhà (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông) để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, đổi mới công nghệ, giúp người nông dân được tiếp cận với những công nghệ mới, giống cây, con mới có năng suất, chất lượng cao nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, năng suất, chất lượng hàng hóa…

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN đã đánh giá cao các kết quả KH&CN các tỉnh, thành phố trong Vùng đã đạt được; cảm ơn sự quan tâm, ủng hộ và chỉ đạo sát sao của Tỉnh/Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các địa phương đối với hoạt động KH&CN. Nhờ đó, KH&CN đã có nhiều đóng góp thiết thực, hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương cũng như toàn Vùng và cả nước. Hội nghị giao ban sẽ tạo nên sự đồng thuận cao trong liên kết vùng nhằm khai thác và phát triển hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương phục vụ chuyển dịch thành công cơ cấu kinh tế của Vùng.

Trong 5 năm tới, ngành KH&CN TP.HCM sẽ phấn đấu thực hiện thành công kế hoạch phát triển KH&CN với các chương trình mục tiêu: Chương trình nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, xây dựng tiềm lực KH&CN; Chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa ĐMST nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế; Chương trình thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN; Chương trình thúc đẩy ứng dụng KH&CN và ĐMST ở cơ sở; Chương trình nâng cao năng lực quản lý nhà nước về KH&CN.

Lê Huy

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/day-manh-xay-dung-he-sinh-thai-khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao-vung-dong-nam-bo-d131992.html