Đẩy mạnh xây dựng cơ sở nuôi trồng thủy sản an toàn dịch bệnh

Đẩy mạnh xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh là giải pháp quan trọng được các đại biểu nhấn mạnh nhằm từng bước tiến tới thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản nuôi.

Sáng 19/3, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị phòng, chống dịch bệnh thủy sản năm 2021 khu vực phía Bắc.

 Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: BT)

Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: BT)

Diện tích thủy sản thiệt hại tăng mạnh trong năm 2020

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Long – Phó Cục trưởng Cục Thú y, Bộ NN&PTNT cho biết, năm 2020, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại hơn 46.217ha, tăng gấp 1,9 lần so với cùng kỳ năm 2019.

Riêng với diện tích nuôi tôm nước lợ, bị thiệt hại gần 43.340 ha, chiếm 93,77% trong tổng diện tích thủy sản nuôi bị thiệt hại, cao gấp 1,94 lần so với cùng kỳ năm 2019 và chiếm 5,88% trong diện tích nuôi tôm của cả nước. Với cá tra, diện tích nuôi bị thiệt hại 1.426,33ha (gấp 5,76 lần với cùng kỳ năm 2019), chiếm 25% tổng diện tích nuôi cá tra của cả nước.

Ngoài ra, trên các loài thủy sản khác, thiệt hại khoảng 1.452ha (chủ yếu là diện tích nuôi nghêu, ngao, tôm càng xanh và một số loài thủy sản nước ngọt khác); 2.915 lồng (chủ yếu là cá diêu hồng, cá biển và tôm hùm) và 7.258 bè, vèo, bể nuôi thủy sản.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Long, tính đến ngày 15/3, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại hơn 1.897ha, giảm 61% so với cùng kỳ năm 2020, ngoài ra có khoảng 105 lồng, bè, bể nuôi thủy sản cũng bị thiệt hại. Tuy nhiên, việc giảm diện tích thiệt hại này một phần do diện tích thả nuôi tôm chưa nhiều, mới đạt gần 60% diện tích nuôi.

Đẩy mạnh xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh

Phân tích về tình hình diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại tăng mạnh trong năm 2020, ông Nguyễn Văn Long cho rằng, ngành hàng tôm trong năm qua, với diện tích bị thiệt hại tới hơn 33 nghìn ha nhưng lại không xác định được nguyên nhân. Điều này do địa phương và người dân không tổ chức lấy mẫu xét nghiệm để xác định các yếu tố gây thiệt hại để từ đó có phương hướng giải quyết. Vì vậy, trong thời gian tới, đề nghị cần khắc phục được điểm yếu này.

Với ngành hàng tôm, Cục Thú y cho biết, dự báo diện tích nuôi tiếp tục bị thiệt hại có thể tăng mạnh và nguy cơ dịch bệnh trong thời gian tới rất cao. Nguyên nhân do người nuôi tôm bắt đầu thả nuôi trong khi đó các điều kiện bất lợi của thời tiết như: giao mùa, hạn hán, bão và lũ lụt tại một số tỉnh, xâm nhập mặn,…tiếp tục diễn biến phức tạp. Đồng thời, các loại mầm bệnh nguy hiểm còn lưu hành ở nhiều vùng nuôi, có thể xâm nhập và gây bệnh cho tôm. Bên cạnh đó, các yếu tố bất lợi về nhiệt độ, độ mặn tăng cao, biến đổi môi trường tăng nhanh, mạnh, theo hướng cực đoan có thể tác động xấu làm tôm chậm lớn, kém phát triển, sức đề kháng yếu, mặt khác, điều kiện môi trường biến đổi tạo thuận lợi cho mầm bệnh phát triển, gây bệnh cho tôm.

Do đó, Cục Thú y khuyến cáo cần tích cực triển khai các giải pháp như: quản lý mùa vụ nuôi, có ao lắng để trữ nước sử dụng khi cần thiết và chỉ thả giống khi đảm bảo điều kiện nuôi và sử dụng con giống có nguồn gốc rõ ràng. Đáng chú ý, cần bảo đảm chất lượng, nghiên cứu điều chỉnh quy trình nuôi phù hợp và áp dụng các biện pháp tổng hợp, phòng chống dịch bệnh.

Tại Hội nghị, nhấn mạnh đến vai trò đặc biệt của công tác thú y - là giải pháp hàng đầu trong phát triển nuôi trồng thủy sản, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, nếu không thực hiện tốt được công tác phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản sẽ không chỉ không đảm bảo được mục tiêu tăng trưởng của ngành thủy sản mà còn ảnh hưởng đến giá trị xuất khẩu và ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp nói chung.

Một trong những giải pháp được Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề cập đó là xây dựng các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh. Tuy nhiên, hiện nay việc đang thiếu nguồn nhân lực, thiếu trang thiết bị,… là những khó khăn trong triển khai công tác này. Do vậy, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, cần có giải pháp kịp thời, hữu hiệu trong thời gian tới cho việc xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Long cũng cho rằng, tại các cơ sơ nuôi giống thủy sản cần phải đảm bảo an toàn dịch bệnh, để tránh con giống được đưa đi và dịch bệnh lây lan khắp nơi. Tuy nhiên, việc xây dựng được cơ sở giống an toàn dịch bệnh không phải là điều dễ dàng do cần đầu tư nhiều công sức. Hiện nay, mới có số lượng ít cơ sở triển khai được nhiệm vụ này. Trong thời gian tới, Cục Thú y sẽ phối hợp với các địa phương để hướng tới cơ sở sản xuất giống đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Ngoài ra, ngành thủy sản sẽ tổ chức giám sát một số tác nhân gây bệnh trên tôm để làm cơ sở công bố quốc gia an toàn dịch bệnh theo “Kế hoạch quốc gia phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản, giai đoạn 2021-2025”. Đồng thời, tổ chức giám sát chủ động một số tác nhân gây bệnh nguy hiểm trên thủy sản theo quy định của Bộ NN&PTNT, quy định của OIE và yêu cầu của thị trường các nước để đẩy mạnh xuất khẩu./.

BT

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/kinh-te/day-manh-xay-dung-co-so-nuoi-trong-thuy-san-an-toan-dich-benh-576776.html