Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị: Tạo bước đột phá mới với cấp độ cao hơn, mức độ quyết liệt hơn

Qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, một trong những bài học kinh nghiệm quý báu hàng đầu được nhấn mạnh trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội XIII của Đảng, đó là: Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được triển khai quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, thường xuyên, hiệu quả cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Bài học về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là bài học kinh nghiệm xuyên suốt của Đảng từ khi thành lập đến nay, nhất là trong công cuộc đổi mới của Đảng.

Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết thúc hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai kết luận và quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng tại điểm cầu Tỉnh ủy Thanh Hóa. (tháng 12 năm 2021). Ảnh: minh hiếu

Cùng với việc thực hiện công tác xây dựng Đảng trong các nghị quyết Đại hội Đảng từ khóa VII đến khóa XIII, Đảng đã ban hành các văn bản quan trọng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Mỗi nghị quyết, Đảng đều tiến hành sơ kết, tổng kết, đánh giá mặt được, hạn chế, rút ra bài học kinh nghiệm, trên cơ sở đó xây dựng và ban hành nghị quyết mới với quyết tâm chính trị cao hơn, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, yêu cầu cao hơn đối với cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên và phù hợp với tình hình mới.

Tuy nhiên, đến nay, bốn nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra từ năm 1994, tại hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII vẫn đang hiện hữu, có mặt còn gay gắt hơn (vẫn tụt hậu xa về kinh tế, vẫn đối mặt với nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa, tham nhũng và tệ quan liêu, “diễn biến hòa bình”). Do đó, ngay sau Đại hội XIII, tại Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã xem xét báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TW khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; báo cáo kết quả thực hiện Quy định 47-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về những điều đảng viên không được làm, trên cơ sở đó ban hành Kết luận 21-KL/TW, ngày 25-10-2021 về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, Quy định 37-QĐ/TW ngày 1-11-2021 về những điều đảng viên không được làm.

Điểm mới trong Kết luận 21-KL/TW đó là: Mở rộng phạm vi, không chỉ xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh mà còn bao gồm cả xây dựng hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Cùng với ngăn chặn, đẩy lùi, phải chủ động tiến công mạnh mẽ, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm suy thoái, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, là bước đột phá mới, cấp độ cao hơn, cường độ và mức độ quyết liệt hơn, thái độ xử lý nghiêm khắc hơn. Kết hợp hài hòa giữa “xây” và “chống”. Đồng thời, yêu cầu cao về đẩy mạnh tự phê bình và phê bình; kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi, “lợi ích nhóm”, quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân.

Kết luận 21-KL/TW tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đó là: Thứ nhất, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình. Thứ hai, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu gắn với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thứ ba, tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách. Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm. Thứ năm, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội; thực sự dựa vào Nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Kết luận 21-KL/TW là quyết tâm chính trị cao, đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị nhằm xây dựng Đảng toàn diện, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng. Tạo bước phát triển mới của Đảng về trí tuệ, bản lĩnh chính trị, thực sự là đạo đức, là văn minh, ngày càng gắn bó mật thiết với Nhân dân, ngày càng được Nhân dân tin tưởng, đủ uy tín và năng lực lãnh đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để tổ chức thực hiện thật tốt, có kết quả thiết thực các kết luận và quy định mới của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, tại hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai kết luận và quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng (ngày 9-12-2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu: Từng cấp ủy, tổ chức đảng, từng ngành, từng cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên phải nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung của kết luận và quy định, nắm vững những tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm, trên cơ sở đó có sự thống nhất cao về ý chí, quyết tâm, thấy đầy đủ trách nhiệm của mình để gương mẫu, tự giác thực hiện và chỉ đạo, tổ chức thực hiện kết luận và quy định trên mỗi cương vị công tác tại địa bàn, lĩnh vực do mình phụ trách; mở đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện. Căn cứ vào kết luận, quy định của Trung ương và kế hoạch của Bộ Chính trị, sự chỉ đạo, hướng dẫn của các ban Đảng Trung ương và các cơ quan cấp trên, các cấp ủy và tổ chức đảng các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị cần khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động, chương trình học tập, quán triệt và triển khai thực hiện kết luận, quy định gắn với tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, ngành, cơ quan, đơn vị mình. Phải làm rất nghiêm túc, thiết thực; có sự phân công trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ; tránh hời hợt, hình thức.

Tại Thanh Hóa, trong 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy, tổ chức đảng trong toàn Đảng bộ tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc nghị quyết có trọng tâm, trọng điểm, bằng nhiều hình thức với những cách làm sáng tạo, phù hợp, xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động và thực hiện đồng bộ các giải pháp đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” trong nội bộ. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành các quy định, hướng dẫn thực hiện kiểm điểm kèm theo Bộ tiêu chí chấm điểm, yêu cầu việc kiểm điểm ở các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, tiến hành đồng thời ở các cấp, cấp trên và người đứng đầu gương mẫu, tự giác kiểm điểm để cấp dưới học tập, làm theo; làm rõ những mặt hạn chế, yếu kém, nguyên nhân, khắc phục tình trạng kiểm điểm chung chung, nể nang, né tránh, ngại va chạm. Kết hợp kiểm điểm tự phê bình và phê bình với giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Đối với những nơi có vấn đề phức tạp, dư luận bức xúc, có biểu hiện suy thoái, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã gợi ý kiểm điểm sâu sắc đối với tập thể và cá nhân. Nhiều địa phương, đơn vị đã chủ động phát hiện, gợi ý những hạn chế, yếu kém, những khuyết điểm, vi phạm để cấp dưới tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân sai phạm, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Nhờ vậy ở các đơn vị cơ sở đã có sự chuyển biến tích cực, chấp hành kỷ luật, kỷ cương tốt hơn, tinh thần, thái độ, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được nâng lên. Cùng với đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, các cấp ủy, tổ chức đảng, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương, đã gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với xây dựng tập thể cơ quan, đơn vị, địa phương kiểu mẫu, công dân kiểu mẫu, góp phần tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện nhiệm vụ ở nhiều địa phương, đơn vị.

Việc Trung ương ban hành Kết luận số 21-KL/TW, Quy định số 37-QĐ/TW và những văn bản mới về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là những văn bản quan trọng để từng cấp, từng ngành, từng cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương; từng đảng viên phải nhìn nhận, tự soi, tự sửa, để không ngừng nâng cao đạo đức cách mạng, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, lối sống, chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc. Trước hết, từng cấp, từng ngành, từng người đứng đầu cơ quan, đơn vị, từng cán bộ, đảng viên cần thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm chỉ đạo của đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh: Phải tập trung tổ chức nghiên cứu, quán triệt, thực hiện sâu sắc các kết luận, quy định mới của Trung ương và bài phát biểu chỉ đạo toàn diện, sâu sắc của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai kết luận và quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong kiểm điểm, tự phê bình, phê bình năm 2021 phải gắn với thực hiện Kết luận 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương, nhất là những đơn vị được Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy gợi ý kiểm điểm. Qua kiểm điểm phải làm tốt hơn việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị trong năm mới. Tổ chức đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 một cách thực chất, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ ngay từ ngày đầu, tháng đầu, quý đầu của năm 2022.

Việt Linh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/xay-dung-dang/day-manh-xay-dung-chinh-don-dang-va-he-thong-chinh-tri-tao-buoc-dot-pha-moi-voi-cap-do-cao-hon-muc-do-quyet-liet-hon/150846.htm