Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục mầm non

Ngày 27-10, tại TPHCM, Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội nghị 'Đánh giá kết quả 10 năm thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; sơ kết 2 năm thực hiện Đề án Phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025' với sự tham gia của đại diện 26 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Huy động nhiều nguồn lực

Báo cáo tại buổi làm việc, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Bá Minh cho biết, cả nước hiện có 3.180 trường mầm non ngoài công lập (chiếm tỷ lệ 20,6% tổng số trường mầm non); ngoài ra còn có 15.914 nhóm, lớp mầm non độc lập, tư thục đang hoạt động.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tính đến cuối tháng 12-2019, 63 tỉnh, thành phố đều duy trì thành công phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi tại 11.098 phường, xã (đạt tỷ lệ 99,9%). Hàng năm, công tác đầu tư xây dựng trường lớp được quan tâm đẩy mạnh, tuy nhiên một số địa phương vẫn xảy ra tình trạng thiếu phòng học, tỷ lệ phòng học kiên cố còn hạn chế.

Tại TPHCM, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT bày tỏ, từ năm 2011 đến nay, loại hình trường ngoài công lập phát triển mạnh mẽ. Cụ thể, trong tổng số 1.346 trường mầm non đang hoạt động có 879 đơn vị ngoài công lập, tăng 523 trường so với thời điểm năm 2011.

Ngoài việc đẩy mạnh phát triển mạng lưới trường lớp, đa dạng hóa các loại hình đào tạo, thành phố còn ưu tiên công tác xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực vào việc tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, đảm bảo đủ giáo viên.

Học sinh Trường Mầm non 2/9 (huyện Hóc Môn) trong một hoạt động ngoài lớp học

Học sinh Trường Mầm non 2/9 (huyện Hóc Môn) trong một hoạt động ngoài lớp học

Trong tình hình các địa phương đang thực hiện tinh giản biên chế, Vụ trưởng Nguyễn Bá Minh thừa nhận, nếu chỉ trông chờ vào biên chế các trường sẽ không đủ giáo viên đáp ứng nhu cầu giảng dạy. Trước thực tế đó, đại diện Bộ GD-ĐT khẳng định, biên chế giáo viên chỉ nên được ưu tiên đối với các trường trú đóng trên địa bàn khó khăn, không thể thực hiện xã hội hóa hoặc với các khối lớp trong phổ cập giáo dục bắt buộc.

Đối với những khu vực còn lại, ngành giáo dục đề xuất Chính phủ tạo ra hành lang pháp lý cho phép thực hiện ký hợp đồng lao động đối với các lao động ngoài chỉ tiêu biên chế. Ngoài ra, căn cứ theo Nghị định 105/2020/NĐ-CP (ban hành ngày 8-9-2020) của Thủ tướng Chính phủ về quy định chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên mầm non, tới đây các trường mẫu giáo, mầm non công lập sẽ đẩy mạnh hình thức dịch vụ (không sử dụng ngân sách nhà nước) đối với các hoạt động tổ chức bán trú, giữ trẻ ngoài giờ và đưa đón trẻ. Đây được xem là một hướng mở nhằm tăng thêm nguồn thu xã hội hóa cho các trường mầm non công lập, qua đó tạo điều kiện nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ, giảm áp lực cho đội ngũ giáo viên.

Nhiều chính sách hỗ trợ ngoài công lập

Bên cạnh việc đẩy mạnh các chính sách xã hội hóa, quy định mới về chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên bậc học mầm non vừa được Thủ tướng Chính phủ thông qua là quy định mức hỗ trợ tối thiểu 800.000 đồng/người/tháng đối với giáo viên mầm non tại các cơ sở dân lập, tư thục đã được cấp phép thành lập, hoạt động trên địa bàn có khu công nghiệp. Mức hỗ trợ được tính ngoài mức lương thỏa thuận giữa chủ cơ sở giáo dục với người lao động và không dùng để tính thu nhập đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp. Toàn bộ số tiền hỗ trợ này sẽ do UBND tỉnh, thành phố xây dựng mức chi phù hợp với khả năng ngân sách của địa phương, trình HĐND xem xét và quyết định.

Ngoài ra, Nhà nước còn có chính sách hỗ trợ tài liệu và chi phí tập huấn đối với giáo viên tại các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục. Theo đó, tất cả giáo viên mầm non (bao gồm cả hiệu trưởng, hiệu phó, chủ nhóm lớp, tổ trưởng chuyên môn) đang làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ tài liệu và chi phí tập huấn khi tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ bằng mức hỗ trợ giáo viên ở hệ thống công lập. Mới đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số tỉnh, thành phố đã kịp thời có chế độ hỗ trợ giáo viên ngoài công lập từ 1.000.000-1.800.000 đồng/người/tháng nhằm giữ chân đội ngũ.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh bày tỏ, giáo dục mầm non ngoài công lập dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền, tổ chức, đoàn thể xã hội giúp mạng lưới trường, lớp mầm non được mở rộng và phân bố hầu hết các địa bàn phường xã, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đưa trẻ đến trường và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.

Tới đây, khi Luật Giáo dục 2019 áp dụng trong thực tế, chương trình giáo dục mầm non sẽ tiếp tục đổi mới, song song với việc phát triển quỹ đất, phát triển đội ngũ giáo viên cả về số lượng lẫn chất lượng, đẩy mạnh các chính sách, chế độ tăng thêm thu nhập cho giáo viên để nâng cao chất lượng giáo dục một cách hiệu quả, bền vững.

Theo Bộ GD-ĐT, trong vòng 10 năm qua, cả nước tăng 2.634 trường mầm non, tổng số trẻ mầm non được đến trường tăng hơn 1,5 triệu trẻ so với năm học 2010-2011. Trong đó, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp ở hệ nhà trẻ đạt 28%, hệ mẫu giáo hơn 90%. Tổng chi ngân sách cho giáo dục mầm non đã tăng từ 31% (giai đoạn 2011-2015) lên 69% (giai đoạn 2016-2019), trong đó 62% nguồn thu từ xã hội hóa.

THU TÂM

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/day-manh-xa-hoi-hoa-giao-duc-mam-non-694203.html