Đẩy mạnh xã hội hóa các cơ sở chăm sóc người cao tuổi

Đại biểu Quốc hội Trần Tất Thế (Hà Nam) cho rằng, Việt Nam có số người cao tuổi chiếm gần 17% dân số cả nước. Dự báo đến năm 2035 là khoảng 20%, đến năm 2050 là khoảng 25%. Già hóa dân số nhanh sẽ tạo ra những áp lực rất lớn trong việc ban hành và thực thi những chính sách liên quan, nhất là trong việc chăm sóc sức khỏe để người cao tuổi sống khỏe, sống tốt.

Việt Nam có trên 10 triệu người cao tuổi

Cũng theo ông Trần Tất Thế, thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, tỷ lệ người cao tuổi tham gia đóng bảo hiểm y tế khoảng 95% tổng số người cao tuổi. Điều này minh chứng Đảng, Nhà nước đã đặc biệt quan tâm đến chế độ, chính sách đối với người cao tuổi.

Chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số III Hà Nội.

Chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số III Hà Nội.

Với trên 10 triệu người cao tuổi hiện nay, vẫn còn một bộ phận không nhỏ có cuộc sống khó khăn do không có tích lũy cho tuổi già, một bộ phận người cao tuổi vẫn phải tự mưu sinh kiếm sống. Một số người cao tuổi chưa được chăm sóc sức khỏe, chưa được người thân quan tâm.

'Hiện nay, một số mô hình chăm sóc người cao tuổi đã thông qua công tác xã hội hóa nhưng chưa nhiều; vẫn còn những rào cản trong việc ra đời các hoạt động tại các trung tâm chăm sóc người cao tuổi, do cá nhân và tổ chức thành lập", ông Thế nhấn mạnh.

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách hành động mạnh trong việc chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân, trong đó có người cao tuổi. Tuy nhiên, tình hình thực hiện nhiệm vụ mới đặt ra thách thức ngày càng lớn về chăm sóc sức khỏe và phát huy vai trò của người cao tuổi. Hội nghị Trung ương 6 khóa XII ban hành Nghị quyết về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Nhiều địa phương đã chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết. Theo đó, nhiều tỉnh, thành phát triển hệ thống chăm sóc người cao tuổi dài hạn, bền vững. Với xu hướng già hóa dân số hiện nay và trong tương lai để khai thác tiềm năng của lớp người cao tuổi, việc chăm sóc sức khỏe, tạo môi trường thân thiện để người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích sẽ tạo ra động lực đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.

Thực tế cho thấy, hệ thống các nhà dưỡng lão và trung tâm bảo trợ xã hội còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Không chỉ thiếu về nhân lực, cơ sở vật chất, tại các trung tâm cũng còn nghèo nàn, thiếu dụng cụ tập luyện, phục hồi chức năng. Đối với mô hình nhà dưỡng lão có thu phí, do các tổ chức ngoài công lập xây dựng và vận hành, điều kiện cơ sở vật chất bảo đảm, đủ nhân viên hộ lý, điều dưỡng, bác sĩ nhưng không phải người cao tuổi nào cũng có điều kiện để vào.

Cần rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Người cao tuổi cho phù hợp thực tiễn

Tại các địa phương, người cao tuổi luôn là trụ cột gia đình, dòng họ, tiếng nói của người cao tuổi có trọng lượng trong cộng đồng; người cao tuổi là tấm gương để con cháu học tập, noi theo, phấn đấu và phục vụ cho công cuộc xây dựng, phát triển gia đình, cộng đồng và xã hội.

Do quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hiện nay mô hình gia đình có sự thay đổi, chuyển từ gia đình truyền thống sang gia đình hạt nhân, ngày càng nhiều người cao tuổi không sống chung với con cháu. Một bộ phận người cao tuổi sống ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, đời sống gặp nhiều khó khăn, điều kiện vật chất eo hẹp khi sức khỏe suy giảm, bệnh tật gia tăng theo độ tuổi.

Để chăm sóc tốt hơn cho người cao tuổi, trong thời gian tới, ông Thế cho rằng cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân, cơ quan, tổ chức, đơn vị và gia đình về trách nhiệm chăm sóc, giúp đỡ và phát huy vai trò của người cao tuổi. Sắp xếp lại hệ thống các cơ sở bảo trợ xã hội công lập theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa, tạo lập môi trường thân thiện, hòa nhập giữa các nhóm người cao tuổi và giữa người cao tuổi với xã hội.

Việc tổ chức thành lập và đưa vào hoạt động các cơ sở chăm sóc người cao tuổi phải tự chi trả kinh phí không có bảo hiểm là sự cần thiết. Nhà nước cần có cơ chế thu hút tổ chức, cá nhân trong xã hội, chung tay xây dựng các trung tâm chăm sóc người cao tuổi có chất lượng, nhân rộng các mô hình trong tương lai.

Ông Thế đề nghị các bộ, ngành chức năng có thẩm quyền giám sát thường xuyên việc chăm sóc, việc thực hiện các chính sách đối với người cao tuổi. Rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Người cao tuổi cho phù hợp với thực tiễn và các quy định pháp luật có liên quan. Sớm thực hiện Quyết định số 1579 ngày 13/10/2020 về việc phê duyệt Chương trình chăm sóc người cao tuổi đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.

VÂN KHÁNH

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/day-manh-xa-hoi-hoa-cac-co-so-cham-soc-nguoi-cao-tuoi-202011042228503.htm