Đẩy mạnh văn hóa đọc trong học sinh

Nối tiếp thành công từ lần tổ chức đầu tiên, năm nay, Hội sách Thiếu nhi TP Hồ Chí Minh trở lại với nhiều đầu sách hấp dẫn và hoạt động khuyến đọc sôi nổi. Hội sách trở thành một hoạt động thường niên nhằm nâng cao văn hóa đọc, kết nối tình yêu sách cho độc giả nhỏ tuổi.

Hội sách diễn ra từ ngày 17 đến ngày 26/7 tại Đường sách Nguyễn Văn Bình, quận 1, do Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng các nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách tổ chức.

Theo ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở TT&TT thành phố, mang chủ đề “Mở trang sách – Vẽ ước mơ”, hội sách năm nay nhấn mạnh việc hướng tới xây dựng xã hội học tập qua việc phát triển phong trào đọc sách và tôn vinh văn hóa đọc của thế hệ trẻ từ gia đình, nhà trường và xã hội. Hội sách trưng bày nhiều đầu sách thú vị, hấp dẫn, kích thích trí sáng tạo, ham học hỏi của trẻ thơ.

Bên cạnh đó, hàng loạt hoạt động sôi nổi và tương tác với các bạn nhỏ diễn ra như: Triển lãm tranh cổ động phòng, chống dịch COVID-19 do các họa sĩ nhí thực hiện; khu vui chơi dành cho thiếu nhi để các em vẽ tranh, cha mẹ đọc sách cùng con…; hoạt động “Đổi sách lấy cây” nhằm bảo vệ môi trường và gửi những món quà ý nghĩa đến bệnh nhi…

 Các em thiếu nhi lựa chọn sách tại Hội sách Thiếu nhi TP Hồ Chí Minh.

Các em thiếu nhi lựa chọn sách tại Hội sách Thiếu nhi TP Hồ Chí Minh.

Nhiều năm qua, văn học thiếu nhi trong nước vẫn thiếu tác phẩm đủ sức thu hút bạn đọc nhí. Số tác giả chuyên nghiệp tạo được dấu ấn ở địa hạt này còn rất khiêm tốn. Nhằm tìm giải pháp để văn học thiếu nhi nói riêng và văn hóa đọc nói chung có những bước tiến dài, hội sách tổ chức ba buổi tọa đàm lớn với sự góp mặt của nhiều diễn giả, nhà văn nổi tiếng.

Mở đầu là tọa đàm “Viết sách cho thiếu nhi”. Các diễn giả như nhà văn Văn Thành Lê, nhà thơ Phong Việt, nhà phê bình Bùi Thanh Truyền, nhà báo Phương Huyền sẽ cùng bàn luận xoay quanh thực trạng viết sách cho thiếu nhi tại Việt Nam cũng như những thuận lợi, khó khăn của các tác giả trước áp lực cạnh tranh khốc liệt từ tác phẩm mua bản quyền nước ngoài.

Làm thế nào để xây dựng được cảm hứng viết sách cho thiếu nhi; viết như thế nào để truyền đạt được những nội dung vừa mang tính giáo dục vừa không rơi vào sáo rỗng, lối mòn cũng là điều mà các tác giả trăn trở.

Dù tình hình văn hóa đọc những năm gần đây dần được cải thiện nhưng ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam vẫn đánh giá: “Văn hóa đọc của người Việt Nam chúng ta vẫn quá thấp. Nguyên nhân mà ai cũng thấy chính là do đa số người Việt Nam không có thói quen đọc sách, một thói quen chưa được tạo dựng từ khi họ còn bé, từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Bởi vậy, những hoạt động nhằm tác động tích cực cho việc hình thành thói quen đọc sách cho trẻ từ tấm bé, từ nhà trường và gia đình là đi đúng vào mấu chốt của vấn đề phát triển văn hóa đọc hiện nay”.

Xuất phát từ nhu cầu cấp bách đó, hội sách lần này còn tổ chức hai buổi tọa đàm với chủ đề "Thiếu nhi thời 4.0: Xem gì, nghe gì, đọc gì?" và “Bí quyết đọc sách cùng con”. Các diễn giả sẽ đưa ra lời khuyên hữu ích giúp bậc phụ huynh và thầy cô giáo định hướng cho trẻ nhỏ cần đọc sách gì để phát triển tri thức và hình thành nhân cách, lựa chọn sách sao cho phù hợp với độ tuổi, tính cách của trẻ, từ đó kích thích niềm say mê đọc sách của các em.

Quỳnh Nga

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/day-manh-van-hoa-doc-trong-hoc-sinh-603204/