Đẩy mạnh vai trò trụ cột của các tập đoàn kinh tế lớn trong nước

Việt Nam cần phải có giai đoạn tăng trưởng rất cao dựa vào đầu tư, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ, chú trọng phát triển các tập đoàn lớn trong nước trở thành trụ cột.

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Hoàng Văn Cường phát biểu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Hoàng Văn Cường phát biểu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, sáng 5/11, Quốc hội tiếp tục ngày thứ ba thảo luận tại hội trường về các vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước.

Các đại biểu Quốc hội đưa ra các nhận định, giải pháp để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế 5 năm 2021-2025 và giai đoạn 2021-2030 nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2030 trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao; năm 2045 trở thành nước phát triển thu nhập cao.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội), để đánh giá chính xác những thành tựu đạt được về kinh tế-xã hội 5 năm qua, nên chia thành hai thời điểm trước và sau ảnh hưởng của dịch COVID-19. Giai đoạn 2016-2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,8% - mức cao của mục tiêu kế hoạch 5 năm, trong khi chỉ số giá tiêu dùng CPI giảm từ 18,6% vào đầu năm 2011 xuống còn 4%. Cán cân thương mại trong nhiều năm liên tục đạt thặng dư dương; tỷ lệ bội chi ngân sách giảm sâu từ 5,4% xuống 3,5%; kéo nợ công từ mức sát kịch trần xuống 55% vào năm 2019.

Riêng năm 2020, dù phải đưa ra quan điểm chỉ đạo “chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế để đảm bảo an toàn tính mạng của người dân” do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng nước ta vẫn đạt được những kết quả nhất định trong việc kiểm soát dịch bệnh thành công mà vẫn tăng trưởng kinh tế dương. Việt Nam trở thành nước dẫn đầu trong khu vực, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Đại biểu Hoàng Văn Cường nêu rõ “Trong bối cảnh muôn vàn khó khăn, Việt Nam vẫn đạt được thành tựu nêu trên, điều đó cho phép chúng ta có quyền ước mơ khát vọng phồn vinh đến năm 2030 trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao; năm 2045 trở thành nước phát triển thu nhập cao.”

Để khát vọng trên trở thành hiện thực, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, có nhiều tiêu chí để xếp các nước vào nhóm các nước phát triển, trong đó có 2 tiêu chí cơ bản: Đó là chỉ số HDI (Chỉ số phát triển con người) và yếu tố tăng trưởng kinh tế đạt mốc 40.000 USD vào năm 2045.

Về lý thuyết, nếu đặt mục tiêu tăng trưởng từ 6,5 -7%/năm, sau 10 năm có thể tăng gấp 2 lần. Như vậy đến năm 2030, GDP bình quân đầu người Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 7-8.000 USD; năm 2045 cũng chỉ đạt từ 20-25.000 USD.

Đại biểu Hoàng Văn Cường nêu rõ, theo kinh nghiệm của các nước “cất cánh trở thành con rồng châu Á” phải có giai đoạn tăng trưởng rất cao, khoảng 10%/năm, dựa vào đầu tư, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ, trong đó chú trọng phát triển các tập đoàn lớn trong nước trở thành trụ cột trong chuỗi giá trị và cung ứng.

Vì vậy, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị, trong kế hoạch 5 năm 2021-2025 và chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2030 cần tập trung nguồn lực đầu tư và hỗ trợ tập đoàn kinh tế mạnh, trở thành trụ cột cho nền kinh tế.

Đại biểu khẳng định: "Tôi rất đồng tình với ý tưởng của Hà Nội trong việc xây dựng Dự án tuyến metro số 5 tuyến Văn Cao-Hòa Lạc với mục tiêu thúc đẩy phát triển đô thị vệ tinh Hòa Lạc; đồng thời trở thành cơ sở thúc đẩy ngành công nghiệp đường sắt.

Chúng ta có thể kêu gọi các tập đoàn nước ngoài, thậm chí mua lại dây chuyền công nghệ của nước ngoài để phát triển trở thành người chủ trong chuỗi giá trị phát triển ngành công nghiệp đường sắt trong nước. Cũng cần lưu ý rằng, các tập đoàn kinh tế tư nhân nếu được hỗ trợ của Chính phủ có thể thực hiện được những mục tiêu này nhanh, hiệu quả hơn nhiều so với các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước."

Bên cạnh ưu tiên đầu tư vào nguồn nhân lực chất lượng cao để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất huy động các nguồn lực vốn lớn cho đầu tư phát triển bởi vấn đề không phải là Chính phủ tìm cách hạ thấp tỷ lệ nợ công mà vấn đề cốt yếu phải quản lý nợ công hiệu quả.

Đại biểu Hoàng Văn Cường nói: “Chúng ta đang chuyển sang giai đoạn thu hút FDI có chọn lọc và tỷ lệ nợ công đang giảm xuống mức khá thấp, do vậy cần phải nghĩ đến chiến lược huy động nguồn tiền bên ngoài vào để doanh nghiệp, tập đoàn trong nước vay, đầu tư kinh doanh. Việc này có hiệu quả hơn nhiều lần so với dựa vào các nguồn vốn đầu tư FDI - lại tự tạo ra cạnh tranh với chính sự phát triển của các doanh nghiệp và tập đoàn trong nước."

Đại biểu Hoàng Văn Cường mong muốn, tất cả những quan điểm trên không chỉ nằm trong kế hoạch 2021-2025 mà phải trở thành đường lối hành động chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2030 trong Nghị quyết của Đảng cũng như chiến lược của Chính phủ hành động trong thời gian tới./.

Diệp Trương (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/day-manh-vai-tro-tru-cot-cua-cac-tap-doan-kinh-te-lon-trong-nuoc/675351.vnp