Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay

Những năm gần đây, nông nghiệp đã có nhiều giải pháp thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao, đồng thời nâng cao năng lực sản xuất và trình độ tổ chức, quản lý.

Song song, Nhà nước cũng đã ban hành nhiều chính sách liên quan nhằm phát triển hiệu quả, bền vững trong nông nghiệp. Tuy nhiên, trong lĩnh vực này vẫn còn những hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới.

Các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao được trưng bày tại triển lãm Vietnam Growtech 2018 (Ảnh: P.V)

Trước đó, từ năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1895/QĐ-TTg ngày 17/12/2012, phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020. Từ đó, ngành nông nghiệp nước ta đã xác định phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu hướng chủ đạo và tất yếu trong xu thế hội nhập, là giải pháp hiệu quả trong cơ cấu lại nông nghiệp. Qua đó, thúc đẩy phát triển và ứng dụng có hiệu quả công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, đạt mức tăng trưởng hàng năm trên 3,5%; đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia bền vững.

Hiện tại, trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế và thực thi các Hiệp định thương mại tự do đã ký với quốc tế, cũng như các lĩnh vực khác, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, nông nghiệp Việt Nam đang có điều kiện phát triển sản xuất, xúc tiến thương mại, đa dạng sản phẩm, tạo nhiều việc làm, phát triển kinh tế xã hội, nâng cao thu nhập và ổn định, cải thiện đời sống cho đông đảo bà con nông dân.

Qua quá trình thực hiện, nhiều doanh nghiệp trong cả nước đã tích cực tham gia kinh doanh sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đạt hiệu quả tích cực. Đến nay, theo thống kê ban đầu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp giấy chứng nhận ứng dụng công nghệ cao cho 40 doanh nghiệp nông nghiệp; trong đó có 12 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt, 19 doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy sản, 9 doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi. Đã có 35 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (UDCNC) do Thủ tướng Chính phủ và UBND các tỉnh thành lập.

Thêm vào đó, 8 khu nông nghiệp UDCNC đang được khẩn trương thực hiện gồm có 3 khu ở Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa đã đi vào hoạt động với một số mô hình khá hiệu quả; khu nông nghiệp UDCNC Lâm Đồng đang hoàn thiện hồ sơ sau thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định; 4 khu tại Thái Nguyên, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Cần Thơ đang hoàn thiện hồ sơ đề án trước khi tổ chức thẩm định.

Về vùng nông nghiệp UDCNC đã có 5 vùng nông nghiệp UDCNC thâm canh tôm, hoa, lúa được công nhận tại các tỉnh Phú Yên, An Giang Kiên Giang và Lâm Đồng. Theo đánh giá, từ khi Luật Công nghệ cao được ban hành, các doanh nghiệp và địa phương đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào phát triển UDCNC trong nông nghiệp và lồng ghép trong các nhiệm vụ phát triển ngành, địa phương, chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế, xã hội. Nhiều tập đoàn, công ty, hợp tác xã đã liên kết với nông dân để áp dụng sản trong sản xuất hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã khẳng định được thế mạnh và khả năng cạnh tranh vượt trội về năng suất, chất lượng sản phẩm; đồng thời trở thành điểm sáng và là động lực tăng trưởng của nhiều vùng/địa phương.

Giới thiệu máy gieo hạt tại Hội chợ làng nghề Việt Nam 2018 ở Hà Nội (Ảnh: HNV)

Trong quá trình đó, xuất hiện ngày càng nhiều các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Một trong những doanh nghiệp hoạt động về lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ khá hiệu quả là Công ty TNHH Eco Footprint. Ông Phạm Đức Minh, Chủ tịch/Tổng Giám đốc Công ty cho biết, công ty chuyên nghiên cứu và phát triển thực nghiệm khoa học tự nhiên và kỹ thuật phục vụ nông nghiệp, chế biến, nghiên cứu giống, nhân giống cây và hoa các loại. Với tôn chỉ kinh doanh, nông nghiệp hữu cơ thân thiện với môi trường, nhằm góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân. Công ty được thành lập từ năm 2015, hiện đang đại diện cho 18 công ty chuyên về nông nghiệp công nghệ cao trên thế giới đến từ các quốc gia có nền nông nghiệp rất phát triển như Nhật Bản, Hà Lan, Mỹ, Hàn Quốc. Công ty hiện đang tập trung nhập khẩu, phân phối các sản phẩm hữu cơ, thân thiện với môi trường. Công ty hy vọng các sản phẩm chất lượng cao của mình sẽ góp phần tích cực nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, đem lại thu nhập và ổn định đời sống cho bà con nông dân.

Mặc dù đã đạt được những thành quả nhất định trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Việt Nam, nhưng hiện nay vẫn còn những hạn chế như giá trị sản xuất nông nghiệp chưa cao, các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp còn nhỏ lẻ, chưa có nhiều mô hình công nghệ cao trong nông nghiệp. Số lượng doanh nghiệp đầu tư vào ứng dụng trong nông nghiệp còn thấp. Đây là những hạn chế mà các nhà quản lý, cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, xem xét và có giải pháp xử lý, nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần phát triển một cách bền vững, đồng bộ nền nông nghiệp nước ta trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập .

HA.NV

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/kinh-te-va-hoi-nhap/day-manh-ung-dung-cong-nghe-cao-trong-linh-vuc-nong-nghiep-hien-nay-505807.html