Đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người lao động

Tuyên truyền, nâng cao ý thức pháp luật cho người lao động là nhằm từng bước hình thành thói quen hành động theo pháp luật, giúp người lao động giải quyết hài hòa các mối quan hệ xã hội theo pháp luật, hạn chế tình trạng xung đột trong mối quan hệ với người sử dụng lao động.

Theo Sở Lao động Thương binh và xã hội (LĐTB&XH) Thành phố Hà Nội, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật lao động là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài đối với ngành LĐTB&XH.

Hàng năm, trên địa bàn Thành phố có hơn 400 nghìn lượt người lao động và người sử dụng lao động được tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động; hơn 10 nghìn lượt doanh nghiệp được tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động với nhiều nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng.

Tuyên truyền pháp luật cho đơn vị sử dụng lao động.

Tuyên truyền pháp luật cho đơn vị sử dụng lao động.

Cụ thể, Thành phố tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về pháp luật lao động như: Hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, tiền lương, tiền công, bảo hiểm thất nghiệp, tranh chấp lao động theo nội dung Bộ luật Lao động năm 2012 có hiệu lực từ 1/5/2013 cho lãnh đạo các phòng LĐTB&XH, cán bộ nòng cốt và các tuyên truyền viên, hòa giải viên lao động quận, huyện.

Bồi dưỡng kiến thức về pháp luật lao động cho các đối tượng là đại diện người sử dụng lao động và người lao động được các doanh nghiệp cử đi tập huấn làm hạt nhân tuyên truyền cho mọi người lao động trong doanh nghiệp mình; Tập huấn công tác an toàn vệ sinh lao động cho người lao động và người sử dụng lao động.

Hướng dẫn quy trình đình công, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể, tranh chấp lao động cá nhân, quy trình giải quyết các cuộc đình công không đúng quy định của pháp luật lao động... cho các hòa giải viên cấp quận, huyện và Hội đồng hòa giải cơ sở.

Ngoài ra, Thành phố còn tổ chức đào tạo kỹ năng thương lượng tập thể cho đại diện người lao động và đại diện người sử dụng lao động nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khi xây dựng và thương lượng thỏa ước lao động tập thể.

Người lao động trao đổi để đặt câu hỏi cho các chuyên gia.

Các phương thức tuyên truyền chủ yếu bao gồm: Phát tờ rơi, tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo chuyên đề, tuyên truyền tại các phiên giao dịch việc làm định kỳ hàng tháng và các phiên lưu động, sàn giao dịch việc làm vệ tinh dưới hình thức tư vấn trực tiếp cho người lao động và phát hành tờ rơi hướng dẫn pháp luật lao động và giải quyết tranh chấp lao động.

Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội tư vấn và giải đáp pháp luật lao động cho người lao động, người sử dụng lao động trên Website vieclamhanoi.net và tư vấn qua Tổng đài 1088 nhánh 3, nhánh 5 tại Trung tâm.

Tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh của doanh nghiệp, phường, xã. Hướng dẫn doanh nghiệp quận, huyện tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật lao động nhân ngày Quốc tế Lao động 1/5 và triển khai thực hiện đều đặn Ngày Pháp luật trong mỗi tháng nhằm cập nhật kịp thời những quy định mới của pháp luật.

Một buổi tuyên truyền pháp luật cho người lao động do Báo LĐTĐ tổ chức.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật lao động đến người sử dụng lao động và người lao động trên địa bàn Thành phố, gắn việc tuyên truyền với công tác thanh tra, kiểm tra nhằm đưa pháp luật lao động vào cuộc sống, mới đây, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 22/KH-UBND tiếp tục triển khai Đề án "Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp đến năm 2021".

Theo đó, trong quý I và quý II/ 2018 triển khai Kế hoạch trong các ngành, đoàn thể của Thành phố, các quận, huyện, thị xã, biên soạn tài liệu và các nội dung tuyên truyền. Quý III và quý IV/2018, phổ biến, tuyên truyền một số chuyên đề liên quan đến pháp luật lao động, tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật lao động cho người lao động. Từ năm 2019 – 2021 sẽ tiếp tục phổ biến, tuyên truyền pháp luật lao động và các pháp luật khác có liên quan đến người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp, các hợp tác xã hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, các văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài tại Hà Nội.

Tính đến hết tháng 5/2018, Sở LĐTB&XH Thành phố Hà Nội đã tiếp nhận đăng ký gần 200 bản thỏa ước lao động tập thể, 237 bản nội quy lao động. Sở đã tham mưu UBND Thành phố ban hành văn bản chỉ đạo triển khai các quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và tổ chức Hội nghị tổng kết thực tiễn và đề xuất giải pháp giảm tỷ lệ nợ BHXH, BHYT. Đồng thời, xây dựng kế hoạch kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội tại các doanh nghiệp năm 2018 trên địa bàn Thành phố và đã tổ chức kiểm tra tại 25 doanh nghiệp.

Trong thời gian tới, Sở LĐTB&XH đặt mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật trong các loại hình doanh nghiệp. Tiếp tục hướng dẫn xây dựng phương án lao động, giải quyết chế độ đối với người lao động tại các doanh nghiệp, đơn vị khi cổ phần hóa. Kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố năm 2018.

Hà Phong

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/day-manh-tuyen-truyen-pho-bien-phap-luat-cho-nguoi-lao-dong-75222.html