Đẩy mạnh tuyên truyền, đấu tranh phòng chống tham nhũng trên Thông tấn xã Việt Nam

Đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, đấu tranh phòng, chống tham nhũng đòi hỏi bản lĩnh, sự quyết tâm, tiến hành bài bản, khoa học, chặt chẽ, có sức thuyết phục. Đấu tranh bằng nhiều biện pháp, báo chí cũng là một trong những biện pháp đấu tranh rất hiệu quả.

Chiều 15/8, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Thành viên Ban Chỉ đạo TW về PCTN và đoàn công tác đã có buổi làm việc với Đảng ủy Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) về việc kiểm tra, đôn đốc công tác PCTN.

Đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc TTXVN và các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy cùng dự buổi làm việc.

Đồng chí Võ Văn Thưởng phát biểu kết luận buổi làm việc. (Ảnh: HH)

Phòng chống tốt từ trong nội bộ

Báo cáo của Đảng ủy TTXVN cho biết, hiện TTXVN có 28 đơn vị, trong đó có 5 đơn vị giúp việc Tổng giám đốc, 16 đơn vị thông tin, 5 đơn vị phục vụ thông tin và 2 cơ quan khu vực (tại miền Trung-Tây Nguyên và khu vực phía Nam). TTXVN còn có 63 cơ quan thường trú ở trong nước, 30 cơ quan thường trú nước ngoài và 2 doanh nghiệp in. Toàn ngành hiện có gần 2.300 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, trong đó có khoảng 1.000 phóng viên, biên tập viên.

Đảng bộ TTXVN hiện có 9 đảng bộ cơ sở, 6 chi bộ cơ sở và 22 chi bộ trực thuộc với tổng số gần 950 đảng viên công tác trên địa bàn tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Trong thời gian qua, Đảng ủy, Ban lãnh đạo TTXVN đã quán triệt, triển khai thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; nghiêm túc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”; Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...

Toàn ngành tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 của TTXVN; Chương trình hành động của TTXVN về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2020 và các Chương trình hành động của TTXVN về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hàng năm...

Việc phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng tới cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong ngành đã góp phần nâng cao nhận thức của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền cũng như công chức, viên chức về vị trí, vai trò của công tác phòng, chống tham nhũng. Qua đó, xác định rõ trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền về công cuộc phòng, chống tham nhũng của toàn Đảng, toàn dân, nêu cao tinh thần tự giác, gương mẫu trong phòng, chống tham nhũng ở nội bộ cơ quan, đơn vị.

Đảng ủy, Ban lãnh đạo TTXVN cũng ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng. Đồng thời chú trọng công tác kiểm tra, giám sát đối với công tác phòng, chống tham nhũng. Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng của TTXVN được thành lập từ tháng 8/2009 và thường xuyên được kiện toàn để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, qua công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp, công tác kiểm tra của Ban Kiểm tra TTXVN, Công đoàn TTXVN và hoạt động thanh tra nhân dân, chưa phát hiện trường hợp tham nhũng nào trong nội bộ.

600 tin, bài phản ánh về lĩnh vực phòng, chống tham nhũng

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thông tấn nhà nước, Đảng ủy, Ban lãnh đạo TTXVN tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị thông tin trong toàn ngành thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Các đơn vị thông tin của TTXVN bám sát Hướng dẫn tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, lãng phí của Ban Tuyên giáo Trung ương tuyên truyền công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, thực hiện thông tin bằng các loại hình (tin văn bản, ảnh, truyền hình, đồ họa) với nhiều chuyên mục, chuyên đề, nội dung phong phú.

Cùng với thông tin về phòng, chống tham nhũng trong nước, với lợi thế có mạng lưới phóng viên thường trú rộng khắp TTXVN còn tập trung thông tin về kinh nghiệm, bài học của các nước trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, cải cách tư pháp; sự ủng hộ của quốc tế đối với Việt Nam trong công cuộc đấu tranh, phòng, chống tham nhũng...

Trong 6 tháng đầu năm 2019, các đơn vị thông tin nguồn của TTXVN đã sản xuất, đăng phát khoảng 600 tin, bài, ảnh, phóng sự truyền hình, tin đồ họa về lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Ngay đầu năm 2019, trên Cổng thông tin điện tử của TTXVN đã giới thiệu sản phẩm thông tin đặc biệt về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với hình thức Megastory, trongg đó tập hợp cơ sở dữ liệu gồm tất cả các vụ tiêu cực, tham nhũng bị xử lý kỷ luật, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử trong suốt năm 2018, ở Trung ương và địa phương, thể hiện rõ quan điểm, quyết tâm, nỗ lực và kết quả đạt được trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của toàn Đảng, toàn dân.

Tuyến tin phòng, chống tham nhũng “vặt” tiếp tục tăng cường, bám sát tình hình ở nhiều địa bàn, lĩnh vực. Chuyên mục “Người tốt, việc tốt”, bên cạnh giới thiệu các tấm gương tiêu biểu trong các lĩnh vực, các đơn vị thông tin chú ý phản ánh những điển hình trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Các đơn vị thông tin đối ngoại của TTXVN đã khai thác, biên tập, dịch sang 4 thứ tiếng Anh, Pháp, Trung và Tây Ban Nha, gần 600 tin, bài để các báo và các hãng thông tấn nước ngoài khai thác, sử dụng.

Các đồng chí thành viên Đoàn công tác phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: HH)

Ngoài ra, TTXVN còn thực hiện thông tin, báo cáo tham khảo về lĩnh vực này phục vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng, trong đó, chú ý khai thác dư luận quốc tế về công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam với nhiều nguồn tin.

Khẳng định chức năng thông tấn nhà nước tuyên truyền về PCTN

Phát biểu tại buổi làm việc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi khẳng định, Đảng ủy và Ban lãnh đạo TTXVN coi công tác phòng, chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể; quan tâm chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành triệt để thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí với các biện pháp cụ thể; đảm bảo công khai, minh bạch trong lĩnh vực tài chính và tổ chức cán bộ; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Kiểm tra TTXVN và Ban Thanh tra nhân dân; phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động tại cơ quan.

Đánh giá cao những kết quả đạt được của TTXVN trong công tác PCTN, đồng chí Võ Văn Thưởng khẳng định, trong thời gian qua, TTXVN đã làm tốt vai trò, chức năng thông tấn nhà nước trong việc đăng, phát thông tin, văn kiện chính thức của Đảng và Nhà nước; cung cấp thông tin phục vụ yêu cầu lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước; thu thập, phổ biến thông tin bằng các loại hình báo chí và truyền thông đa phương tiện phục vụ các cơ quan thông tin đại chúng, công chúng và các đối tượng khác trong và ngoài nước trên các lĩnh vực nói chung và công tác PCTN nói riêng với nhiều hình thức phong phú.

Đồng chí Võ Văn Thưởng đánh giá, là một hãng thông tấn lớn, có nhiều đơn vị trực thuộc, trải dài trên tất cả các vùng, miền cả nước và cơ quan thường trú ở nước ngoài, TTXVN đã chú ý về công tác phòng, chống tham nhũng trong nội bộ của cơ quan như việc tổ chức học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng. Trên cơ sở quán triệt chủ trương, nghị quyết, kết luận đó, TTXVN đã hình thành nên quy chế, quy định của cơ quan; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát trong nội bộ, tổ chức đảng, đảng viên... Trong hoạt động, TTXVN đã công khai minh bạch những quy định, quy chế liên quan đến mua sắm chi tiêu trong nội bộ...

Để làm tốt vai trò, nhiệm vụ được giao trong thời gian tới, đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị TTXVN tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đấu tranh bằng nhiều biện pháp, báo chí cũng là một trong những biện pháp đấu tranh rất hiệu quả.

Đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, đấu tranh phòng, chống tham nhũng đòi hỏi bản lĩnh, sự quyết tâm, tiến hành bài bản, khoa học, chặt chẽ, có sức thuyết phục. Đối với TTXVN, yêu cầu này càng đặt ra cao hơn vì đây là cơ quan cung cấp thông tin nguồn. Đồng thời, việc đấu tranh phải gắn liền với việc tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương lưu ý, trong giai đoạn mới, TTXVN cần tiếp tục duy trì và tập trung vào một số lĩnh vực mới, lĩnh vực còn khó khăn, hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng, cụ thể như đấu tranh chống tham nhũng ở cấp cơ sở, trong mối quan hệ giữa những người thực thi công vụ và công dân... để mọi người dân đều cảm nhận được thành tựu của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Người làm báo phản ánh công tác phòng, chống tham nhũng cần phải thực sự tỉnh táo, không trở thành công cụ cho những kẻ cơ hội chính trị, lợi dụng báo chí.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, TGĐ TTXVN Nguyễn Đức Lợi phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: HH)

Đối với nội bộ cơ quan TTXVN, đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị, cần tiếp tục triển khai những việc đã làm tốt. Điều quan trọng nhất là phòng ngừa, phòng là chính, thể hiện qua việc thực hiện dân chủ cơ quan, công khai, minh bạch trong lĩnh vực phải chi tiêu, xây dựng các quy chế, định mức... ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường, xây dựng chỉnh đốn Đảng.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chỉ rõ, việc tiêu cực trong cơ quan báo chí về hành chính, tài chính không nguy hiểm bằng việc tiêu cực bằng chính ngòi bút, bằng bài viết. Cần cảnh báo và ngăn ngừa tránh tình trạng “Sáng đưa, trưa gặp, chiều gỡ”, “đánh hội đồng”, “chào hàng lấy tiền”... TTXVN cần ngăn ngừa những tình trạng nêu trên để góp phần cho nền báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng trong sạch./.

Hiền Hòa

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/xay-dung-dang/day-manh-tuyen-truyen-dau-tranh-phong-chong-tham-nhung-tren-thong-tan-xa-viet-nam-531945.html