Đẩy mạnh tuyển sinh, đào tạo và giải quyết việc làm trong học sinh, sinh viên

Sáng 23/6, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) tổ chức hội nghị tuyển sinh, đào tạo và giải quyết việc làm năm 2020 cho các tỉnh thành phía Nam.

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Hội nghị là dịp để các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các tỉnh, thành phố, các trường cao đẳng, trung cấp từ Thành phố Đà Nẵng đến tỉnh Cà Mau tham gia thảo luận, trao đổi kinh nghiệm và xác định nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong tuyển sinh, đào tạo và giải quyết việc làm trong thời gian tới.

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, đại dịch COVID-19 trong nước cơ bản được kiểm soát, các hoạt động tuyển sinh, đào tạo giáo dục nghề nghiệp đã trở lại bình thường, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang tập trung tăng tốc tuyển sinh, đào tạo và giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Chỉ thị đã đặt ra nhiều nhiệm vụ quan trọng cho cả hệ thống giáo dục nghề nghiệp về đẩy mạnh nhân lực có kỹ năng nghề, nhất là nhân lực có tay nghề cao để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Nhận định về vấn đề này, Tiến sĩ Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cho rằng Việt Nam sẽ gặp những thách thức về sự thay đổi trong cấu trúc việc làm, nhiều công việc mới sẽ xuất hiện, trong đó có cả những công việc truyền thống cũng thay đổi và đòi hỏi nhiều kỹ năng mới. Công việc trong tương lai không chỉ là chuyển đổi số mà còn là xanh hóa nền kinh tế, là chuỗi giá trị toàn cầu, sự thay đổi nhân khẩu một cách rõ rệt...

"Để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong thời gian tới, người lao động phải được đào tạo bài bản, có nhiều kỹ năng tích hợp; bên cạnh kỹ năng chuyên môn còn có kỹ năng mềm, kỹ năng về công nghệ thông tin và ngoại ngữ. Đặc biệt, trong thời kỳ Cách mạng công nghệ lần thứ tư, con người cạnh tranh với robot trong môi trường làm việc số hóa, tự động hóa. Để cạnh tranh được thì người lao cần có kỹ năng ứng phó với sự thay đổi và những kỹ năng không thể thuật toán hóa, như kỹ năng thích nghi, hợp tác, sáng tạo, kiên trì... do đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần phải mạnh dạn, chủ động thay đổi chương trình và phương pháp đào tạo" - Tiến sĩ Trương Anh Dũng chia sẻ.

Cùng quan điểm, Tiến sĩ Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cho biết, trong thời gian giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh, hầu hết các trường đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác các công cụ truyền thông và mạng xã hội vào công tác tuyên truyền, tư vấn và làm công tác tuyển sinh. Nhiều trường đã chủ động điều chỉnh kế hoạch, tiến độ đào tạo, đa dạng hóa các phương thức tổ chức đào tạo, đẩy mạnh đào tạo trực tuyến đối với các nội dung, môn học, mô đun phù hợp; một số trường đã đầu tư, xây dựng hệ thống đào tạo trực tuyến chuyên nghiệp như: học tập trực tuyến (e-learning), hệ thống quản lý học tập trực tuyến (LMS - Learning Management System), hệ thống quản lý nội dung học tập (LCMS - Learning Content Management System) bằng các giải pháp công nghệ mã nguồn mở...

Tiến sĩ Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy thuộc Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội phát biểu tại hội nghị.

Về công tác tuyển sinh, đào tạo và giải quyết việc làm trong thời gian tới, Tiến sĩ Vũ Xuân Hùng cho biết, mục tiêu của ngành trong năm 2020 là tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp 2.260.000 người. Trong đó, tuyển sinh trình độ cao đẳng và trung cấp là 580.000 học sinh - sinh viên; tuyển sinh trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác là 1.680.000 người, trong đó hỗ trợ đào tạo nghề cho 980.000 lao động nông thôn, lao động nữ và các đối tượng chính sách khác và khoảng 20.000 người khuyết tật.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã khảo sát, tìm hiểu hệ thống giáo dục KOSEN (Nhật Bản), phần mềm quản lý số liệu tuyển sinh – tốt nghiệp – việc làm; tham gia thảo luận những nhiệm vụ trọng tâm để tăng quy mô tuyển sinh, nâng cao hiệu quả đào tạo và giải quyết việc làm. Trong đó, nhiều ý kiến đề xuất tăng cường đào tạo trực tuyến trong giáo dục nghề nghiệp, khai thác triệt để những lợi thế của công nghệ, giảm thời gian hao phí, tăng cường các cơ hội học tập cho người học nhưng vẫn bảo đảm được chất lượng đào tạo.

Các đại biểu cũng thảo luận, bàn giải pháp về công tác gắn kết doanh nghiệp, giải quyết việc làm, hướng nghiệp, khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên; thúc đẩy cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo chất lượng cao, nhân rộng đào tạo theo các chương trình chuyển giao từ nước ngoài đã thành công, để nhanh chóng có được nguồn nhân lực chất lượng cao tiếp cận quốc tế, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tính đến cuối năm 2019, cả nước có trên 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm các trường cao đẳng, trung cấp và trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp rộng khắp cả nước đã góp phần thực hiện công tác tuyển sinh năm 2019 đạt hơn 2,3 triệu học viên; tỷ lệ học viên tốt nghiệp từ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có việc làm đạt trên 80% với mức lương từ 5,5 triệu - 12 triệu đồng/lao động/tháng.

Tin, ảnh: Thanh Vũ (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/tuyen-sinh/day-manh-tuyen-sinh-dao-tao-va-giai-quyet-viec-lam-trong-hoc-sinh-sinh-vien-20200623141627167.htm