Đẩy mạnh tiêu thụ nông sản: Cầu nối vươn tới 'chợ' toàn cầu

Sản xuất nông nghiệp của Việt Nam vẫn phổ biến tình trạng nơi thừa thì vẫn thừa, nơi thiếu thì vẫn thiếu và hầu hết là thừa của những nông dân sản xuất không có sự kết nối.

Nông sản vẫn phổ biến tình trạng nơi thừa thì vẫn thừa, nơi thiếu thì vẫn thiếu. Ảnh: TTXVN

Nông nghiệp Việt Nam đang từng bước tiến tới sản xuất theo tín hiệu thị trường. Nhưng muốn vậy phải có sự kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ. Trên thực tế cho đến nay, hoạt động kết nối cung – cầu nông lâm thủy sản vẫn bị đánh giá là khâu yếu nhất trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.

Sản xuất nông nghiệp của Việt Nam vẫn phổ biến tình trạng nơi thừa thì vẫn thừa, nơi thiếu thì vẫn thiếu và hầu hết là thừa của những nông dân sản xuất không có sự kết nối.

Chỉ nhìn từ đầu năm đến nay, những cuộc hô hào “giải cứu”, tình trạng dư thừa nông sản như ở Mê Linh (Hà Nội), Tứ Kỳ (Hải Dương), dưa hấu miền Trung… đã cho thấy vẫn còn tình trạng sản xuất tự do, thói quen, không gắn kết với thị trường tiêu thụ. Tình trạng sản xuất này vẫn khá phổ biến ở nhiều sản phẩm, nhiều địa phương.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp lại đang có nhu cầu sản phẩm lớn, chất lượng cao để xuất khẩu. Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao đang có nhu cầu đặt hàng số lượng lớn sản phẩm như: hẹ, rau chân vịt, ngô ngọt…

Thậm chí có nhiều doanh nghiệp nước ngoài tìm đến những đầu mối chuyên kết nối cung - cầu như Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để tìm đối tác cung cấp nông sản.

Điển hình, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ quốc tế TJ (Hàn Quốc) đang muốn liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp cung ứng nông sản Việt Nam có đủ tiềm lực để đưa hàng sang Hàn Quốc.

Hay thị trường Nhật Bản có nhu cầu lớn đa dạng các sản phẩm như: ngô ngọt, hẹ, vải, dưa bao tử, dứa, chanh leo, rau chân vịt, bó xôi, hành…

Các doanh nghiệp xuất khẩu đều thừa nhận, không đủ hàng cung cấp sang thị trường này. Tuy nhiên, tiêu chuẩn sản xuất và chất lượng sản phẩm để đáp ứng được cho các doanh nghiệp xuất khẩu cũng rất cao.

Nhìn nhận thị trường Nhật Bản, ông Đinh Gia Nghĩa, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao đánh giá, đây là một thị trường cực kỳ khó tính nhưng ngược lại rất tiềm năng cho nông sản Việt Nam.

Thị trường này có nhu cầu rất lớn về nông sản chất lượng cao và doanh nghiệp hiện cũng không đủ hàng để cung cấp.

Bên cạnh việc phát triển thị trường xuất khẩu, công ty cũng phải rất nỗ lực tìm kiếm các vùng sản xuất nguyên liệu đáp ứng được cho các nhà máy chế biến cũng như cho xuất khẩu.

Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao đã và đang xây dựng thành công mô hình sản xuất kinh doanh khép kín từ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến và kinh doanh xuất khẩu các mặt hàng nông sản, rau quả, thực phẩm.

Hiện nay, công ty có một tổ hợp nhà máy chế biến rau quả tại Ninh Bình và một nhà máy chế biến rau quả tại Bắc Giang với tổng công suất thiết kế 40.000 tấn sản phẩm/năm.

Dự án Nhà máy chế biến rau quả DOVECO Gia Lai với tổng công suất thiết kế 30.000 tấn/năm cũng sẽ đi vào hoạt động trong năm nay.

Khắc phục điểm yếu nhất trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, ông Đào Văn Hồ, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp cho rằng, bản thân nông dân cũng cần nhận thức thấy phải tham gia vào các hợp tác xã, tổ hợp tác để dễ dàng hơn trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là việc sản xuất đảm bảo đúng yêu cầu thị trường.

Nông nghiệp Việt Nam đang từng bước tiến tới sản xuất theo tín hiệu thị trường. Ảnh: TTXVN

Ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho rằng, mỗi nông dân chắc chắn sẽ không đáp ứng đủ số lượng hàng hóa cung cấp cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cũng không thể đi hợp tác từng nông dân. Do đó, nông dân phải nhận thức ngay để tham gia vào “cuộc chơi” sản xuất này, phải tham gia vào các tổ chức kinh tế tập thể.

Tuy nhiên, để thành lập được các tổ chức kinh tế tập thể có định hướng hoạt động tốt, sản xuất hiệu quả rất cần sự vào cuộc của chính quyền các cấp.

Chính quyền địa phương sẽ tổ chức sản xuất, định hướng cho các hợp tác xã trong việc liên kết, tổ chức sản xuất… và đặc biệt là cầu nối các doanh nghiệp có nhu cầu về địa phương mình. Việc địa phương chủ động vào cuộc rất quan trọng.

"Để có 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020, phải đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của bộ máy quản lý nhà nước và toàn xã hội nhằm thúc đẩy mạnh mẽ phát triển hợp tác xã nông nghiệp có hiệu quả. Đây được coi là giải pháp có vai trò hết sức quan trọng và phải xác định đây là giải pháp cốt lõi", ông Ma Quang Trung nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, gốc rễ vấn đề là phải tổ chức sản xuất theo khai thác lợi thế từng vùng, từng khu vực gắn kết chặt chẽ giữa phát triển nguyên liệu đi đôi với chế biến sâu gắn với thị trường. Thị trường hiện nay không phải 93 triệu dân Việt Nam mà là thị trường 7 tỷ dân toàn cầu. Vì nền sản xuất Việt Nam đã đủ sức không chỉ lo cho mình mà phải vươn tới “chợ” toàn cầu.

Năm nay, hàng loạt các nhà máy chế biến khởi công và đi vào hoạt động sẽ giúp tăng năng lực chế biến, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng của ngành nông, lâm, thủy sản. Điển hình là một số nhà máy chế biến thịt lợn với quy trình và công nghệ cao tại Hà Nam của Công ty Biển Đông, tại Nam Định của Công ty cổ phần Tập đoàn Masan, Nhà máy mới của Tập đoàn DABACO, CP Việt Nam; Trung tâm chế biến rau quả DOVECO của Công ty cổ thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao; Nhà máy chế biến rau, củ quả tại Sơn La và Long An của Công ty cổ phần Nafoods Group…

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, doanh nghiệp cũng cần phối hợp cùng địa phương để định hình vùng sản xuất và ngay từ khâu đầu tiên là giống để đảm bảo nông sản Việt Nam sạch ngay từ khâu đầu, ứng dụng công nghệ cao ở các quy trình từ vùng nguyên liệu, chế biến đến thương mại.

Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/day-manh-tieu-thu-nong-san-cau-noi-vuon-toi-cho-toan-cau/86465.html