Đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai cho sản xuất quy mô lớn

Xu thế sản xuất nông nghiệp ngày nay yêu cầu hình thành các mô hình, các vùng sản xuất quy mô lớn để dễ dàng áp dụng các tiến bộ kỹ thuật cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm. Xác định đó chính là xu thế, là cách nâng cao hiệu quả để tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh nhà, từ đầu năm 2019, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU về 'Tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030'.

Nhờ tích tụ đất đai, hàng chục ha đất nông nghiệp ở xã Hoằng Lưu (Hoằng Hóa) đã có doanh nghiệp vào hợp tác đầu tư sản xuất và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Ảnh: Linh Trường

Trên cơ sở phân tích điều kiện thực tiễn và khả năng của các địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra chỉ tiêu tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tích tụ năm 2020 trên địa bàn tỉnh khoảng 10.790 ha. Trong đó, lĩnh vực trồng trọt 3.840 ha, lĩnh vực chăn nuôi 550 ha, lĩnh vực thủy sản 300 ha, lĩnh vực lâm nghiệp 6.100 ha. 2 địa phương được giao tích tụ với diện tích lớn nhất là huyện Cẩm Thủy 780 ha (150 ha đất trồng trọt, 30 ha đất chăn nuôi và 600 ha đất lâm nghiệp) và huyện Thường Xuân 740 ha (120 ha đất trồng trọt, 20 ha đất chăn nuôi và 600 ha đất lâm nghiệp). Cụ thể, trong lĩnh vực trồng trọt, toàn tỉnh dự kiến sẽ kêu gọi doanh nghiệp thuê đất sản xuất lúa gạo chất lượng cao, quy mô khoảng 100 ha/mô hình. Đồng thời, khuyến khích các cá nhân, hộ dân thuê đất sản xuất lúa gạo chất lượng tại các huyện Thiệu Hóa, Nông Cống, Yên Định với quy mô 10 ha/hộ. Mô hình thuê đất tập trung để trồng cây ăn quả tại các huyện Thạch Thành, Thọ Xuân, Như Xuân, các mô hình liên kết sản xuất rau an toàn dự kiến sẽ được triển khai ở TP Thanh Hóa và các huyện Yên Định, Hoằng Hóa, Hậu Lộc...

Lĩnh vực thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương liên quan cũng đang triển khai tích tụ đất lúa kém hiệu quả để chuyển sang nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghệ cao tại các huyện ven biển: Hoằng Hóa, Nga Sơn, Hậu Lộc. Về chăn nuôi, các mô hình chăn nuôi gà thịt chất lượng cao, có sự liên kết sản xuất để phục vụ giết mổ, chế biến và xuất khẩu tại các huyện Ngọc Lặc, Triệu Sơn, Thọ Xuân, Hoằng Hóa, Như Thanh đang được xúc tiến. Theo dự kiến, mỗi mô hình này có diện tích chuồng trại từ 2 ha trở lên, quy mô nuôi 150.000 con gà mỗi mô hình.

Tại huyện Hoằng Hóa, sau khi có Nghị quyết 13-NQ/TU, huyện đã lên kế hoạch và đẩy nhanh việc thực hiện tích tụ, tập trung đất đai cho sản xuất quy mô lớn. Thống kê từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoằng Hóa, trong năm 2019 và các tháng đầu năm 2020, huyện đã tích tụ được gần 60 ha đất trồng trọt tập trung ở 3 xã: Hoằng Thanh, Hoằng Đạo và Hoằng Lưu. Khi đất đai được tập trung thành từng vùng lớn, địa phương đã kêu gọi được Công ty TNHH Nông nghiệp phát triển Kim Huy Việt Nam – một doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Hàn Quốc đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt. Ngay năm đầu tiên đầu tư sản xuất, doanh nghiệp này đã hợp tác với nông dân để phát triển vùng chuyên canh cà rốt xuất khẩu lên đến 50 ha. Bước sang vụ đông 2019 – 2020, vùng sản xuất này được chuyển sang chuyên canh bắp cải, súp lơ và khoai tây gắn với tiêu thụ sản phẩm. Trong tháng 2-2020, các loại rau màu đã cho thu hoạch. Dấu ấn công nghệ được áp dụng tại các mô hình này là hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới phun sương tự động, hoàn toàn thay thế lao động thủ công trong khâu tưới nước cho cây trồng. Điều này mang lại lợi ích trông thấy, vừa ít tốn nước, vừa giảm được chi phí nhân công trong canh tác so với phương cách trồng trọt truyền thống của nông dân địa phương từ nhiều đời nay.

Bên cạnh đó, từ những năm trước đây, huyện cũng đã chỉ đạo các xã dồn đổi ruộng đất để liên kết phát triển vùng trồng khoai tây tập trung tại các xã: Hoằng Thắng, Hoằng Ngọc, Hoằng Đông, Hoằng Phong với diện tích ngày càng tăng. Trong vụ đông 2019 - 2020, diện tích khoai tây này được phát triển lên 150 ha, đã cho thu hoạch đại trà vào trung tuần tháng 2 vừa qua. Hiện, 125 ha khoai tây vụ xuân tiếp tục phát triển tốt, dự kiến thu hoạch vào cuối tháng 3 tới. Đầu năm nay, huyện cũng kêu gọi được một doanh nghiệp đầu tư sản xuất 20 ha lúa giống chất lượng cao ở xã Hoằng Sơn, bởi đất sản xuất đã được tích tụ thành những vùng lớn.

Trong nuôi trồng thủy sản, huyện Hoằng Hóa cũng đang tiến hành tập trung đất đai để áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, phát triển các vùng nuôi thủy sản nước lợ diện tích lớn tại các xã Hoằng Yến, Hoằng Phụ, Hoằng Phong, Hoằng Lưu. Theo kế hoạch, những tháng tiếp theo, các mô hình nuôi thủy sản hiện đại sẽ được triển khai với tổng diện tích từ 13 đến 20 ha.

Tại các mô hình sản xuất tập trung đã được triển khai trên địa bàn huyện vùng biển này, thuận lợi đầu tiên là dễ dàng đưa máy móc vào sản xuất, từ đó giảm được chi phí nhân công và giá thành sản phẩm. Do thuận lợi trong quản lý dịch bệnh và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong các khâu sản xuất nên năng suất thường cao hơn từ 15 đến 20% canh tác truyền thống ở cùng địa phương. Điều đáng nói, đầu ra cho sản phẩm được các doanh nghiệp bao tiêu, các xe ô tô tải dễ dàng đến tận đầu bờ để thu gom sản phẩm.

Linh Trường

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/day-manh-tich-tu-tap-trung-dat-dai-cho-san-xuat-quy-mo-lon/114885.htm