Đẩy mạnh thanh toán trực tuyến

Nhiều năm qua, thương mại điện tử của Thủ đô liên tục có bước tăng trưởng khá. Trong Kế hoạch số 84/KH-UBND về phát triển thương mại điện tử năm 2018, Hà Nội đặt mục tiêu doanh thu bán lẻ trực tuyến chiếm 8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của thành phố, tăng 1% so với năm 2017; giữ vững xếp hạng từ thứ hai trở lên so với cả nước về Chỉ số Thương mại điện tử (EBI) hằng năm; tỷ lệ số dân Hà Nội tham gia mua sắm trực tuyến đạt 66% số người sử dụng in-tơ-nét, tăng 3% so với năm 2017.

85% số cơ sở phân phối, bán lẻ hiện đại, cửa hàng xăng dầu, đơn vị cung cấp điện, nước, dịch vụ viễn thông chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt khi mua bán hàng hóa, dịch vụ.

Dù mua sắm, tiêu dùng trực tuyến đang dần trở nên quen thuộc với người dân Hà Nội, nhưng chưa nhiều người sử dụng hình thức thanh toán trực tuyến. Phần lớn mọi người khi mua hàng hoặc sử dụng dịch vụ đều sử dụng hình thức trả tiền mặt. Nguyên nhân của tình trạng này là do tâm lý e ngại, chưa tin tưởng đối với các hình thức thanh toán trực tuyến. Nhất là trong các dịch vụ điện, nước, viễn thông, dù đã triển khai việc liên kết với các ngân hàng để hỗ trợ người dân thanh toán hóa đơn, nhưng đội ngũ nhân viên đi thu tiền trực tiếp của các đơn vị này không giảm được nhiều. Có khi không gặp khách hàng, khiến nhân viên thu ngân phải đi lại nhiều lần mới thu được.

Hiện nay, ngoài các cổng thanh toán trực tuyến, ví điện tử, hầu hết các ngân hàng đều triển khai dịch vụ Internet Banking (ngân hàng trên in-tơ-nét), Mobile Banking (ngân hàng trên điện thoại) với các chức năng đơn giản, thuận tiện và có tính bảo mật cao. Khi sử dụng các hình thức giao dịch này, người dân có thể dễ dàng thanh toán vé máy bay, vé xem phim, hóa đơn mua sắm hàng hóa… mà không cần đến tận cửa hàng. Với nhiều dịch vụ như thanh toán tiền điện, nước, dịch vụ viễn thông..., sau khi đăng ký với ngân hàng, hằng tháng tài khoản của khách hàng sẽ tự động trích tiền để trả, sau đó gửi thông tin, biên lai vào địa chỉ email. Như vậy, người dân không cần phải mất thời gian, công sức để đi đóng tiền điện, nước hoặc ở nhà chờ đợi người đến thu.

Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho rằng, để đưa mua sắm trực tuyến trở thành hình thức mua hàng phổ biến của người tiêu dùng, từng bước thay đổi thói quen mua sắm, hạn chế sử dụng tiền mặt, các ngân hàng, doanh nghiệp cần hoàn thiện các hình thức thanh toán trực tuyến sao cho đơn giản, thuận tiện và an toàn nhất. Đồng thời, xây dựng nhiều cơ chế ưu đãi, tích cực tư vấn, hướng dẫn, vận động khách hàng thử nghiệm hình thức thanh toán mới. Sau khi trải nghiệm, thấy dễ dàng, nhanh chóng, người dân sẽ bỏ qua tâm lý ngại ngần. Thành phố cũng khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc khởi nghiệp kinh doanh từ thương mại điện tử. Bởi việc giao dịch tài chính không sử dụng tiền mặt mà thông qua các kênh thanh toán điện tử không chỉ mang lại lợi ích cho người dùng, mà còn là xu thế của môi trường kinh tế hiện đại, giúp các doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng quản lý tài chính, vận hành kinh doanh một cách minh bạch, đơn giản hơn.

Bình Nguyên

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/37267502-day-manh-thanh-toan-truc-tuyen.html