Đẩy mạnh thanh toán phi tiền mặt

40% nông dân Việt Nam đã có tài khoản ngân hàng nhưng hơn 90% chi tiêu hàng ngày sử dụng tiền mặt. Trong các giao dịch qua ATM, rút tiền mặt vẫn là chủ yếu, chiếm đến 98% khối lượng giao dịch. Thanh toán không dùng tiền mặt đang được đẩy mạnh nhưng thói quen người tiêu dùng vẫn chưa thay đổi.

40% nông dân Việt Nam đã có tài khoản ngân hàng nhưng hơn 90% chi tiêu hàng ngày sử dụng tiền mặt.

99% thanh toán dưới 100 nghìn đồng dùng tiền mặt

Theo thống kê không chính thức, ở vùng sâu vùng xa, bình quân chỉ có 2 đến 3 điểm giao dịch trong khi trung bình ở thành phố, thành thị, thị xã là gấp đôi - khoảng 4 điểm. Tiêu dùng tiền mặt vốn đã bám sâu vào thói quen chi tiêu của người nông dân và không hề dễ thay đổi. Ngoài ra, hàng loạt loại phí dịch vụ như phí thường niên, phí SMS Banking...cùng với quy trình mở tài khoản, mở thẻ, đăng ký…phức tạp khiến người dân ngại sử dụng.

Qua đánh giá sơ bộ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết, đối với những vùng như nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa, đại bộ phận người dân chưa có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ và tiện ích thanh toán hiện đại. Các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc rút, sử dụng và trả nợ của người vay bằng tiền mặt còn rất lớn. Đối với các hợp tác xã, các hộ sản xuất kinh doanh cá thể, chủ trang trại, tỷ trọng sử dụng tiền mặt còn lớn hơn.

Thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt đã ăn sâu, bén rễ vào tiềm thức của người dân, nên việc triển khai thanh toán kinh doanh thương mại gặp nhiều khó khăn. Người tiêu dùng nói chung và người nông dân ở khu vực nông thôn nói riêng thường sử dụng tiền mặt bởi phương thức thanh toán này rất nhanh, thuận tiện, không phức tạp và được chấp nhận ở mọi nơi. Ngoài ra, tiền mặt giúp họ dễ dàng quản lý ngân sách mà không lo phát sinh chi phí; đồng thời thanh toán bằng tiền mặt bảo đảm an toàn, riêng tư bởi không để lại dấu vết giao dịch và không lộ thông tin cá nhân.

Ông Đặng Khắc Lợi - Cục phó Cục Báo chí và Xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết 99% thanh toán dưới 100 nghìn đồng là thanh toán bằng tiền mặt.

Con số khiêm tốn

Hiện nay, NHNN đang triển khai mạnh Đề án Thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020, theo mục tiêu được đưa ra, đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%. Tuy nhiên, những dẫn chứng và số liệu được đưa ra cho thấy việc thay đổi phương thức thanh toán từ tiền mặt sang phi tiền mặt ở Việt Nam vấp phải không ít khó khăn. Tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt khá khiêm tốn.

Phó Chủ tịch trung ương hội nông dân VN Phạm Tiến Nam nêu thực trạng: “Muốn người dân tích cực sử dụng phương thức thanh toán phi tiền mặt, thế nhưng trên thực tế, hệ thống cơ sở hạ tầng thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại vùng nông nghiệp, nông thôn còn ít. Mặc dù số lượng tài khoản ngân hàng gia tăng nhưng việc tiếp cận các dịch vụ ngân hàng truyền thống ở vùng sâu vùng xa hoặc nông thôn vẫn còn thấp.

Việc thanh toán qua thẻ tín dụng mới chỉ chủ yếu thiên về số lượng chứ chưa thiên về chất lượng, thanh toán thẻ vẫn qua rút tiền ATM là chủ yếu (chiếm tới 85%), chỉ có 15% là phát sinh qua thanh toán... Cơ sở hạ tầng phục vụ thanh toán phân bổ chưa đều, hệ thống máy ATM, POS được lắp đặt chủ yếu ở khu vực thành phố và tập trung ở các siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn… Trong khi đó, ở khu vực nông thôn, miền núi còn hạn chế gây khó khăn cho chủ thẻ khi sử dụng hàng ngày.

Ông Nam đề xuất muốn phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (KDTM), trước hết phải giúp cho mỗi người dân hiểu rõ những tiện ích của phương tiện thanh toán này. Nếu người dân có hiểu biết đầy đủ hơn thì họ sẽ cảm thấy an toàn hơn, thuận tiện và thoải mái hơn khi sử dụng dịch vụ mà ngân hàng cung cấp, từ đó tất yếu nảy sinh nhu cầu sử dụng.

Việc tuyên truyền một cách cụ thể cho các hoạt động thanh toán KDTM hiện nay trong nền kinh tế (chứ không phải tung hô cho các hình thức thanh toán mới) sẽ khiến khách hàng hiểu hơn, nắm được ưu nhược điểm của từng hình thức, rồi từ đó tự quyết định chọn lựa hình thức phù hợp nhất với mình. Có như vậy, những thay đổi này mới thực sự xuất phát từ nhu cầu tự thân và mới khiến cho khách hàng xóa đi thói quen và tập quán thanh toán chi tiêu bằng tiền mặt.

Giới chuyên gia cho rằng, các bộ, ngành nên có văn bản yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ công từng bước nâng cấp hệ thống hạ tầng, kỹ thuật để đáp ứng việc kết nối thanh toán với ngân hàng.

T.Hằng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tai-chinh/day-manh-thanh-toan-phi-tien-mat-tintuc418562