Đẩy mạnh tăng gia sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế

Mặc dù đóng quân ở thành phố, bị hạn chế về diện tích dành cho tăng gia sản xuất, tuy nhiên, những năm qua, BĐBP thành phố Đà Nẵng luôn chú trọng phát triển các mô hình để cải thiện đời sống, bữa ăn của bộ đội cũng như cảnh quan đơn vị. Mỗi mô hình được lựa chọn thể hiện sự sáng tạo, tâm huyết của cán bộ, chiến sĩ khi biết tận dụng những lợi thế để có hình thức tăng gia hiệu quả mà lại phù hợp với điều kiện đơn vị mình.

Chăm sóc đàn heo tại Khu căn cứ hậu cần phía sau của BĐBP thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Trúc hà

Chăm sóc đàn heo tại Khu căn cứ hậu cần phía sau của BĐBP thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Trúc hà

Xây dựng mô hình điểm

Khu căn cứ hậu cần phía sau của BĐBP thành phố Đà Nẵng được triển khai từ nguồn đầu tư ngân sách của Bộ Quốc phòng và UBND thành phố Đà Nẵng. Đứng chân trên địa bàn xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, là khu vực có nhiều rừng núi, Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố Đà Nẵng đã tận dụng địa hình này triển khai mô hình nuôi dê, nuôi heo rừng và trồng cây ăn quả.

Tuy nhiên, sau nhiều tính toán, Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố Đà Nẵng quyết định thay đổi để vừa phù hợp với năng lực, vừa đảm bảo lợi ích kinh tế. Theo đó, khu căn cứ giữ nguyên việc trồng rừng nhưng chuyển đổi nuôi dê, heo rừng thành chăn nuôi heo công nghiệp tập trung.

Nằm cách rất xa khu dân cư, trại chăn nuôi heo công nghiệp tập trung được đầu tư kinh phí gần 9 tỷ đồng. Trại được vận dụng xây dựng theo mẫu thiết kế của Cục Quân nhu Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng, tất cả các khâu chăn nuôi đều tuân thủ nghiêm ngặt các nội quy, khi vào trang trại thì có bộ phận xử lý diệt vi trùng, vi khuẩn để tránh gây mầm mống bệnh cho vật nuôi.

Trang trại luôn có 900-1.200 con heo, thậm chí cao điểm lên đến 1.300 con heo các loại sẵn sàng cho xuất chuồng theo chu kỳ 5 tháng xoay vòng, bảo đảm trọng lượng heo xuất bán thịt đạt 100-110kg/con.

Khu chuồng trại này được bố trí khép kín với thiết kế mô hình nhà nuôi công nghiệp. Đây là hệ thống được lắp đặt theo tiêu chuẩn của nước ngoài và đã được áp dụng ở nhiều trang trại khác trên cả nước. Trang trại chăn nuôi được giao cho các quân nhân quản lý.

Thiếu tá Nguyễn Trí Tuệ, nhân viên Phòng Hậu cần, BĐBP thành phố Đà Nẵng được giao phụ trách các mô hình phát triển kinh tế từ ngày đầu thành lập Khu căn cứ hậu cần phía sau. Quá trình làm việc, anh luôn được đánh giá không chỉ có chuyên môn mà còn có tâm huyết với công việc.

Trước khi triển khai mô hình nuôi heo công nghiệp tập trung, anh đã tới nhiều trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam để tham quan và học việc. Sự cẩn trọng và tỉ mỉ giúp anh rút ra được những bài học kinh nghiệm để áp dụng vào thực tế, đem lại hiệu quả cao trong công việc.

Theo Thiếu tá Nguyễn Trí Tuệ, chuồng nuôi heo được bố trí thêm 6 mâm cám để rút ngắn thời gian ăn và heo có thời gian ngủ trưa và tắm mát. Chuồng trại khô ráo nhằm chống dịch bệnh là một trong những yếu tố tiên quyết để có đàn heo khỏe mạnh.

Phương pháp chăn nuôi trong Khu căn cứ hậu cần phía sau là: Đối với những con heo phát triển tốt nhất được bố trí nằm gần hệ thống nước tạo sương. Trong khi đó, những con phát triển trung bình hoặc kém hơn được bố trí về phía cuối chuồng. Cách này sẽ giúp bầy heo phát triển cân bằng. Việc chăm sóc đàn heo luôn được chú trọng cả ngày lẫn đêm, đặc biệt, người nuôi phải để mắt đến những con có biểu hiện biếng ăn và tách riêng chúng để điều trị.

Đặc biệt, trước khi xuất bán nửa tháng thì kháng sinh không được sử dụng để bảo đảm cho nguồn thực phẩm sạch phục vụ người tiêu dùng. Sau 5 tháng nuôi công nghiệp khép kín, heo được bán cho chính nhà đầu tư theo giá thị trường. Theo đánh giá của đơn vị, ưu điểm của heo nuôi trong trang trại của bộ đội thì chất lượng thịt đạt các chỉ số cao về an toàn thực phẩm, không có dư lượng kháng sinh và các chất tăng trọng khác.

Điều đáng nói, trong suốt thời gian xảy ra dịch tả lợn châu Phi vừa qua, nhiều trang trại thua lỗ, phải đóng cửa, không thể tái đàn thì tại Khu căn cứ hậu cần phía sau của BĐBP thành phố Đà Nẵng vẫn “xuất chuồng” đúng thời gian, đúng kế hoạch.

Sự chuyển biến của các đơn vị

Đại tá Tôn Quốc Khánh, Chỉ huy trưởng BĐBP thành phố Đà Nẵng nhìn nhận, mô hình chăn nuôi tại Khu căn cứ hậu cần phía sau đã trở thành mô hình tiêu biểu trong toàn lực lượng, được đánh giá cao trong triển khai thực hiện phong trào thi đua xây dựng và quản lý doanh trại chính quy xanh - sạch - đẹp của lực lượng BĐBP. Đến nay, nhiều tỉnh, thành phố khác đã đến Khu Căn cứ hậu cần phía sau của BĐBP thành phố Đà Nẵng để tham quan và học tập kinh nghiệm. Đặc biệt, từ mô hình tăng gia sản xuất phát triển kinh tế tại Khu Căn cứ hậu cần phía sau trở thành “gợi ý” cũng như “động lực” thi đua tăng gia sản xuất cho các các đồn Biên phòng, Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng và Hải đội 2. Vì đóng quân ở thành phố, diện tích dành cho tăng gia có hạn nên các mô hình của các đơn vị cũng rất hạn chế. Việc tăng gia có thể không mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng cũng góp phần cải thiện đời sống cán bộ, chiến sĩ và đặc biệt nó thể hiện sự ham học hỏi, nhất là kỹ thuật mới trong tăng gia.

Mô hình trồng rau trong nhà kính của Đồn Biên phòng Non Nước. Ảnh: Trúc Hà

Thực tế, tùy theo tình hình, điều kiện mà các đơn vị có mô hình tăng gia sản xuất phù hợp, không theo mô típ cụ thể. Điều này thể hiện rõ nét khi điểm qua các mô hình của các đơn vị trong BĐBP thành phố Đà Nẵng. Vì khuôn viên đơn vị hẹp, Đồn Biên phòng Non Nước lựa chọn cho mình mô hình trồng rau thủy canh, xếp tầng giúp tiết kiệm được tối đa diện tích. Nhận được sự đánh giá cao của Bộ Chỉ huy và chính quyền địa phương, Đồn Biên phòng Non Nước tiếp tục đầu tư xây dựng mô hình trồng rau trong nhà kính, chăm sóc hữu cơ với tiêu chuẩn VietGAP.

Không chỉ vậy, khuôn viên của Đồn Biên phòng Non Nước cũng được “làm đẹp” bằng vườn cây ăn quả có giá trị cao như xoài cát Bình Định, xoài Úc... Còn cán bộ, chiến sĩ Trạm Kiểm soát Biên phòng cửa khẩu cảng Tiên Sa tận dụng các bể chứa để triển khai mô hình nuôi cá trê, cá rô thể hiện sự nhanh nhạy trong việc tranh thủ cơ sở vật chất để tăng gia sản xuất. Đặc biệt, Đồn Biên phòng Hải Vân đã trao đổi bò giống với Khu Căn cứ hậu cần phía sau để phát triển đàn bò tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Hòa Vân. Cán bộ, chiến sĩ cũng tranh thủ phát triển đàn dê khi tận dụng được diện tích rừng tự nhiên xung quanh đơn vị.

Như vậy, có thể thấy, các mô hình tăng gia sản xuất trở thành điểm nhấn của BĐBP thành phố Đà Nẵng khi đã khắc phục được những khó khăn do điều kiện khách quan mang lại. Giá trị của các mô hình tăng gia sản xuất đã đem lại nguồn lợi không nhỏ để nâng cao chất lượng bữa ăn cho bộ đội cũng như xây dựng quỹ đơn vị phục vụ cho các hoạt động ý nghĩa như: Hỗ trợ học sinh trong Chương trình “Nâng bước em tới trường”, mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng” hay tặng sinh kế cho các hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn...

Trúc Hà- Bá Vĩnh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/day-manh-tang-gia-san-xuat-phu-hop-voi-dieu-kien-thuc-te-post433475.html