Đẩy mạnh tăng đàn, tái đàn và đảm bảo an toàn sinh học

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, ngoài các chính sách của Chính phủ thì tăng đàn, tái đàn là giải pháp căn cơ để bình ổn giá thịt lợn.

 Đoàn công tác Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu đã kiểm tra công tác tái đàn lợn. Ảnh: Hưng Giang

Đoàn công tác Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu đã kiểm tra công tác tái đàn lợn. Ảnh: Hưng Giang

Chiều 22/5, đoàn công tác Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu đã kiểm tra công tác tái đàn lợn tại trại lợn nái ở xã Lương Tài (huyện Văn Lâm, Hưng Yên) của Công ty Cổ phần C.P Việt Nam.

Tính đến hiện tại tổng đàn heo nái gồm cả cụ kỵ, ông bà, bố mẹ của Công ty là khoảng 310.000 con (trong đó có khoảng 1.200 con lợn cụ kỵ, hơn 50.000 lợn ông bà, và 260.000 lợn bố mẹ), theo C.P.

Hiện ở trại này, Công ty đang nuôi khoảng 1.200 lợn nái. Sau khi lợn con đẻ ra được trên 3 tuần tuổi sẽ được chuyển sang các trang trại nuôi heo thịt khác.

Hướng tới mục tiêu tăng đàn, tái đàn thì phải giải quyết được bài toán con giống cho các hộ chăn nuôi, rất cần có sự giúp sức, đồng hành của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn.

Theo ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần C.P Việt Nam, các doanh nghiệp đã giữ được đàn cụ kỵ, ông bà để sản xuất đàn bố mẹ, cần cố gắng làm sao tăng được nguồn cung con giống cho người chăn nuôi.

Nếu như trước đây, khi lựa chọn đàn nái, C.P Việt Nam chọn không quá 70%, thì hiện tại, tỷ lệ này được tăng lên 80%.

Trong đó, phần 70% lựa chọn theo tiêu chuẩn trước đây, công ty tăng đưa ra ngoài để cung cấp cho các hội chăn nuôi. Bù lại, công ty đưa toàn bộ phần chọn thêm vào nuôi trong nội bộ, vì kỹ thuật chăn nuôi và khả năng thay nái cao hơn.

Trại lợn được đảm bảo an toàn sinh học. Ảnh: Hưng Giang

Do nguồn con giống ở phía Bắc đang rất khan hiếm, C.P Việt Nam đang đẩy mạnh việc đưa lợn hậu bị, lợn giống từ các trang trại của công ty ở miền Trung ra các trang trại ngoài Bắc, nhằm tăng nguồn cung con giống cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

C.P Việt Nam chia các trang trại thành 3 nhóm để tư vấn cách tái đàn sao cho phù hợp và an toàn nhất. Chẳng hạn, với nhóm trang trại trước đây chưa bị bệnh, nhưng do tình hình dịch bệnh và thiếu vốn nên buộc phải giảm đàn, thì sẽ hướng dẫn thực hiện cách ly thế nào, củng cố chuồng trại ra sao nhằm nâng cao an toàn sinh học.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao công tác phòng, chống dịch bệnh, tăng đàn, tái đàn đảm bảo an toàn sinh học của trang trại nói riêng và công ty nói chung.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao công tác phòng, chống dịch bệnh, tăng đàn, tái đàn đảm bảo an toàn sinh học của trang trại nói riêng và của công ty nói chung.

Về việc bình ổn giá thịt lợn thời gian tới, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng: Bên cạnh các chính sách của Chính phủ, tăng đàn, tái đàn là giải pháp căn cơ để bình ổn giá thịt lợn.

Ngoài ra, người dân cũng phải thay đổi thói quen sử dụng thịt lợn bằng nguồn thực phẩm khác thay thế.

HƯNG GIANG

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/day-manh-tang-dan-tai-dan-va-dam-bao-an-toan-sinh-hoc-d264930.html