Đẩy mạnh quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài

Năm qua đã có những thành tựu lớn trong hợp tác, giao lưu và hội nhập quốc tế ở lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch (VHTT&DL).

Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với ông Trần Nhất Hoàng, Phó cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTT&DL) về hoạt động hợp tác, giao lưu và hội nhập quốc tế của của ngành văn hóa.

 Ông Trần Nhất Hoàng.

Ông Trần Nhất Hoàng.

Phóng viên (PV): Hoạt động hợp tác, giao lưu, hội nhập của Việt Nam với các nước trong những lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch năm 2018 có gì đặc biệt, thưa ông?

Ông Trần Nhất Hoàng: Năm 2018 là năm quan trọng của Việt Nam trên bình diện hợp tác quốc tế, là năm chúng ta kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều quốc gia đối tác quan trọng. Có những sự kiện là điểm sáng, như: Tuần Văn hóa-Du lịch Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức tại 3 thành phố lớn của Canada; 3 sự kiện lễ hội văn hóa Việt Nam tại Nhật Bản thu hút hàng trăm nghìn lượt người tham dự; lần đầu tiên dàn nhạc giao hưởng Việt Nam trình diễn những tác phẩm quốc tế và Việt Nam tại nhà hát Nhật Bản với sự tham dự của Nhật hoàng Akihito; tuần văn hóa Việt Nam đầy màu sắc tại Anh… Bên cạnh đó là tổ chức những ngày văn hóa Việt Nam tại Belarus, Ukraina, Lào, Campuchia, Malaysia… Tất cả tạo nên một năm với những hoạt động văn hóa đối ngoại, kết hợp quảng bá du lịch sôi động.

Biểu diễn nghệ thuật trong khuôn khổ Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Belarus. Ảnh: MINH NAM.

Năm 2018 cũng là năm thương hiệu du lịch, văn hóa Việt Nam thành công khi các điểm đến nổi bật trong nước được xếp hạng và ghi danh điểm đến hàng đầu thế giới tại hầu hết các trang tin, tạp chí và hệ thống truyền thông chuyên ngành văn hóa-du lịch lớn quốc tế lớn, như: National Geographic, Code Nast Traveler, Travel and Leisure… Nhiều đoàn truyền hình, làm phim thế giới cũng bắt đầu tìm đến Việt Nam như một điểm đến hấp dẫn để thực hiện các chương trình truyền hình thực tế, khám phá, tìm hiểu về văn hóa, du lịch Việt Nam...

PV: Thưa ông, những hoạt động đó đang góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam?

Ông Trần Nhất Hoàng: Thực ra, khái niệm xây dựng “thương hiệu Việt Nam” gắn với những giá trị tốt đẹp đã được thế hệ ông cha ta xây dựng từ trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Khi đó ta có một cơ quan là Ủy ban Liên lạc văn hóa với nước ngoài với chức năng chính là vận động thế giới ủng hộ Việt Nam, ủng hộ tính chính nghĩa của Việt Nam. Có thể nói, đó là một trong những cơ quan xây dựng hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế từ rất sớm. Chúng ta đang được thừa hưởng một di sản lớn, đó là truyền thống yêu nước và dũng cảm của dân tộc được bạn bè thế giới khâm phục, ngưỡng mộ.

Năm vừa qua, thương hiệu Việt Nam có sự trỗi dậy mạnh mẽ qua nhiều sự kiện. Tiêu biểu như việc đội tuyển bóng đá U.23 Việt Nam chiến đấu ngoan cường và chiến thắng các đội tuyển bóng đá mạnh của châu lục… Điều này có giá trị lớn về quảng bá thương hiệu quốc gia. Một lần nữa, tinh thần quả cảm, không lùi bước trước khó khăn của người Việt lại được nhắc đến trên các phương tiện thông tin quốc tế, góp thêm vào sức mạnh cho “thương hiệu Việt Nam”.

Cùng với đó, cảnh quan kỳ vĩ và thơ mộng, nhiều di sản UNESCO và các món ăn ngon… đem lại những thuận lợi lớn khi ta xây dựng thương hiệu Việt Nam với quốc tế. Nếu biết tận dụng tốt, thương hiệu Việt Nam sẽ mang đến sức mạnh, bên cạnh uy tín quốc gia còn là kinh tế, thương mại…

PV: Chúng ta đã có Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, nhưng dường như tính thương hiệu chưa mạnh để hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Theo ông, chúng ta cần thay đổi tư duy như thế nào để thích ứng hiệu quả trong thời gian tới?

Ông Trần Nhất Hoàng: Với chúng ta thì khái niệm “công nghiệp văn hóa” còn khá mới mẻ, trong khi nhiều nước trong khu vực đã rất thành công, như: Nhật Bản, Hàn Quốc… Để thực hiện thành công công tác này đòi hỏi nhiều yếu tố, đặc biệt là từ chính sách vĩ mô, từ những định hướng, hỗ trợ của Nhà nước. Bên cạnh chính sách, điều rất cần là tư duy, là phản xạ về khai phá các ngành “công nghiệp văn hóa” này. Đơn cử trong quá trình giao lưu rộng mở với quốc tế, mọi cánh cửa đều mở ra theo một chuẩn chung. Từ từng đơn vị nghệ thuật, từng con người làm văn hóa đều phải đáp ứng những chuẩn cơ bản của sân chơi quốc tế, để chào đón và đáp ứng những cơ hội. Tôi từng được giám đốc một nhà hát của Nhật Bản hỏi để giới thiệu chương trình nghệ thuật tiêu biểu của Việt Nam, tôi thử cho họ xem trang web của nhà sản xuất chương trình xiếc “Làng tôi” và “À Ố show”. Vị khách Nhật Bản đó đã sang Việt Nam, thương thảo và mời đoàn lưu diễn rất thành công ở Nhật Bản trong năm qua. Chúng ta có tiềm năng, có những tài năng, chúng ta cần có tư duy biến đó thành những “sản phẩm văn hóa để bán”, không chỉ góp phần quảng bá Việt Nam, mà đem lại nguồn lợi kinh tế bằng sản phẩm văn hóa của mình. Để hòa nhập vào dòng chảy của thế giới, bên cạnh những sáng tạo, tư duy mới, tư duy về tính đại chúng, nghiên cứu “thị hiếu khách hàng”, những ứng dụng công nghệ đang hỗ trợ đắc lực cho quá trình “rao bán những sản phẩm văn hóa có giá trị”.

Trên cơ sở thành tựu của năm qua, năm 2019, ngành VHTT&DL tiếp tục đặt ra những kế hoạch, mục tiêu lớn trong công tác đối ngoại và quảng bá văn hóa Việt Nam. Chúng ta sẽ không ngừng thúc đẩy sự năng động, hội nhập chủ động của Việt Nam với quốc tế về văn hóa, du lịch, xây dựng thương hiệu Việt Nam, từng bước thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam xứng tầm với tiềm năng đất nước.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

HUY AN (thực hiện)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/du-lich/day-manh-quang-ba-van-hoa-viet-nam-ra-nuoc-ngoai-566314