Đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, sáng tạo

Thời gian qua, phong trào phát huy sáng kiến, sáng tạo trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đã được Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội xây dựng kế hoạch, triển khai tới 100% công đoàn cơ sở trực thuộc. Nhờ vậy, thúc đẩy phong trào thi đua dạy tốt - học tốt, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các nhà trường.

Theo Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội Đỗ Văn Nam, tiêu biểu cho phong trào phát huy sáng kiến, sáng tạo là các cán bộ quản lý - những người luôn gương mẫu, đi đầu trong hoạt động đổi mới, sáng tạo.

Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội Trần Thị Thu Hà và Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội Đỗ Văn Nam trao Giấy khen cho 35 cá nhân đạt danh hiệu sáng kiến sáng tạo ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô năm học 2019 - 2020.

Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội Trần Thị Thu Hà và Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội Đỗ Văn Nam trao Giấy khen cho 35 cá nhân đạt danh hiệu sáng kiến sáng tạo ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô năm học 2019 - 2020.

Có thể kể đến cô giáo Lưu Thị Lập (Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Hoàng Cầu) - người đã có nhiều ý tưởng đổi mới trong quản lý, nhất là quản lý chuyên môn để nâng cao trình độ đội ngũ vừa hồng vừa chuyên.

Với đề tài sáng kiến kinh nghiệm “Phát huy quyền tự chủ trong công tác quản lý chuyên môn ở trường Trung học phổ thông Hoàng Cầu, thành phố Hà Nội”, cô giáo Lưu Thị Lập đã đề ra các giải pháp như: Tự chủ trong quản lí xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường; tự chủ trong chuẩn bị bài giảng, thiết kế giáo án lên lớp, thiết kế các hoạt động chuyên đề; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn; tăng cường phối hợp các lực lượng... Từ đó nâng cao nhận thức, phát huy quyền tự chủ trong các hoạt động chuyên môn của giáo viên, thúc đẩy chất lượng giáo dục nhà trường.

Hay tại trường Trung học phổ thông Phúc Lợi - một ngôi trường mới thành lập được 6 năm. Khi mới về trường, nhà trường còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu cảnh quan môi trường sư phạm phục vụ hoạt động dạy và học. Xác định xã hội hóa giáo dục là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm huy động mọi nguồn lực của toàn xã hội để nâng cao chất lượng giáo dục, thầy giáo Nguyễn Quý Xuân (Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Phúc Lợi) đã nghiên cứu và triển khai đề tài về xã hội hóa giáo dục, đề ra các biện pháp quản lý có tính khoa học, tính thực tiễn cao về xã hội hóa giáo dục trong xây dựng nhà trường đạt chuẩn quốc gia.

Đề tài đã được áp dụng thành công về mang lại hiệu quả rất tốt. Cơ sở vật chất phục vụ dạy, học được tăng cường; cảnh quan sư phạm xanh - sạch - đẹp. Trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Biện pháp quản lý đề ra trong đề tài có thể áp dụng cho các trường học trong cả nước.

Tương tự, thầy giáo Phạm Văn Hoan (Hiệu trưởng trường Phổ thông cơ sở Xã Đàn - một ngôi trường dạy trẻ khiếm thính) đã có nhiều ý tưởng đổi mới trong việc xây dựng cảnh quan nhà trường xanh - sạch - đẹp; bồi dưỡng đội ngũ giáo viên nhân viên; xây dựng văn hóa nhà trường; kêu gọi được nhiều tổ chức hỗ trợ học sinh khó khăn, đưa các phong trào thi đua của nhà trường ngày càng đi lên. Với sáng kiến đổi mới trong quản lý, thầy giáo Phạm Văn Hoan đã được Hội đồng Sáng kiến kinh nghiệm cấp ngành xếp loại A trong năm học 2018 - 2019.

Bên cạnh các cán bộ quản lý, rất nhiều giáo viên trong các nhà trường cũng tích cực thi đua đổi mới, sáng tạo trong dạy và học; tích cực nghiên cứu, áp dụng các phương pháp dạy học tiên tiến; quan tâm đến ứng dụng kiến thức dạy học vào thực tiễn đời sống theo định hướng giáo dục STEM; hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học, tham gia các kỳ thi cấp Thành phố, cấp Quốc gia, Quốc tế đạt nhiều giải cao. Đặc biệt, nhiều thầy cô giáo với những ý tưởng đổi mới, sáng tạo, áp dụng vào thực tiễn giảng dạy đạt hiệu quả cao, sau đó đúc rút thành những sáng kiến kinh nghiệm để chia sẻ những kinh nghiệm hay trong bạn bè đồng nghiệp.

Tiêu biểu như: Cô giáo Vũ Thị Thu Thủy (Giáo viên trường Trung học phổ thông Việt Nam - Ba Lan) được chọn dạy trên truyền hình Hà Nội trong đợt dịch Covid-19, có sáng kiến kinh nghiệm “Dạy học hướng STEM” 2019 - 2020; cô giáo Nguyễn Thị Minh Nguyệt (Chủ tịch Công đoàn trường Trung học phổ thông Chương Mỹ A) tham gia đề tài nghiên cứu khoa học cấp ngành năm học 2019 - 2020, đạt sáng kiến kinh nghiệm cấp thành phố năm 2019, đạt danh hiệu "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo năm 2018";

Thầy giáo Lê Hồng Quang (Tổ trưởng Tổ Toán - Tin trường Trung học phổ thông Xuân Giang) tham gia đề tài cấp Bộ năm 2019, đạt giải Nhất Công nghệ thông tin cấp thành phố; thầy giáo Phạm Anh Toàn (Tổ trưởng chuyên môn trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai) đạt giải Nhất giáo viên dạy giỏi môn Toán thành phố năm học 2018 - 2019, sáng kiến kinh nghiệm loại B cấp ngành năm học 2017 - 2018 cùng rất nhiều các thầy cô giáo với nhiều đổi mới sáng tạo trong dạy học, trong công tác chủ nhiệm và hoạt động phong trào đã đóng góp không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng giáo dục Thủ đô.

Thời gian tới đây, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội mong muốn các nhà giáo tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, không ngừng tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ, có nhiều hơn nữa những đổi mới, sáng tạo hiệu quả trong quản lý và giảng dạy để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, góp phần tích cực vào việc thực hiện Nghị quyết số 29-BCH TW về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo.

T.P

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/day-manh-phong-trao-phat-huy-sang-kien-sang-tao-110075.html