Đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam

Sau hơn 10 năm triển khai, Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam' (Cuộc vận động) đã giúp phát huy sức mạnh của gần 100 triệu người Việt Nam. Đồng thời, phát triển thị trường trong nước với hệ thống phân phối rộng khắp, đáp ứng đầy đủ hàng hóa cho người tiêu dùng, kể cả trong bối cảnh dịch bệnh với chất lượng ngày càng tăng cao.

Phát triển thị trường trong nước rộng khắp, hiệu quả

Là một trong những cơ quan nòng cốt trong triển khai Cuộc vận động, Bộ Công Thương đã cụ thể hóa những nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động thành các hoạt động, chương trình, Đề án, mở ra đường hướng, nhu cầu, cơ chế hợp tác, tạo ra sự liên kết bền vững trong cộng đồng doanh nghiệp, hỗ trợ kết nối cho các doanh nghiệp Việt Nam, ngay cả với doanh nghiệp vừa và nhỏ trên thị trường trong nước.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 17 tháng 9 năm 2012 về việc tăng cường thực hiện Cuộc vận động, Bộ Công Thương (với đơn vị đầu mối là Vụ Thị trường trong nước) đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 634/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2014 phê duyệt Đề ánPhát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động giai đoạn 2014-2020 (Đề án 634). Đây là một trong những giải pháp quan trọng phát triển thị trường trong nước giai đoạn 2014-2020.

Đến nay, sau 6 năm triển khai, Đề án 634 đã cơ bản hoàn thành được mục tiêu tổng quát “Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt Nam thông qua tập trung nguồn lực đẩy mạnh nhóm các hoạt động phát triển thị trường với tên gọi Tự hào hàng Việt Nam”.

Hàng Việt chiếm tỷ lệ cao ở hệ thống phân phối

Hàng Việt chiếm tỷ lệ cao ở hệ thống phân phối

Thông qua việc tuyên truyền thường xuyên và liên tục các nội dung với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” gắn với Cuộc vận động, lồng ghép với tuyên truyền, quảng bá cho hàng Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam uy tín (ưu tiên doanh nghiệp nhỏ và vừa), bên cạnh đó tuyên truyền, quảng bá cho Cuộc vận động của Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động và của các Bộ, ngành, địa phương với khoảng 3000 chuyên mục, tin, bài trên các phương tiện truyền thông có lượng người theo dõi cao; Thiết lập trên 100 Điểm bán hàng Việt Nam tại 61 địa phương trên cả nước; Thực hiện khoảng 100 lớp hỗ trợ đào tạo, tư vấn cho khoảng 7.000 học viên bao gồm nhiều thành phần, tầng lớp đến từ các doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa), hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh Việt Nam,…

Trong đó, các hoạt động kết nối cung cầu đã được nhiều cấp, nhiều ngành triển khai rộng khắp và hiệu quả, đã có hơn 1.000 hội nghị kết nối cung cầu được các địa phương trên cả nước tổ chức, có sự tham gia của hầu hết các doanh nghiệp sản xuất với các nhà phân phối lớn. Đây là cơ sở quan trọng để khi dịch bệnh Covid -19 xảy ra, chuỗi liên kết cung ứng đã kịp thời “kích hoạt”, nhanh chóng gia tăng lượng dự trữ hàng hóa gấp nhiều lần bình thường, đáp ứng nhu cầu hàng hóa ở mỗi địa phương. Đồng thời cũng là nguồn lực cho phép các Sở Công Thương chuẩn bị sẵn “phương án tác chiến”, kết nối giữa sản xuất và phân phối; cập nhật các kịch bản ứng phó với dịch bệnh theo 5 cấp độ.

Từ những kết quả nêu trên, Đề án 634 đã là một trong những hoạt động thiết thực nhằm hưởng ứng Cuộc vận động, mang lại hiệu quả tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2014-2020 vừa qua. Theo đó, đề án đã góp phần tăng tổng mức bán lẻ hàng năm, giúp phát triển thị trường trong nước: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn 2014-2019 tăng khá ở mức 10-12% so với năm trước. Bên cạnh đó, giúp duy trì, tăng tỷ trọng hàng Việt Nam tại hệ thống phân phối trong nước. Hiện trong hệ thống siêu thị của một số doanh nghiệp trong nước, hàng hóa sản xuất trong nước vẫn chiếm tỷ trọng lớn từ 80% - 90%;

Hệ thống phân phối đã được phát triển mạnh mẽ, không ngừng cải tiến, đa dạng hóa, từ đó mang đến một diện mạo mới cho ngành bán lẻ Việt Nam. Đến năm 2019, cả nước đã có 8.500 chợ, 1.085 siêu thị và 240 trung tâm thương mại, hàng nghìn cửa hàng tiện lợi và chuyên doanh hiện đại hoạt động theo mô hình chuỗi đang phát triển khá nhanh ở các thành phố lớn.

Công nghệ hiện đại, sản phẩm chất lượng giúp chinh phục tốt người tiêu dùng

Đề án cũng góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo chiều hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỉ trọng trong GDP của khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm từ mức 17% của năm 2015 xuống 13,96% vào năm 2019. Trong khi đó, tỉ trọng của khu vực dịch vụ tăng từ mức 39,73% của năm 2015 lên 41,64 % trong năm 2019. Vai trò quan trọng của thị trường trong nước, đặc biệt là trong bối cảnh của dịch bệnh Covid-19 ngày càng được khẳng định khi các tổ chức quốc tế như WB, IMF, ADB… đều đặc biệt đánh giá cao vai trò của thị trường trong nước tại Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 nghiêm trọng như vừa qua. Nhờ đó, hàng hóa trong nước vẫn được sản xuất, lưu thông thường xuyên, không những đủ đáp ứng cho thị trường trong nước, bảo đảm nhu cầu cho người dân mà còn xuất khẩu ra các quốc gia trên thế giới. Cuộc vận động cũng góp phần chuyển dịch từ nhập siêu sang xuất siêu. Nếu năm 2015, Việt Nam nhập siêu 3,2 tỷ USD; đến năm 2019, Việt Nam xuất siêu 11,12 tỷ USD.

Đặc biệt, nhận thức về thói quen và hành vi tiêu dùng hàng Việt của người tiêu dùng đã có những chuyển biến đáng kể với 88% người tiêu dùng cho biết họ quan tâm đến cuộc vận động; 67% người “Tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Nhờ vậy, hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là hàng hóa thiết yếu, hàng hóa chống dịch (khẩu trang, nước rửa tay, chất tẩy rửa, kit phát hiện bệnh…) đã được sản xuất và phân phối phục vụ đầy đủ nhu cầu của gần 100 triệu người dân trước khi bùng phát dịch bệnh Covid - 19 tại Việt Nam, ngay trong giai đoạn cách ly toàn xã hội và trong giai đoạn bình thường mới hiện nay.

Tiếp tục phát huy tối đa vai trò của thị trường trong nước

Với các giải pháp mạnh mẽ, hiện Việt Nam đã ngăn chặn, kiểm soát, đẩy lùi dịch Covid-19. Tuy nhiên tình hình dịch trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tác động trực tiếp đến các ngành xuất, nhập khẩu và hoạt động thương mại của thị trường nội địa.

Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 06/CT-BCT ngày 11 tháng 3 năm 2020 về việc tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của ngành Công Thương trước những diễn biến mới của dịch bệnh Covid - 19, trong đó, để bình ổn thị trường, Bộ Công Thương (đầu mối là Vụ Thị trường trong nước) đã chỉ đạo, đôn đốc các địa phương có phương án bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của địa phương theo từng cấp độ diễn biến của dịch bệnh và kế hoạch hỗ trợ cung ứng cho các địa phương khác khi cần thiết, bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân trong mọi tình huống theo phương châm 4 tại chỗ “chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hệ thống phân phối tại chỗ, hàng hóa tại chỗ” và 3 sẵn sàng "chủ động nguồn hàng, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương”.

Mặc dù tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 8 tháng đầu năm giảm 0,02% so với cùng kỳ năm 2019 nhưng riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa 8 tháng (chiếm 79,2% tổng mức) vẫn tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, đây được cho là kết quả tích cực. Thị trường trong nước đã thực sự là bệ đỡ cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước; ngành phân phối là một trong những động lực để chống đứt gãy các chuỗi cung ứng,phát triển kinh tế trong thời kỳ mới vừa chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Trong giai đoạn tới, phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng nội địa là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhằm tiếp tục triển khai các chủ trương của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới (đã tham gia các hiệp định thương mại CPTPP, EVFTA…), đặc biệt, trong tình hình dịch Covid - 19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới và tại Việt Nam. Ngày 25 tháng 8 năm 2020, Bộ Công Thương đã có Công văn số 6312/BCT-TTTN gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện Đề án 634/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2014 phê duyệt Đề án“Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động giai đoạn 2014-2020 và đề xuất tiếp tục triển khai giai đoạn 2021-2025, trong đó bổ sung thêm các cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm, mở rộng kênh phân phối hàng Việt thuận tiện, linh hoạt; đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp từ sản xuất đến tiêu dùng, đặc biệt là thương mại điện tử cả trong và ngoài nước để mở rộng thị trường tiêu thụ hàng Việt Nam.

Bảo Ngọc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/day-manh-phat-trien-thi-truong-trong-nuoc-gan-voi-cuoc-van-dong-nguoi-viet-nam-uu-tien-dung-hang-viet-nam-143795.html