Đẩy mạnh phát triển mạng lưới đại lý thu

Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Đắk Lắk và Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh này vừa ký kết Chương trình phối hợp thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT).

Phổ biến chính sách, quy định về BHXH, BHYT cho người dân ở một buôn của TP.Buôn Ma Thuột - Ảnh: Trung Chuyên

Chương trình nhằm phát huy khả năng và thế mạnh của mỗi bên trong thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT ở địa phương.

Chương trình phối hợp cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển mạng lưới đại lý thu, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận và tham gia BHXH, BHYT.

Nhu cầu mở rộng mạng lưới

Những năm qua, BHXH tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều hoạt động tăng cường việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT; phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT; góp phần đẩy nhanh tiến độ bao phủ BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh. Một trong những hình thức mang lại hiệu quả thiết thực là mở rộng và phát triển hệ thống đại lý thu BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình theo cơ chế dịch vụ công đối với tổ chức, đơn vị theo quy định của Luật BHYT, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân tham gia BHXH, BHYT.

Theo Phòng Khai thác và thu nợ BHXH tỉnh Đắk Lắk, tính đến hết tháng 6.2018, toàn tỉnh đã ký hợp đồng với 4 hệ thống đại lý thu là: Bưu điện; UBND xã, phường, thị trấn; đơn vị sự nghiệp; tổ chức chính trị - xã hội với tổng cộng 593 nhân viên đại lý. Trong đó, đại lý thu Bưu điện là 212 người; đại lý thu UBND xã, phường, thị trấn là 278 người; đại lý đơn vị sự nghiệp 90 người; đại lý của tổ chức chính trị - xã hội 13 người.Việc hình thành, mở rộng mạng lưới đại lý thu đã góp phần thúc đẩy công tác thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT; trình tự, thủ tục tham gia và thụ hưởng chế độ đến các địa bàn dân cư. Từ đó, người dân dần được nâng cao nhận thức, thấy rõ lợi ích, trách nhiệm của việc tham gia BHXH, BHYT và quyền được hưởng chính sách BHXH, BHYT, góp phần tăng nhanh diện bao phủ BHXH, BHYT đảm bảo an sinh xã hội.

Tuy nhiên, theo nhiều đánh giá, mạng lưới đại lý thu trên thực tế vẫn còn mỏng, chưa bao phủ tất cả địa bàn. Ông Lê Xuân Khánh, Trưởng phòng Khai thác và thu nợ, cho rằng toàn tỉnh có 184 xã, phường, thị trấn thì tính bình quân mỗi đơn vị xã mới có 3 nhân viên đại lý thu; chưa kể những xã vùng 3 (vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn 100% người dân được cấp thẻ BHYT) chưa có hệ thống đại lý thu để phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. “Đặc thù Đắk Lắk là tỉnh miền núi, địa bàn rộng, giao thông đi lại phức tạp, nhất là vào mùa mưa lũ; lực lượng đại lý thu hiện tại cho thấy chưa đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng, điều kiện thuận lợi cho người dân khi tham gia BHYT. Do đó, việc phát triển mạng lưới đại lý thu là yêu cầu cần thiết từ thực tế”, ông Khánh nhìn nhận.

Tăng số lượng đại lý thu ở cơ sở

Mới đây, BHXH tỉnh và Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh Đắk Lắk đã ký kết Chương trình phối hợp thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT. Đây là nỗ lực mới nhằm hướng đến mục tiêu BHXH cho mọi người lao động, BHYT toàn dân, mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH, BHYT. Với Chương trình phối hợp này, BHXH các huyện, thị xã, thành phố có thêm cơ hội tiếp tục xây dựng, phát triển đội ngũ nhân viên đại lý thu đảm bảo chất lượng và số lượng, nhất là những địa bàn có tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT còn thấp và những xã vùng đặc biệt khó khăn. Qua đó, người dân dễ dàng tiếp cận chính sách BHXH tự nguyện, có điều kiện tham gia và thụ hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tuyên truyền để người dân sẵn sàng tiếp tục tham gia BHYT khi không còn thuộc diện được cấp thẻ BHYT hoặc hỗ trợ mức đóng.

Ngay sau khi chương trình phối hợp trên được ký kết, trong hai tháng 7 và 8.2018, BHXH các huyện, thị xã, thành phố đã phối hợp với Trung tâm DS-KHHGĐ huyện tổ chức 14 lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nhân viên đại lý thu BHXH, BHYT cho trên 2.000 học viên là cộng tác viên dân số trong toàn tỉnh. Tại các lớp tập huấn, học viên được nghe báo cáo viên truyền đạt một số kỹ năng cơ bản trong truyền thông, các hình thức truyền thông, những nội dung chính về chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình như xác định đối tượng tham gia, thủ tục tham gia, mức đóng, phương thức đóng, quyền lợi và mức hưởng… Các học viên cũng cùng thảo luận, chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tham gia BHXH, BHYT; nhất là những nội dung về mức đóng, mức hỗ trợ và mức hưởng khi tham gia BHXH tự nguyện, điều kiện được giảm trừ mức đóng khi tham gia BHYT hộ gia đình; việc thẩm định, xác nhận hộ gia đình làm nông, lâm nghiệp có mức sống trung bình; việc cấp, đổi thẻ BHYT; việc thông tuyến trong KCB BHYT; chất lượng KCB BHYT, chuyển tuyến KCB BHYT...

“Với lợi thế bám sát địa bàn dân cư, hằng ngày tiếp xúc với người dân, hiểu rõ hoàn cảnh từng hộ gia đình, sự tham gia của số lượng lớn cộng tác viên dân số với vai trò kiêm nhiệm nhân viên đại lý thu BHXH, BHYT sẽ đóng góp tích cực vào việc tuyên truyền, phổ biến các chính sách, chế độ về BHXH, BHYT ở cơ sở. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận và tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; góp phần cùng ngành BHXH thực hiện mục tiêu BHXH cho mọi người lao động, BHYT toàn dân”, ông Khánh đánh giá.

Nội dung phối hợp giữa hai ngành BHXH và DS-KHHGĐ tỉnh Đắk Lắk:

1. Xây dựng và quản lý hệ thống đại lý thu BHXH, BHYT từ tỉnh đến huyện, xã, phường, thị trấn và cộng tác viên DS-KHHGĐ thực hiện:

- Xây dựng và quản lý hệ thống đại lý thu BHXH, BHYT phù hợp với điều kiện thực tế từng huyện đảm bảo hoạt động có hiệu quả.

- Tổ chức tập huấn cho đội ngũ công chức, viên chức DS-KHHGĐ tại tỉnh, huyện, chuyên trách tại xã, phường, thị trấn và cộng tác viên DS-KHHGĐ về nghiệp vụ quản lý, kỹ năng tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT.

-Vận động các thành viên trong hộ gia đình tham gia BHXH, BHYT kết hợp giải thích về quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia; giải đáp những thắc mắc của người dân trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT.

- Thúc đẩy việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, đặc biệt tập trung cho những địa phương có tỷ lệ dân số tham gia BHXH, BHYT còn thấp.

- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, đối thoại chính sách BHXH, BHYT với các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các hộ gia đình chưa tham gia BHXH, BHYT về những quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia.

- Sử dụng các kênh truyền thông của Chi cục DS-KHHGĐ từ tỉnh đến cơ sở để tuyên truyền như: chuyên mục, tin, bài, trang thông tin điện tử..., lồng ghép nội dung tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt về DS-KHHGĐ tại cộng đồng dân cư.

2. Chỉ đạo Trung tâm DS - KHHGĐ và BHXH các huyện triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT:

- Tập trung, phối hợp chỉ đạo xây dựng hệ thống đại lý thu BHXH, BHYT tại địa bàn huyện trên cơ sở tự nguyện tham gia, không ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn, thực hiện đúng quy định.

- Vận động người thân của công chức, viên chức, cộng tác viên DS-KHHGĐ (không thuộc diện tham gia BHXH, BHYT bắt buộc) tham gia BHXH, BHYT.

- Tham gia giám sát và đề xuất biện pháp giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện đối với công tác phát hành thẻ, thu BHXH, BHYT, đăng ký khám chữa bệnh, thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT và các chế độ BHXH, đảm bảo thuận lợi cho người tham gia BHXH, BHYT.

Thông tin dịch vụ

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/ban-can-biet/day-manh-phat-trien-mang-luoi-dai-ly-thu-996040.html