Đẩy mạnh phát triển lưới điện thông minh khu vực phía Nam

Thực hiện đề án Phát triển lưới điện thông minh của Chính phủ, các đơn vị Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã và đang tập trung nhiều nguồn lực, tích cực triển khai và hoàn thành các mục tiêu của đề án.

Xu hướng tất yếu

Xây dựng lưới điện thông minh là một xu hướng phát triển tất yếu, được triển khai tại nhiều nước trên thế giới trong khoảng 10 năm trở lại đây, với lợi ích mang lại vô cùng to lớn.

Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVNHCMC), là đơn vị đi đầu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, trong việc nghiên cứu, xây dựng và triển khai lưới điện thông minh từ năm 2013. Với mục tiêu xây dựng một hệ thống lưới điện tiên tiến (thực hiện đồng bộ trên cả lĩnh vực quản lý vận hành lưới điện và dịch vụ khách hàng) nhằm nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho khách hàng, giảm tỷ lệ tổn thất điện năng, tăng năng suất lao động và tư vấn khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Trung tâm điều hành SCADA quản lý điều hành hệ thống điện thông minh

Trong qua trình thực hiện, EVNHCMC luôn cập nhật và điều chỉnh đề án để phù hợp với xu hướng chung của Ban chỉ đạo phát triển Lưới điện thông minh (LĐTM) tại Việt Nam và mới đây nhất là đề án xây dựng đô thị thông minh của UBND TP. Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Tấn Hưng – Trưởng ban Quan hệ Công đồng - EVNHCMC cho biết, việc nghiên cứu và xây dựng lưới điện thông minh là một nhu cầu tất yếu của ngành điện thành phố để phục vụ khách hàng, cũng như mang đến những giá trị gia tăng tốt nhất cho khách hàng sử dụng điện.

Quản lý vận hành từ xa

Để quản lý vận hành tự động lưới điện trên địa bàn thành phố (TP), EVNHCMC đã thành lập Trung tâm điều khiển từ xa, trung tâm này có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đó là theo dõi, giám sát tình hình cung cấp điện và điều khiển toàn bộ lưới điện trên địa bàn toàn TP bao gồm các trạm 110kV và các thiết bị đóng cắt trên lưới điện trung thế.

Trung tâm điều khiển theo dõi sự cố mất điện, cảnh báo tình trạng đầy tải, quá tải, lệch điện áp và nhanh chóng đưa ra giải pháp xử lý như tự động điều khiển từ xa các thiết bị đóng cắt để nhanh chóng tái lập hay cách ly thiết bị khỏi hệ thống.

Hạt nhân của trung tâm điều khiển này là hệ thống SCADA/DMS hiện đại, được EVNHCMC đưa vào vận hành chính thức từ tháng 3/2017, với nhiều trang thiết bị và chức năng tiên tiến như: Tính toán tối ưu, tự động hóa lưới điện, quản lý các khu vực lưới điện thông minh.

Trung tâm điều độ điện TP. Hồ Chí Minh

Bên cạnh đó, trạm không người trực giúp nâng cao năng suất lao động nhằm đáp ứng yêu cầu vận hành mà không tốn thêm nhân sự cũng như giúp các kỹ sư chủ động trong việc thực hiện các nhiệm vụ về bảo mật và an ninh. Dự kiến cuối năm 2018, đơn vị sẽ hoàn tất việc xây dựng 100% trạm 110kV không có người trực vận hành.

Theo ông Nguyễn Tấn Hưng, trong quý I/2018, EVNHCMC đã thực hiện thí điểm mô hình lưới điện thông minh tại 4 khu vực của TP như: Khu Công nghệ cao, quận 9; Khu dân cư Miếu Nổi, quận Phú Nhuận…

Dự án thí điểm này nhằm nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm tổn thất điện năng và sử dụng năng lượng điện tiết kiệm và hiệu quả trong khu vực. Khi đi vào hoạt động, lưới điện trung thế sẽ được vận hành theo mô hình tự động hóa với khả năng tự động phát hiện, cô lập sự cố và tái lập cung cấp điện cho các phân đoạn không bị ảnh hưởng bởi sự cố.

Không chỉ EVNHCMC, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cũng đã tập trung triển khai và đầu tư mở rộng LĐTM, nhằm tối ưu hóa công tác quản lý, chi phí vận hành lưới điện, đa dạng hóa các nguồn phát điện, nâng hiệu quả sử dụng điện, đảm bảo chất lượng điện, nâng cao dịch vụ cung cấp cho khách hàng.

EVNSPC đã hoàn thiện LĐTM, kết nối hệ thống SCADA các nhà máy điện, trạm biến áp (TBA) cấp điện áp từ 110kV trở lên thuộc phạm vi quản lý. Tháng 5/2017, EVNSPC đã vận hành chính thức hệ thống SCADA và kết nối SCADA điều khiển xa 206/208 trạm 110kV; Đối với các TBA 110kV khách hàng, hiện đã có 28/35 TBA 110kV đã kết nối SCADA về A2 và có 7/7 nhà máy điện khách hàng đã kết nối SCADA về A2…

Mang lại lợi ích cao nhất cho khách hàng

Thời gian qua, EVNHCMC đã tập trung vào công tác ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, xây dựng và phát triển lưới điện theo mô hình lưới điện thông minh, nhằm mang đến hiệu quả và lợi ích cao nhất cho khách hàng.

Theo đó, thông qua hệ thống tự động hóa lưới điện và tối ưu hóa phương thức vận hành, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho khách hàng, đồng thời xây dựng kho dữ liệu về thông tin mất điện để kết nối với kho dữ liệu dùng chung của TP cũng như đã cung cấp 100% các dịch vụ trực tuyến của ngành điện ở cấp độ 4 đến với khách hàng.

EVNHCMC tiếp tục cải thiện về chỉ số tiếp cận điện năng, hỗ trợ miễn phí công tác thử nghiệm và kết nối các dự án hệ thống điện mặt trời do khách hàng đầu tư vào lưới điện trên địa bàn TP; Ứng dụng hệ thống đo đếm dữ liệu công tơ điện tử từ xa (đến năm 2020 sẽ có 68% khách hàng được đo xa và đến năm 2022 sẽ có 100% khách hàng được đo xa).

Bên cạnh đó, EVNHCMC còn tập trung vào các ứng dụng khoa học công nghệ khác như: Ứng dụng công nghệ thi công, sửa chữa, bảo trì trên lưới điện đang mang điện (live-line working) để giảm thiểu tối đa cắt điện phục vụ công tác trên lưới điện; đẩy mạnh ứng dụng toàn diện công nghệ thông tin thông qua việc xây dựng các phần mềm dùng chung, đặc biệt là các ứng dụng trên nền hệ thống thông tin địa lý (GIS) để nâng cao năng lực quản lý lưới điện của đội ngũ kỹ sư, cán bộ ngành điện TP.

Những thành công mà EVNSPC và EVNHCMC nói riêng và của EVN nói chung đạt được trong việc triển khai LĐTM, đã góp phần nâng cao chất lượng điện năng, độ tin cậy cung cấp điện và góp phần tối ưu hóa công tác quản lý, chi phí vận hành lưới điện… đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội bền vững, chứng tỏ hướng đi đúng của ngành điện.

Minh Khuê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/day-manh-phat-trien-luoi-dien-thong-minh-khu-vuc-phia-nam-109745.html