Đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp bền vững

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, hôm nay (8-3), không khí lạnh gây mưa dông tại Bắc Bộ và Trung Bộ, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Từ ngày 9 đến 16-3, Bắc Bộ và Trung Bộ duy trì trạng thái thời tiết mưa nhỏ, mưa phùn và có sương mù vào sáng sớm, đêm trời rét. Nam Bộ không mưa, ngày nắng, có nơi nắng nóng.

Cán bộ Công ty TNHH Lâm nghiệp Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang) kiểm tra quá trình phát triển rừng trồng nguyên liệu gỗ. Ảnh: CAO HUY

Cán bộ Công ty TNHH Lâm nghiệp Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang) kiểm tra quá trình phát triển rừng trồng nguyên liệu gỗ. Ảnh: CAO HUY

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, hôm nay (8-3), không khí lạnh gây mưa dông tại Bắc Bộ và Trung Bộ, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Từ ngày 9 đến 16-3, Bắc Bộ và Trung Bộ duy trì trạng thái thời tiết mưa nhỏ, mưa phùn và có sương mù vào sáng sớm, đêm trời rét. Nam Bộ không mưa, ngày nắng, có nơi nắng nóng.

Trong 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Tuyên Quang đã trồng được hơn 55.400 ha rừng sản xuất tập trung, tạo vùng rừng gỗ nguyên liệu giấy đạt 132.000 ha, diện tích rừng kinh doanh gỗ lớn gần 69.900 ha; diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững hơn 35.800 ha. Sản lượng khai thác gỗ đạt 4,2 triệu m3, bình quân khai thác 844.000 m3/năm, đứng đầu các tỉnh miền núi phía bắc về sản lượng gỗ rừng trồng. Tỉnh đang khuyến khích thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất lâm nghiệp, hoàn thành sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của năm công ty lâm nghiệp thuộc tỉnh quản lý.

Theo Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang, năm 2021, tỉnh phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất lâm nghiệp từ 5 đến 6%. Theo đó, năm 2021 trồng rừng tập trung đạt 7.200 ha. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng toàn tỉnh đạt 720.000 m3. Tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư kinh phí trồng rừng thâm canh gỗ lớn; thực hiện liên kết trong sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi giá trị từ trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gỗ rừng trồng.

Theo Cục Trồng trọt, giá lúa đông xuân tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang được thu mua ở mức cao, trung bình từ 6.000 đến 6.500 đồng/kg, riêng lúa thơm nhiều loại có giá từ 6.800 đến 7.000 đồng/kg, cao hơn 1.500 đến 2.000 đồng/kg so với vụ đông xuân 2019 - 2020. Nhờ đẩy mạnh cơ giới hóa, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật nên chi phí sản xuất vụ này khá thấp. Theo đánh giá, vụ này, bà con đạt lợi nhuận từ 40 đến 50 triệu đồng/ha.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, giá lúa trên địa bàn tỉnh trong tuần qua khá ổn định. Giá lúa tươi thường dao động từ 7.000 đến 7.200 đồng/kg. Một số loại lúa chất lượng cao như OM cũng ổn định từ 7.000 đến 7.400 đồng/kg; lúa Nhật đạt từ 7.800 đến 8.000 đồng/kg; lúa Đài Thơm 8 từ 7.200 đến 7.400 đồng/kg.

Tại các vùng trồng rau truyền thống của tỉnh Quảng Nam như huyện Đại Lộc, Duy Xuyên và thị xã Điện Bàn, người dân đang thua lỗ vì giá rau, quả năm nay xuống quá thấp. Có nhiều nơi, do bán không có lãi nên bà con chấp nhận không thu hoạch. Ngành nông nghiệp địa phương đang tìm phương án hỗ trợ người dân, liên kết với các đối tác để tiêu thụ nông sản.

Trước tình hình hạn mặn năm 2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An đã có kế hoạch tham mưu UBND tỉnh về phòng, chống hạn mặn trên địa bàn. Cụ thể, các huyện Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ, Thủ Thừa sẽ có lịch gieo sạ sớm, chuyển đổi cây trồng vật nuôi phù hợp để hạn chế thiệt hại; duy tu, sửa chữa, nâng cấp các công trình ngăn mặn, dẫn và trữ nước ngọt; rà soát những khu vực có khả năng thiếu nước, hạn, mặn xâm nhập cao, nhất là các huyện vùng hạ ven các sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, Trường Bình, Xoài Rạp.

Diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn TP Đà Lạt (Lâm Đồng) hiện đạt gần 6.000 ha, tăng hơn 65% so với cuối năm 2013. Giá trị thu hoạch bình quân đạt 350 triệu đồng/ha/năm, tăng hơn 84% so với năm 2013. Đến nay, tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp thành phố đạt hơn 3.400 tỷ đồng. Tỷ trọng giá trị nông nghiệp công nghệ cao đạt khoảng 70% giá trị ngành trồng trọt, ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng 17% cơ cấu kinh tế của thành phố.

Ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đang kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, liên kết, hợp tác phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, sử dụng công nghệ mới trong xử lý chất thải chăn nuôi. Theo đó, tăng cường quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh, buôn bán và sử dụng thuốc thú y; kịp thời ngăn chặn, không để xảy ra tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh và các chất tăng trọng. Toàn tỉnh hiện có tổng đàn lợn hơn 190.000 con, đàn bò hơn 214.000 con, đàn dê 21.500 con và gia cầm gần 8,5 triệu con.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh cho biết, do thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao từ nhiều tuần qua, gần 70.000 ha rừng trên tuyến biên giới Tây Ninh đang ở trạng thái cảnh báo cháy rừng cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm. Các ban quản lý rừng (chủ rừng) và UBND các xã có rừng hiện duy trì việc trực 24/24 giờ trong ngày để kịp thời phát hiện, sẵn sàng huy động lực lượng tham gia chữa cháy rừng.

Chuỗi liên kết sản xuất của nhiều hợp tác xã ở Hải Dương bị đứt gãy

Hải Dương có khoảng 40 hợp tác xã (HTX) đã xây dựng được chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, HTX đóng vai trò trung gian đứng ra ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên. Giá thu mua nông sản của HTX thường cao hơn ngoài thị trường từ 15 đến 20%; có hợp đồng ổn định, nông dân tin tưởng, an tâm “đầu ra” của sản phẩm. Dịch Covid-19 bùng phát, kéo dài trên địa bàn tỉnh đã làm nhiều HTX lao đao, làm tăng chi phí sản xuất. Việc cung cấp vật tư đầu vào khó khăn, trong khi giá nông sản và sản lượng tiêu thụ lại giảm, nhiều hợp đồng cung ứng sản phẩm cho khách hàng bị hủy vì dịch bệnh… đã làm chuỗi liên kết sản xuất của các HTX bị đứt gãy.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-kinh-te/day-manh-phat-trien-lam-nghiep-ben-vung-637720/