Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, góp phần tạo động lực mới cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Trong hai ngày 27 và 28/1, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra chương trình thảo luận tại hội trường về các nội dung được đề cập trong các văn kiện trình tại Đại hội. Đồng chí Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã gửi tới Đại hội tham luận với chủ đề: 'Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, góp phần tạo động lực mới cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam'.

Báo Bà Rịa - Vũng Tàu trân trọng giới thiệu toàn văn tham luận của đồng chí Phạm Viết Thanh.

Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bày tỏ đồng tình và thống nhất rất cao đối với bố cục, nội dung của các văn kiện đã trình Đại hội lần thứ XIII này. Đặc biệt trong đó có nêu “thực hiện tốt Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển” trên cơ sở “đẩy mạnh phát triển và nâng cao hiệu quả các ngành kinh tế biển” và xin được tham gia ý kiến nhằm cụ thể hóa như sau:

Thế hệ chúng ta vô cùng may mắn khi được kế tục cha ông vùng đất giàu tiềm năng, với đường bờ biển dài hơn 3.260km và hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ. Biển Đông có vị trí địa kinh tế - chính trị chiến lược vô cùng quan trọng trên thế giới. Theo Hội nghị Liên hiệp quốc tế về thương mại và phát triển (UNCTAD), xấp xỉ 80% khối lượng và 70% giá trị thương mại toàn cầu được vận chuyển bằng đường biển, trong đó 60% thương mại hàng hải đi qua châu Á và Biển Đông chiếm một phần ba vận tải biển toàn cầu.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc giữ gìn vùng biển nước nhà. Người căn dặn: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Xuyên suốt 75 năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán và đặt vấn đề bảo vệ, “giữ gìn”, phát huy giá trị tài nguyên biển đảo lên ưu tiên cao nhất.

Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương (thứ ba từ trái sang) chụp hình lưu niệm với đồng chí Phạm Viết Thanh (bìa phải), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và các đại biểu dự Đại hội. Ảnh: LẠI MINH

Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương (thứ ba từ trái sang) chụp hình lưu niệm với đồng chí Phạm Viết Thanh (bìa phải), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và các đại biểu dự Đại hội. Ảnh: LẠI MINH

Qua hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 09 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, tiềm năng, lợi thế biển được phát huy, tạo động lực quan trọng cho phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế biển ở Việt Nam cũng còn những hạn chế, khó khăn như Báo cáo chính trị đã đề cập, như: Phát triển kinh tế biển chưa gắn kết hài hòa với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường; một số địa phương có biển chưa khai thác được lợi thế từ biển hoặc lợi ích mang lại chưa thực sự bền vững; còn một số đảo lớn, trong đó có Côn Đảo chưa được kết nối điện lưới quốc gia. Nhiều ngành kinh tế biển phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; lợi thế cửa ngõ vươn ra thế giới chưa được phát huy đầy đủ; hệ thống cảng biển được quy hoạch nhưng thực hiện chưa tốt, nhất là cơ chế hợp tác vùng và giao thông kết nối; chưa xây dựng được thương cảng quốc tế và tập đoàn kinh tế mạnh về biển có khả năng cạnh tranh trong khu vực và thế giới; năng lực khám phá, chinh phục và khai thác các tài nguyên biển mới vẫn còn thấp; đời sống của một bộ phận người dân vùng biển chưa bền vững.

So với cả nước, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chỉ chiếm 20% dân số nhưng đóng góp đến 45% GDP và 40% thu ngân sách. Thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu có hệ thống cảng biển quốc tế lớn nhất với khối lượng vận tải biển chiếm 40% cả nước. Ngoài cảng biển, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn là trung tâm du lịch biển, đảo, đánh bắt và chế biến hải sản, khai thác dầu khí… lớn hàng đầu cả nước và có khả năng cạnh tranh trong khu vực. Riêng Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những tỉnh có lợi thế phát triển các ngành kinh tế biển, trong đó, cảng biển và du lịch là 2 trong 4 trụ cột kinh tế của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), nền kinh tế đại dương “mới” trong tương lai được thúc đẩy bởi sự gia tăng dân số, tăng thu nhập, tài nguyên thiên nhiên đang cạn kiệt, ứng phó với biến đổi khí hậu và các công nghệ tiên phong. Nhiều ngành công nghiệp đại dương mới sẽ nổi lên như: Năng lượng gió, thủy triều, sóng ngoài khơi; thăm dò và khai thác dầu khí ở vùng nước cực sâu và môi trường đặc biệt khắc nghiệt; nuôi trồng thủy sản xa bờ, khai thác đáy biển. Những công nghệ tiên phong như cảm biến hình ảnh và vật lý, công nghệ vệ tinh, vật liệu tiên tiến, phân tích dữ liệu lớn, hệ thống tự điều khiển, công nghệ sinh học, công nghệ nano và kỹ thuật đáy biển sẽ giúp mở ra không gian mới cho sự phát triển. Tiềm năng dài hạn về đổi mới, tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế trong các lĩnh vực này đối với Việt Nam là rất ấn tượng và giàu tiềm năng.

Nắm bắt triển vọng đó, Nghị quyết 36 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” xác định mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam “trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước”. Tầm nhìn về một nước Việt Nam hùng cường vào năm 2045 với mức thu nhập cao mà Đại hội lần này đề ra sẽ là định hướng, là động lực thôi thúc cho các địa phương có biển của chúng ta cùng nhau suy nghĩ và nhất quán trong hành động, trong quy hoạch, trong đầu tư liên vùng, kết nối đa phương thức thay cho sự manh mún trong chiến lược phát triển và tạo ra những động lực mới từ lợi thế biển sẵn có và đồng thời khơi dậy, mở ra tiềm năng không gian kinh tế mới.

Báo cáo Chính trị Đại hội XIII đặt ra yêu cầu cần phải tiếp tục “Thực hiện tốt Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển”, theo đó sẽ có 6 ngành kinh tế biển được xác định theo thứ tự ưu tiên: (1) Du lịch và dịch vụ biển; (2) Kinh tế hàng hải; (3) Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; (4) Nuôi trồng và khai thác hải sản; (5) Công nghiệp ven biển; (6) Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới. Đối với vùng biển và ven biển Đông Nam Bộ, trong đó có Bà Rịa - Vũng Tàu, sẽ tập trung phát triển cảng biển container quốc tế, dịch vụ hậu cần cảng biển, dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải, công nghiệp khai thác, chế biến dầu khí, công nghiệp hỗ trợ và các dịch vụ ngành dầu khí.

Theo đó, tôi xin đề xuất một số định hướng chính sách chủ yếu sau:

Thứ nhất, tiếp tục cụ thể hóa tinh thần, các mục tiêu, nhiệm vụ được nêu tại Nghị quyết 36 bằng việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật về kinh tế biển theo hướng thống nhất, kết hợp với cơ chế phân cấp phù hợp, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ và hiệu quả, bảo đảm tuân thủ quy hoạch chung, quy hoạch tổng thể Quốc gia, nhất là các quy hoạch về không gian biển, về phát triển các ngành kinh tế biển để tránh đánh mất lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với các nước trong khu vực và quốc tế.

Các mô hình khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển cần được tiếp cận theo hướng bền vững, sinh thái, nhất là đối với các ngành công nghiệp xanh dương. Đối với các ngành kinh tế biển đã định hình cần tiếp tục nâng cấp, nhất là du lịch cao cấp, kinh tế hàng hải, dịch vụ cảng biển, vận tải biển, bảo hiểm hàng hải, khai thác, chế biến dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển, nuôi trồng và đánh bắt, chế biến hải sản xa bờ,... Đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết các địa phương trong vùng cần hợp tác, liên kết chặt chẽ để cùng phát huy lợi thế của nhau, trong đó chú trọng việc phân công, chia sẻ nguồn lực đầu tư và điều phối cơ hội phát triển nhằm tạo ra lợi ích tổng thể lớn nhất cho cả vùng, đất nước và rất cần vai trò của Trung ương trực tiếp chỉ đạo, điều phối của cả vùng.

Thứ hai, tiếp tục đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo đảm môi trường “Hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông” trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế; phát triển kinh tế biển phải trên cơ sở bền vững, bảo vệ hệ sinh thái biển, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế; ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển. Đặc biệt, “cần phải kết hợp chặt chẽ giữa phát triển các ngành kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, tài nguyên, môi trường biển; phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao đời sống nhân dân vùng biển, đảo” như Báo cáo Chính trị đã nhấn mạnh.

Thứ ba, thực hiện chiến lược đô thị hóa biển, phát triển các trung tâm kinh tế biển mạnh. Một báo cáo của McKinsey cho thấy, đô thị hóa là động lực chính của các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi; thực tế ở Việt Nam tỷ lệ đô thị hóa hiện nay chỉ khoảng 40%, khá thấp so với một số nước có cùng trình độ phát triển trên thế giới. Mục tiêu nâng tỷ lệ đô thị hóa lên 45% đến năm 2025 và 50% đến năm 2030 phụ thuộc rất lớn vào khả năng tăng tốc của các địa phương có biển. Do đó, các địa phương có biển cần tích hợp chiến lược đô thị hóa gắn với chiến lược phát triển kinh tế biển, tạo ra động lực tăng trưởng mạnh và sức lan tỏa lớn, gắn với môi trường sống tốt và sinh kế bền vững cho người dân.

Thứ tư, các thành tựu về khoa học và công nghệ mới sẽ giúp con người mở rộng năng lực khám phá và chinh phục đại dương, nhất là đáy biển sâu nơi hiểu biết của chúng ta còn hạn chế. Những công nghệ tiên phong và việc tạo ra một số ngành kinh tế biển mới sẽ giúp Việt Nam mở rộng không gian phát triển, tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế trong nhiều thập niên tới. Để đạt được điều này, chúng ta phải ưu tiên nguồn lực và có chiến lược phù hợp trong việc đầu tư cho khoa học - công nghệ, nếu không, chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội, bị tụt lại và dần mất đi lợi thế so với các quốc gia trong khu vực.

Hơn nữa, sự ra đời của nhiều ngành kinh tế biển mới với tiềm năng và tốc độ tăng trưởng rất nhanh, đòi hỏi chúng ta phải có năng lực ứng phó, trong đó nguồn nhân lực là yếu tố quyết định. Trong bối cảnh cả nước đang thực hiện 3 đột phá chiến lược, thiết nghĩ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực biển chính là một lựa chọn cụ thể cho chương trình đột phá nguồn nhân lực ở các địa phương có biển nói chung, đặc biệt là các địa phương lấy kinh tế biển làm động lực tăng trưởng kinh tế.

Bà Rịa - Vũng Tàu là tỉnh có nhiều lợi thế phát triển cảng biển. Trong ảnh: Cảng Tổng hợp Hưng Thái.

Thứ năm, đến năm 2025 khi sân bay quốc tế Long Thành đưa vào hoạt động, cùng với Cái Mép - Thị Vải là một trong 21 cảng biển nước sâu tốt nhất thế giới có tốc độ tăng trưởng trên 20% năm trong 2 năm gần đây là cơ hội tạo ra sự kết nối đa phương thức giữa đường biển, đường thủy, đường hàng không, đường bộ, kể cả đường sắt; do đó, vùng Đông Nam Bộ nói chung và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng rất cần hệ thống đường cao tốc kết nối để tạo ra động lực mới cho phát triển. Với vai trò là thành viên tích cực của Vùng, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm đầu tư các dự án hạ tầng giao thông kết nối các tỉnh trong Vùng, trong đó lấy sân bay quốc tế Long Thành và cụm cảng Cái Mép - Thị Vải là trọng tâm phát triển, cụ thể như: Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu và tuyến đường Vành đai 4.

Chúng ta đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao và đến giữa thế kỷ XXI trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, có thu nhập cao, nếu chúng ta khơi dậy được khát vọng lớn của dân tộc - như cha ông ta đã làm được trong 2 cuộc kháng chiến vĩ đại - trên tinh thần phát huy các tiềm năng, lợi thế “Rừng là vàng, Biển là bạc” của đất nước và có chiến lược phát triển đúng đắn. Kinh tế biển, hay rộng hơn là kinh tế đại dương, sẽ góp phần to lớn để hiện thực hóa khát vọng, mục tiêu và tầm nhìn lớn đó của Đảng và Nhân dân chúng ta.

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/chinh-tri/202101/day-manh-phat-trien-kinh-te-bien-gop-phan-tao-dong-luc-moi-cho-vung-kinh-te-trong-diem-phia-nam-919075/