Đẩy mạnh phân loại rác để giảm ô nhiễm và tiết kiệm

Xử lý rác thải sinh hoạt đang là vấn đề nan giải ở nước ta hiện nay. Vì vậy, việc phân loại rác tại nguồn là cách làm khoa học và thiết thực góp phần xử lý và tái chế rác thải hiệu quả.

Trước tình hình đó, nhiều mô hình thu gom, phân loại rác thải từ nguồn được xây dựng, góp phần tạo lập thói quen phân loại rác từ đầu, giảm chi phí xử lý rác, tăng hiệu quả hoạt động cho các nhà máy xử lý rác thải.

Lượng rác thải sinh hoạt lớn

Theo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), lượng chất thải rắn (CTR) sinh hoạt phát sinh ở Việt Nam hiện nay khoảng 25,5 triệu tấn/năm, trong đó CTR sinh hoạt đô thị khoảng 38.000 tấn/ngày và CTR sinh hoạt nông thôn khoảng 32.000 tấn/ngày. CTR sinh hoạt ở các đô thị chiếm hơn 50% tổng lượng CTR sinh hoạt của cả nước và chiếm khoảng 60-70% tổng lượng CTR đô thị. Dân số tăng nhanh, kết hợp với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh chóng dẫn đến sự gia tăng phát sinh chất thải. Ước tính, lượng CTR sinh hoạt ở các đô thị tăng trung bình 10-16% mỗi năm.

 Đại diện Công ty Nestlé Việt Nam và mGreen trao các thùng rác thông minh tặng VinSchool.

Đại diện Công ty Nestlé Việt Nam và mGreen trao các thùng rác thông minh tặng VinSchool.

Trước tình hình đó, hoạt động thu gom rác thải ở nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỷ lệ thu gom CTR sinh hoạt đô thị đã tăng từ 78% năm 2008 lên khoảng 85,5% năm 2018. Dịch vụ thu gom đã được mở rộng tới các đô thị loại V. Tỷ lệ thu gom CTR sinh hoạt tại khu vực nông thôn mới đạt khoảng 40-55%. Tỷ lệ thu gom tại các vùng nông thôn ven đô hoặc thị trấn, thị tứ đạt khoảng 60-80%, còn tại một số nơi vùng sâu, vùng xa chỉ đạt dưới 10%. Nhiều địa phương đã có mô hình xử lý rác thải hiệu quả như: Nghệ An, Quảng Ninh, Ninh Bình, Quảng Bình, Cần Thơ, điển hình tại Đồng Nai tỷ lệ chôn lấp chỉ còn 43%.

Tuy nhiên, việc tái chế và xử lý rác thải sinh hoạt của nước ta hiện nay còn nhiều hạn chế, tỷ lệ tái chế CTR sinh hoạt hiện vẫn còn thấp (khoảng 8-12%) do khâu phân loại rác từ đầu nguồn của nước ta chưa phổ biến. Các CTR sinh hoạt thường bị trộn lẫn nhau gây khó khăn trong việc xử lý, tái chế. Việc phân loại rác thải đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý chất thải, góp phần giảm nguy cơ phát tán các tác nhân gây bệnh, các yếu tố độc hại, nguy hiểm. Phân loại đúng còn góp phần tiết kiệm tài nguyên, giảm chi phí cho công tác thu gom, xử lý rác.

Khuyến khích phân loại rác thải từ nguồn

Một trong những mô hình phân loại rác từ nguồn hiệu quả là dự án mGreen (dự án hỗ trợ phân loại rác thải sinh hoạt tại gia đình, trường học). Theo chị Trần Thị Thoa, Chủ nhiệm dự án mGreen: Được thực hiện từ tháng 12-2018 đến nay, ngoài các hộ gia đình, dự án mGreen được Công ty Nestlé Việt Nam tài trợ đã mở rộng tại 4 trường phổ thông liên cấp Vinschool Central Park và Vinschool Golden River tại TP Hồ Chí Minh. Các hoạt động của dự án đã thu hút sự tham gia của gần 10.000 học sinh, phụ huynh và giáo viên. Trong tháng 7-2020, Công ty Nestlé Việt Nam thông qua dự án mGreen đã trao 10 thùng rác phân loại thông minh tặng các trường Vinschool. Đây là loại thùng rác đầu tiên tại Việt Nam tích hợp QR code có chức năng tích điểm theo lần phân loại rác và lưu trữ hình ảnh rác tái chế mà chủ nguồn thải đã phân loại. Dựa trên lượng rác thải tái chế, chủ nguồn thải sẽ được tích điểm thưởng. Số điểm này được đổi thành quà qua ePoint-sử dụng khi mua sắm, ăn uống, giải trí tại 300 địa điểm trên cả nước. Đây chính là cách khuyến khích học sinh chủ động phân loại rác, qua đó góp phần đẩy mạnh các hoạt động tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Trong năm học 2019-2020, dự án mGreen đã thành lập được đội Đại sứ môi trường Vinsers với khoảng 100 em học sinh nhằm tuyên truyền và tham gia vào các hoạt động hỗ trợ thu gom, phân loại, xử lý và tái chế rác thải, góp phần giảm thiểu lượng rác bị chôn lấp và xả ra môi trường. Mặc dù đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tới các hoạt động thu gom rác tái chế tại các lớp học nhưng tinh thần bảo vệ môi trường của các em không hề bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Với vai trò nòng cốt, đội đại sứ môi trường đã đẩy mạnh hoạt động truyền thông trong gia đình và cộng đồng cũng như kết hợp chặt chẽ các hoạt động với môn học "Công dân toàn cầu" như nghiên cứu, triển khai thực tế các dự án tái chế và nền kinh tế tuần hoàn, tiêu biểu là Cuộc thi “Khoảnh khắc Đại sứ môi trường Vinsers & mGreen” đã nhận được 210 tác phẩm dự thi là tranh, ảnh, video, thơ ca, cảm nhận về dự án mGreen. Qua đó giúp hình thành, củng cố thói quen phân loại rác tại nguồn và lan tỏa xâu chuỗi tới gia đình, cộng đồng, trường học.

Chị Trần Thị Thoa cho biết: “Để phân loại rác thải tại nguồn hiệu quả cần phải phân biệt các loại rác là rác hữu cơ dễ phân hủy và rác thải khó phân hủy được chia làm 2 loại: Rác tái chế và không tái chế. Rác tái chế là các loại rác có thể sử dụng lại nhiều lần trực tiếp hoặc chế biến lại như: Giấy, bìa các tông, kim loại, các loại nhựa... Các loại rác không tái chế là phần thải bỏ”.

Bài và ảnh: HỒNG THOA

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/day-manh-phan-loai-rac-de-giam-o-nhiem-va-tiet-kiem-636006