Đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác nông lâm nghiệp giữa ASEAN và các nước đối tác

Tại Hội nghị Bộ trưởng Nông lâm nghiệp ASEAN+3, các Bộ trưởng đánh giá cao tiến độ thực hiện Chiến lược hợp tác ASEAN+3 giai đoạn 2016-2025, đồng thời thể hiện tinh thần hợp tác của ASEAN+3 về một số hoạt động quan trọng nhằm tăng cường an ninh lương thực; quản lý rừng bền vững; giảm thiểu tác động và thích ứng với biến đổi khí hậu,…

Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: KL)

Trong khuôn khổ chuỗi các Hội nghị Bộ trưởng nông lâm nghiệp ASEAN (AMAF), ngày 12/10, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Nông lâm nghiệp ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) lần thứ 18.

Tại Hội nghị, các Bộ trưởng đánh giá cao tiến độ thực hiện Chiến lược hợp tác ASEAN+3 (APTCS) giai đoạn 2016-2025, đồng thời thể hiện tinh thần hợp tác của ASEAN+3 tại một số hoạt động quan trọng nhằm tăng cường an ninh lương thực; quản lý rừng bền vững; giảm thiểu tác động và thích ứng với biến đổi khí hậu,…

Bên cạnh đó, các Bộ trưởng đánh giá cao sự tiến bộ trong việc thực hiện Thỏa thuận dự trữ gạo khẩn cấp ASEAN+3 (APTERR) và tái khẳng định cam kết tiếp tục hỗ trợ việc thực hiện Thỏa thuận APTERR. Đồng thời, ghi nhận tiến độ của Hệ thống thông tin an ninh lương thực ASEAN+3 (AFSIS), đặc biệt là công tác phát triển thông tin an ninh lương thực trong khu vực và cải thiện số liệu thống kê về chế biến và phân phối thực phẩm nông nghiệp ở ASEAN.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, để tăng cường triển khai chiến lược Hợp tác ASEAN+3 trong lĩnh vực thực phẩm và nông lâm nghiệp giai đoạn 2016-2025, các Bộ trưởng Nông lâm ASEAN+3 cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác về an ninh lương thực và an ninh dinh dưỡng, hỗ trợ lẫn nhau trong xây dựng và phát triển nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường. Nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất và chế biến nông lâm thủy sản nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh đó, huy động các nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, đặc biệt là đầu tư của doanh nghiệp thông qua mối quan hệ đối tác công-tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông lâm ngư nghiệp thông qua các hoạt động xây dựng, chuyển giao công nghệ sản xuất, quản lý, vận hành, giám sát theo chuỗi cung ứng nông sản, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nông nghiệp.

Nhân dịp này, trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong tiến trình hợp tác, Hội nghị đã tiến đến việc hoàn thành ký kết 3 văn kiện quan trọng, gồm: Nghị định thư sửa đổi Thỏa thuận Quỹ Dự trữ lúa gạo khẩn cấp ASEAN+3; Biên bản Ghi nhớ (MOU) giữa ASEAN và Trung Quốc về hợp tác nông nghiệp và thực phẩm; Biên bản Ghi nhớ giữa ASEAN và FAO về Tăng cường hợp tác trong nông nghiệp và lâm nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường họp song phương cùng ông Veng Sakhon,

Bộ trưởng Nông Lâm ngư nghiệp, Vương Quốc Campuchia. (Ảnh: KL)

Việt Nam – Campuchia tăng cường hợp tác nông lâm thủy sản

Trong khuôn khổ chuỗi Hội nghị AMAF lần thứ 40, AMAF +3 lần thứ 18, ngày 12/10, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường và ông Veng Sakhon, Bộ trưởng Nông Lâm ngư nghiệp, Vương Quốc Campuchia cùng lãnh đạo một số đơn vị của hai Bộ đã có cuộc họp song phương nhằm bàn thảo cách thức thúc đẩy hợp tác nông, lâm, ngư nghiệp giữa hai nước.

Tại cuộc họp, hai Bộ trưởng đã chia sẻ những kết quả đạt được trong quá trình hợp tác, đồng thời mong muốn thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa hai nước. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nông nghiệp hai nước có sự tương đồng, bổ trợ cho nhau. Vì vậy, về phía Việt Nam, sẽ cố gắng hỗ trợ cao nhất để hai bên cùng phát triển nông nghiệp một cách thuận lợi.

Bộ trưởng Veng Sakhon bày tỏ sự cảm ơn đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và cá nhân Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường vì những giúp đỡ, hỗ trợ về hợp tác kỹ thuật cũng như giá cả đối với các mặt hàng nông sản của Campuchia như: hạt điều, sắn, cao su... Theo Bộ trưởng Veng Sakhon, hiện nay, giá sắn ở Campuchia bị giảm do dịch bệnh gia tăng, gây khó khăn cho đời sống người dân. Chính vì thế, phía bạn mong muốn Việt Nam hỗ trợ kỹ thuật để xử lý dịch bệnh, đồng thời tăng thu mua giá sắn ở vùng biên giới, nhất là tại tỉnh Tây Ninh.

Về vấn đề dịch bệnh trên cây sắn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chia sẻ kinh nghiệm về xử lý bệnh khảm lá sắn ở Việt Nam, đồng thời đề nghị giao đơn vị chức năng hai nước (Cục Bảo vệ thực vật) phối hợp xử lý tận gốc dịch bệnh này.

Đánh giá cao một số mặt hàng nông sản của Campuchia có tiềm năng để phát triển như: hạt điều, cao su..., Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cam kết sẽ thúc đẩy Tập đoàn cao su Việt Nam đầu tư cơ sở chế biến đúng kế hoạch và thu mua mủ cao su với mức giá hợp lý nhất cho người dân trồng cao su tiểu điền. Hai Bộ trưởng cũng trao đổi về việc hợp tác trong lĩnh vực thủy sản trong việc gỡ thẻ IUU của Ủy ban châu Âu.

Trao đổi về vấn đề lâm nghiệp, hai Bộ trưởng thống nhất sẽ phối hợp quản lý chặt chẽ và thống nhất việc cấp các giấy phép CITES để tránh có giấy phép giả, giấy phép bất hợp pháp nhằm lợi dụng để xuất khẩu. Về phía Việt Nam cam kết chỉ khi có giấy phép xuất khẩu của Campuchia thì Việt Nam mới cấp giấy phép cho nhập khẩu. Từ ngày 22-23/10 tới, tại TP. Hồ Chí Minh, hai nước sẽ tổ chức Đối thoại chính sách về thương mại gỗ và song phương với Chủ đề: “Thương mại gỗ và sản phẩm gỗ giữa Việt Nam và Campuchia đảm bảo tính hợp pháp và bền vững” để hai bên cùng thống nhất trong việc quản lý xuất nhập khẩu gỗ, không để thông tin và dư luận trái chiều ảnh hưởng tới quan hệ tốt đẹp giữa hai nước./.

BT

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/kinh-te/day-manh-moi-quan-he-hop-tac-nong-lam-nghiep-giua-asean-va-cac-nuoc-doi-tac-501238.html