Đẩy mạnh M&A: Người thăng hoa, kẻ chạm đáy

Mua bán và sáp nhập là cách thức doanh nghiệp mở rộng hoạt động kinh doanh nhanh nhất, chiếm thị phần dễ nhất. Tuy nhiên, câu chuyện này không chỉ có màu hồng.

Hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) được nhận định có thể tạo ra giá trị tăng thêm nhờ mở rộng thị phần, tăng doanh thu hoặc tạo ra cơ hội tăng trưởng mới khi mà hai bên có thể khai thác được những lợi thế lẫn nhau, tận dụng quan hệ khách hàng, khả năng bán chéo sản phẩm, dịch vụ...

Chính vì những lợi ích đa chiều trên mà nhiều doanh nghiệp lựa chọn con đường M&A để gia tăng quy mô, giá trị doanh nghiệp, giá trị cho cổ đông. Tuy nhiên, câu chuyện hậu M&A cũng không hoàn toàn là màu hồng, có những doanh nghiệp thực sự đã lớn mạnh hơn, tăng trưởng tốt hơn và cũng có đơn vị phải chật vật cải tạo chính “món hàng” mà mình đã tốn nhiều công sức mang về.

Sắp tới đây, làng tài chính sẽ diễn ra thương vụ M&A tiếp theo giữa Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank, HOSE: HDB)Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank).

Trước đó, đã diễn ra nhiều thương vụ sáp nhập trong lĩnh vực ngân hàng như Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HOSE: STB) nhận sáp nhập Ngân hàng TMCP Phương Nam (PNB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (HNX: SHB) nhận sáp nhập Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank) theo chủ trương tái cấu trúc rồi nhận sáp nhập CTCP Tài chính Vinaconex Viettel (VVF). Sau sáp nhập, cả Sacombank và SHB đều phải vật lộn với quá trình tái cấu trúc, cải thiện chất lượng tài sản khiến hoạt động kinh doanh bị chậm lại đáng kể. Điều này khiến nhà đầu tư lo ngại cho trường hợp HDBank nhận sáp nhập PG Bank.

Tuy nhiên, theo như ban lãnh đạo HDBank thì ngân hàng sẽ không đi theo vết xe đổ của các đơn vị trên mà thậm chí còn hưởng lợi sau sáp nhập ngay trong năm 2018. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế 2018 của HDBank kỳ vọng sẽ tăng từ 3.933 tỷ đồng (kế hoạch thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2018) lên 4.712 tỷ đồng, tức tăng thêm 779 tỷ đồng. Đến 2020, lợi nhuận trước thuế mục tiêu cũng tăng từ 6.623 tỷ lên 8.385 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản bình quân (ROAA) giai đoạn 2018-2020 sau nhận sáp nhập cũng cải thiện từ 1,3-1,5% lên 1,3-1,6%, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROAE) cũng đạt mốc 21-24,5% thay vì 20,4-24%.

Ban lãnh đạo HDBank cho biết, PG Bank dù là ngân hàng nhỏ nhưng có chỉ số tài chính, chỉ số an toàn tương đối ổn định, tỷ lệ nợ xấu thấp (2,8%) và hầu hết có tài sản đảm bảo. Bên cạnh sáp nhập PG Bank thì HDBank còn đạt được thảo thuận hợp tác toàn diện với Petrolimex (cổ đông lớn nắm 40% vốn PG Bank) có thời hạn tối thiểu 10 năm. Việc hợp tác này giúp ngân hàng hoàn thiện hệ sinh thái đặc quyền từ ngân hàng bán lẻ, tài chính tiêu dùng, hàng không, năng lượng. Tính sơ bộ, với số lượng khách hàng Vietjet và Petrolimex mà HDBank có khả năng tiếp cận, khai thác lên tới 40 triệu khách hàng cá nhân. Trong tương lai gần, với mục tiêu khai thác 2-3 USD mỗi năm doanh thu phí dịch vụ trên mỗi khách hàng, ngân hàng dự kiến có nguồn thu phí hàng trăm triệu USD/năm.

HDBank đã từng thành công trong các thương vụ nhận sáp nhập trước đây với DaiABank hay mua lại 100% vốn Công ty SGVF của Tập đoàn Societe Generale (Pháp) nên sự tự tin của ban lãnh đạo là có cơ sở.

Trong các doanh nghiệp M&A hiệu quả, các thương vụ thâu tóm của CTCP Tập đoàn PAN (HOSE: PAN) cũng được xét đến. Tân Tổng giám đốc Nguyễn Thị Trà My chia sẻ trong hội thảo gần đây, PAN là công ty đặc biệt "sinh con rồi mới sinh cha" khi mới thành lập được vài năm nhưng lại sở hữu các doanh nghiệp đã thành danh hàng trong cả nửa thế kỷ.

Bắt đầu từ năm 2013, PAN thực hiện mua để sở hữu chi phối các đơn vị trong lĩnh vực nông nghiệp từ CTCP Xuất nhập khẩu Bến Tre (mã: ABT) chuyên xuất khẩu ngao; hai công ty giống cây trồng Trung Ương (mã:NSC) và giống cây trồng miền Nam (mã:SSC) hay công ty chuyên xuất khẩu hạt điều Lafoco và mới đây nhất là Bibica (mã:BBC) và doanh nghiệp hàng đầu ngành tôm - thực phẩm Sao Ta (mã:FMC).

Nhờ việc lựa chọn các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực, PAN đã gia tăng được cả quy mô tổng tài sản và lợi nhuận. Giai đoạn 2013-2017, doanh thu thuần công ty tăng từ 617 tỷ lên 4.075 tỷ, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ từ âm 2 tỷ lên 372,3 tỷ đồng. Quy mô tổng tài sản từ 1.068,7 tỷ đồng tăng lên 5.982 tỷ đồng. Điều đáng ghi nhận là dù tăng nhanh quy mô nhưng PAN vẫn duy trì được cấu trúc vốn an toàn với tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu là 43,6%, nợ vay hơn 900 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo PAN từng chia sẻ quá trình thực hiện M&A, công ty chú trọng đến đơn vị phù hợp định hướng phát triển, có tài sản, năng lực tài chính, thị trường và hoạt động tốt. Mặt khác, lãnh đạo PAN cũng cho biết khi hợp nhất các công ty, cái PAN được nhất không phải dòng tiền, thị trường, thương hiệu, doanh số hay lợi nhuận mà quan trọng là đã hợp nhất được những người tài giỏi nhất, nguồn nhân lực tốt nhất của những công ty có bề dày lịch sử.

Định hướng M&A để tăng trưởng không hoàn toàn là câu chuyện màu hồng. CTCP Hùng Vương (HOSE: HVG) để hoàn thiện cả quy trình hoạt động theo chuỗi cung ứng khép kín từ nuôi trồng, chế biến và phân phối thủy sản đã thực hiện hàng loạt thương vụ M&A. Hàng loạt doanh nghiệp được HVG thâu tóm như Chăn nuôi Việt Thắng (VTF), Thực phẩm sao ta (FMC), Agifish (AGF), Xuất nhập khẩu Lâm Thủy sản Bến Tre (FBT)…

Tuy nhiên, sau những thương vụ M&A đình đám, HVG hiện đang rơi vào tình cảnh hoạt động kinh doanh sa sút, nợ nần chồng chất và phải bán “con” để cải thiện tình hình. Không chỉ vậy, các công ty con của HVG (ngoại trừ FMC vừa bán) thì VTF, AGF, FBT đều hoạt động kinh doanh thua lỗ, nợ trên tổng tài sản quá lớn.

Có lẽ sai lầm của HVG chính là tham vọng quá lớn trong khi nguồn lực không đủ. Hùng Vương không chỉ muốn xây dựng chuỗi khép kín trong thủy sản như con cá, con tôm mà còn chăn nuôi cả heo. Mãi miết theo đuổi những dự án lớn nhưng cơ cấu vốn lại cho thấy rủi ro. Từ 2013-2017, công ty duy trì cơ cấu vốn chủ sở hữu trên nợ phải trả cực kỳ thấp và giảm dần theo thời gian, từ mức 34% năm 2013 xuống 22% vào cuối năm 2017.

Việc duy trì cơ cấu vốn không an toàn cộng với biến động bất lợi từ thị trường khiến Hùng Vương lỗ 713 tỷ đồng năm 2017. Hai lý do được công ty giải thích cho kết quả kinh doanh này là thiếu hụt nguyên liệu khiến công ty hoạt động ở mức độ cầm chừng, giảm 50% công suất. Hai là chi phí lãi vay cùng áp lực tài chính từ các dự án đầu tư dở dang, mà cụ thể là các dự án chăn nuôi heo theo mô hình công nghệ cao và xây dựng kho lạnh 60.000 pallet vận hành hoàn toàn bằng robot.

Do vậy, HVG phải thoái vốn một số công ty con như CTCP Thực phẩm Sao Ta (100%) và CTCP Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng (trên 50%), thanh lý bất động sản như 765 Hồng Bàng và 94 Phạm Đình Hổ tại HCM. Song, tính đến nửa đầu niên độ tài chính 2017-2018, công ty tiếp tục thua lỗ thêm 265 tỷ đồng.

Tựu chung lại, M&A là một câu chuyện và hậu M&A là một câu chuyện khác nữa. Doanh nghiệp khi tiến hành M&A chẳng những cần cân nhắc kỹ chất lượng “sản phẩm” nhắm đến, mức giá bỏ ra mà còn cả chiến lược phát triển “sản phẩm” ở phía sau, chuẩn bị nguồn lực thực hiện bao gồm vốn và con người.

Tường Như

Nguồn NDH: http://ndh.vn/day-manh-m-a-nguoi-thang-hoa-ke-cham-day-20180613122033540p4c147.news