Đẩy mạnh liên kết, tăng cường hội nhập

Ngày 7/11, tại Cần Thơ, diễn ra diễn đàn Mekong Connect với chủ đề 'Liên kết chuỗi giá trị đồng bằng - Tăng cường hội nhập thị trường'. Diễn đàn năm nay có cách nhìn, cách tiếp cận nhằm thay đổi nền nông nghiệp từ 'tư duy sản xuất' sang 'tư duy kinh tế' theo tinh thần Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển ĐBSCL bền vững thích ứng biến đổi khí hậu và xu thế thị trường.

Du khách tham quan triển lãm tại diễn đàn.

Du khách tham quan triển lãm tại diễn đàn.

Diễn đàn có sự tham gia của 700 khách là lãnh đạo Bộ, ngành, doanh nhân Diễn đàn; 45 đoàn thuộc lãnh đạo các tổ chức trong và ngoài nước tham dự; 40 doanh nghiệp tham gia khu triển lãm; 20 cơ quan báo đài quốc tế và Việt Nam; 15 Lãnh đạo các Bộ ngành các địa phương Mekong và đối tác; 30 diễn giả uy tín quốc tế và Việt Nam.

Thông tin từ diễn đàn, năm 2018, xuất khẩu ĐBSCL chiếm trên 80% kim ngạch về gạo cả nước, 95% cá tra, 60% tôm và khoảng 65% trái cây. Các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp ngày càng đổi mới. Hiện nay, ĐBSCL có khoảng 1.500 HTX nông lâm thủy sản, chiếm 11,8% cả nước và 17.000 tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp.

Các doanh nghiệp lớn đã đầu tư phát triển sản xuất và thực hiện liên kết bền vững với các hộ nông dân sản xuất tạo thành chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản. Đồng thời, áp dụng tiên bộ kỹ thuật vào sản xuất ngày càng phổ biến, nhất là trong công nghệ 4.0 đã bắt đầu được áp dụng rộng rãi mang hiệu quả tích cực. Từ những lợi thế trên cho thể nói, ĐBSCL không chỉ là vùng nông nghiệp trọng điểm của Việt Nam mà còn là vùng nông nghiệp quan trọng của khu vực và thế giới.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhận định, sự phát triển và đóng góp của ĐBSCL là vô cùng to lớn trong đảm bảo an ninh lương thực, ổn định xã hội và nâng tầm vị thế Việt Nam trên trường thế giới.

Cũng theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, thời gian qua, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị đã phát triển với nhiều hình thức đa dạng, trong đó phát triển loại hình doanh nghiệp liên kết với nông dân qua hợp đồng thu mua nông sản chiếm tỷ lệ cao và phổ biến nhất tại vùng. Loại hình này được thể hiện chủ yếu thông qua mô hình liên kết gắn với cánh đồng lớn.

Trên cơ sở đó, đã hình thành những vùng sản xuất tập trung, chuyên canh để ứng dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật và sản xuất ra nông sản với khối lượng lớn, chất lượng đảm bảo, doanh nghiệp tham gia vào tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Chia sẻ về vấn đề liên kết vùng, ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho biết, liên kết vùng nghe nói nhiều nhưng cách đặt vấn đề chủ yếu chỉ dừng lại ở mặt lý thuyết và nghị quyết là chính. Vấn đề cần là làm sao để liên kết giữa các chủ thể để tạo ra được sản phẩm và giá trị cho đồng bằng.

"Chúng ta tổ chức rất nhiều diễn đàn, hội nghị về vấn đề này, nhưng tiếng nói của các chủ thể như doanh nghiệp, nông dân, những người trực tiếp làm ra sản phẩm mới quyết định sự thành công", Bí thư Hoan nhấn mạnh.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp nhìn nhận rằng, chúng ta đang điều hành trong cơ chế thị trường, mà thị trường thì không thể bất biến, nên cần sự đón nhận tín hiệu của thị trường. Mặt khác, mục đích liên kết là nhắm đến chuỗi giá trị, chứ không phải nói anh làm cái gì, tôi làm cái gì, chúng ta cạnh tranh từ cái chuỗi đó chứ không phải đem từng sản phẩm riêng biệt ra để cạnh tranh. Làm sao các doanh nghiệp cùng ngồi lại để cùng bàn cách phát triển từng ngành hàng của vùng ĐBSCL thì liên kết mới có thể thành công được…

Trong khuôn khổ hoạt động của diễn đàn, ngoài phiên thảo luận chung xoay quanh chủ đề “Liên kết chuỗi giá trị đồng bằng, tăng cường hội nhập thị trường”, còn diễn ra các cuộc thảo luận sâu của 4 nhóm do 4 tỉnh phụ trách, với 4 đề tài khác nhau cụ thể: Đồng Tháp với bàn về vấn đề “Nâng giá trị gia tăng, đẩy mạnh thương mại hóa nông sản đồng bằng”; TP Cần Thơ đi sâu vào việc “Bắt mạch xu hướng thị trường, định hướng cho nông sản đồng bằng”; tỉnh An Giang với “Ứng dụng công nghệ để kết nối chuỗi giá trị, giảm rủi ro cho nông sản” và Bến Tre tập trung cho “Liên kết khởi nghiệp và phát triển trên nền tài nguyên bản địa”.

Bên cạnh đó, diễn đàn Mekong Connect 2019, còn diễn ra cuộc triển lãm sinh động, thực tế với các mô hình hoạt động sáng tạo hướng tới phát triển, bền vững. Trong đó, có nhiều mô hình du lịch - nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp mới. Các triển lãm của doanh nghiệp điển hình với những sản phẩm mới, công trình khá lý thú, mới lạ sẽ được 4 tỉnh ABCD Mekong giới thiệu đến doanh nghiệp, quan khách trong và ngoài nước.

Diễn đàn còn trao giấy chứng nhận “Hàng Việt Nam chất lượng cao - Chuẩn hội nhập” cho 24 doanh nghiệp ngành thực phẩm và phi thực phẩm…

Quốc Trung

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/kinh-te/day-manh-lien-ket-tang-cuong-hoi-nhap-tintuc451778