Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công nghiệp quốc phòng trong thời kỳ hội nhập

Công nghiệp quốc phòng (CNQP) là bộ phận quan trọng của công nghiệp quốc gia và là một thành phần của tiềm lực quốc phòng, an ninh (QPAN) của đất nước.

Những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, CNQP nước ta có sự phát triển mới, bước đầu tiếp thu và làm chủ dây chuyền công nghệ; tự nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, cải tiến được một số loại vũ khí trang bị kỹ thuật mới cho lục quân và một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Tuy nhiên, CNQP nước ta còn gặp nhiều khó khăn, bất cập về cơ chế chính sách, trình độ công nghệ, khả năng làm chủ công nghệ sản xuất, quy mô sản xuất, trình độ quản trị doanh nghiệp và cơ cấu, tổ chức, chất lượng nguồn nhân lực, năng lực cạnh tranh... Bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang đặt ra những yêu cầu mới cao hơn về hợp tác quốc tế trong xây dựng và phát triển CNQP, nhằm nâng cao tiềm lực QPAN của đất nước, góp phần từng bước hiện đại hóa, nâng cao sức mạnh, trình độ và khả năng SSCĐ của LLVT, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vào năm 2030.

Quan điểm chỉ đạo của Đảng ta đối với phát triển CNQP được thể hiện rõ trong Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 22-3-2018, của Bộ Chính trị về "Định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" là: "Phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, thực sự trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia; tăng cường tiềm lực, tận dụng và phát triển liên kết công nghiệp quốc phòng, an ninh và công nghiệp dân sinh". Nghị quyết cũng định hướng chính sách hợp tác quốc tế (HTQT) về khoa học và công nghệ cho phát triển công nghiệp nói chung, CNQP nói riêng. Theo đó, HTQT về CNQP phải giữ vững nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi, phù hợp với pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên; bảo đảm bí mật Nhà nước về QPAN; ưu tiên lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ lưỡng dụng; tuân thủ các quy định của pháp luật về tổ chức, quản lý các hoạt động đối ngoại quân sự; quy chế xuất nhập khẩu, mua sắm hàng quốc phòng và các quy định khác liên quan đến CNQP.

Để tăng cường HTQT về CNQP, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau:

Đa dạng hóa lĩnh vực hợp tác CNQP nhằm khai thác tiềm năng của CNQP của các nước. Hợp tác CNQP giữa Việt Nam với các nước cần được triển khai trên tất cả các lĩnh vực, từ trao đổi thông tin, tổ chức và tham gia triển lãm quốc tế về CNQP, đến nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ, sản xuất, tích hợp hệ thống, bảo quản, bảo dưỡng và nâng cấp vũ khí, trang bị… Có như vậy mới phát huy được tiềm năng CNQP của mỗi nước để bổ sung cho nhau, thu hẹp khoảng cách và trình độ công nghệ, giúp nhau cùng phát triển.

Tăng cường hợp tác đào tạo nguồn nhân lực CNQP, chú trọng xây dựng đội ngũ công nhân có tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, tay nghề cao, có năng lực tiếp thu và sáng tạo công nghệ mới, lao động đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; gắn bó mật thiết với nhân dân, đất nước. Trong thời gian tới, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, việc xây dựng, phát triển nguồn nhân lực CNQP, nhất là đội ngũ chuyên gia đầu ngành có vai trò rất quan trọng. Do đó, Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác đào tạo nguồn nhân lực CNQP trình độ cao, tập trung vào các công nghệ tiên tiến; bảo đảm sự cân đối, đồng bộ giữa đội ngũ nghiên cứu khoa học với các chuyên gia kỹ thuật đầu ngành gắn trực tiếp với sản xuất (các kỹ thuật viên lành nghề, các kỹ sư thực hành giỏi trực tiếp điều khiển, khai thác các thiết bị công nghệ hiện đại phục vụ chế thử, kiểm tra, thử nghiệm vũ khí mới hoặc chế tạo những chi tiết, bán thành phẩm...).

Tăng cường hợp tác nghiên cứu, phát triển các công nghệ mũi nhọn là một nội dung quan trọng trong phát triển CNQP. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, hợp tác trong nghiên cứu và phát triển công nghệ mũi nhọn có xu hướng mở rộng cả về quy mô, lĩnh vực, cả bề rộng và chiều sâu. Thông qua các chương trình hợp tác, chúng ta có điều kiện học hỏi kinh nghiệm và nâng cao trình độ quản lý, tiếp thu công nghệ mới, thực hiện đi tắt đón đầu trong nghiên cứu phát triển một số công nghệ mũi nhọn. Đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu phát triển một số lĩnh vực công nghệ mũi nhọn, như: Công nghệ vật liệu mới (chế tạo các loại vật liệu mới, chất lượng cao phục vụ cho sản xuất vũ khí, trang bị); công nghệ cơ khí chính xác (nghiên cứu phát triển công nghệ cơ khí có độ chính xác cao, chế tạo các chi tiết theo các chuẩn và mô đun hóa); công nghệ đóng tàu (nghiên cứu phát triển kỹ thuật thiết kế và đóng tàu chiến, các hệ thống vũ khí trang thiết bị trên tàu); công nghệ hóa học (sản xuất các hóa chất cơ bản để sản xuất thuốc phóng, thuốc nổ); công nghệ thông tin (trong bảo đảm thông tin liên lạc, phát triển công nghệ mạng và các phương tiện chống chiến tranh điện tử)...

Hợp tác phát triển thị trường sản phẩm CNQP. Hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo hướng hỗ trợ hiệu quả cho việc vận hành thị trường sản phẩm CNQP. Đẩy nhanh việc thực hiện cơ chế giá thị trường theo lộ trình đối với các sản phẩm CNQP. Xây dựng và thực thi hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong ngành CNQP phù hợp với các quy định về tiêu chuẩn của Nhà nước và quốc tế. Phát triển các loại hình và phương thức kinh doanh thương mại hiện đại; xây dựng và thực thi chương trình xúc tiến thương mại quốc tế đối với các sản phẩm CNQP. Đa dạng hóa thị trường nhập khẩu nguyên liệu, thiết bị phục vụ phát triển CNQP, tránh phụ thuộc vào một số thị trường. Phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về CNQP, kết nối cung-cầu sản phẩm CNQP. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp, trao đổi thông tin; xây dựng hệ thống các giải pháp để hỗ trợ phát triển thị trường sản phẩm CNQP.

Đại tá VŨ VĂN KHANH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thuc-hien-hieu-qua-nghi-quyet-trung-uong-iv-khoa-xii-cua-dang/day-manh-hop-tac-quoc-te-ve-cong-nghiep-quoc-phong-trong-thoi-ky-hoi-nhap-553025