Đẩy mạnh hoạt động giáo dục trải nghiệm: Dám nghĩ, dám làm

Nhằm mang đến cho HS những trải nghiệm thú vị, không gian học tập mở, nhiều trường học tại TPHCM đã triển khai hiệu quả các hoạt động trong và ngoài nhà trường. Ngoài nỗ lực của giáo viên, để hoạt động nói trên có hiệu quả, vai trò của người đứng đầu nhà trường cũng rất quan trọng khi dám nghĩ, dám làm với nhiều đột phá, sáng tạo.

Học sinh tham gia học tập tại Thảo Cầm Viên.

Học sinh tham gia học tập tại Thảo Cầm Viên.

Đa dạng hoạt động trải nghiệm

Là một trong ba trường tại TPHCM được chọn làm thí điểm mô hình trường học tiên tiến theo xu thế hội nhập, bên cạnh việc dạy học hiệu quả, Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) chú trọng đẩy mạnh các hoạt động trải nghiệm cho HS.

Đặc biệt, từ 3 năm nay, trường đều tổ chức chương trình Một ngày làm giáo viên. Theo đó, các em sẽ có những trải nghiệm thú vị với nghề giáo, từ khâu chọn bài giảng, soạn giáo án, đứng trên bục giảng, xử lý các tình huống trong lớp học, truyền đạt kiến thức… để qua đó hiểu hơn về nghề giáo, công việc của các thầy cô, từ đó có cái nhìn sâu sắc, trân quý hơn với nghề.

Theo đó, hằng tuần, nhà trường có các chuyên đề hướng giáo dục truyền thống văn hóa, đạo đức, lịch sử, kỹ năng… cho HS. Bên cạnh đó, để các em vừa học, vừa chơi, có nơi phát huy sở trường, khả năng của mình, trường đã thành lập hàng loạt câu lạc bộ (CLB) như bóng đá, bóng rổ, flashmob, hùng biện tiếng Anh, võ Judo… và sắp xếp thời khóa biểu để các em có ba buổi chiều tham gia sinh hoạt tại các CLB. Trường cũng chú trọng đến các hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường như tìm hiểu, học tập tại các địa chỉ đỏ, di sản văn hóa hay tìm hiểu về âm nhạc dân tộc như xem cải lương, giao lưu với các nghệ sĩ nổi tiếng trong lĩnh vực âm nhạc dân tộc, xem kịch…

Ngay đầu năm học, các em đã được tham gia trại khởi nghiệp. Tại đây, ngoài các hoạt động vui chơi, giao lưu các khối lớp, nhất là chào đón lớp 10, học sinh còn tham gia lên ý tưởng khởi nghiệp ngay trong sân trường. Đây là một trong những hoạt động vừa khơi gợi tinh thần khởi nghiệp và cũng là cách để trường hướng nghiệp cho học sinh.

Tương tự, tại Trường THCS Minh Đức (quận 1), để hoạt động trải nghiệm trong và ngoài nhà trường hiệu quả, ngay từ đầu năm học, trường đã lên kế hoạch cụ thể cho từng khối lớp. Ví dụ, khối 9 sẽ có những tiết học liên môn tại Bảo tàng chứng tích chiến tranh; khối 7 sẽ học ở Thảo Cầm Viên; khối 8 học tập ở Dinh Thống Nhất, khối 6 sẽ tới Bảo tàng Lịch sử.

Trường cũng chú trọng phát triển CLB cho HS tham gia, phát huy sở trường, với môn bóng rổ, bóng đá, võ, Robotics… Nhằm giúp HS khối 6 học tập hiệu quả môn Sinh, trường đã cải thiện khoảng đất trống làm vườn trường, trồng nhiều loại cây như ổi, bưởi, chuối, dưa leo, đậu bắp… Theo cô Trần Thúy An, Hiệu trưởng nhà trường: Vườn trường vừa giúp các em học tập trải nghiệm, vừa là nơi để các em cùng chung tay chăm sóc, gieo trồng, hình thành trong mỗi HS ý thức, trách nhiệm về bảo vệ môi trường, yêu thiên nhiên.

Trải nghiệm tại vườn trường. Ảnh minh họa/ INT

Giúp học sinh phát triển toàn diện

Thời gian qua, Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (quận Gò Vấp) đã triển khai nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị, lồng ghép với việc dạy học kiến thức, góp phần phát triển toàn diện học sinh về đức, trí, thể, mỹ.

Đưa vào triển khai từ năm học 2017 - 2018, CLB Phát thanh Măng non của trường mang đến một chương trình hấp dẫn. CLB đã giúp những học sinh có khả năng dẫn chương trình, giọng đọc lưu loát, tự tin…

Cô giáo Nguyễn Thị Nguyệt, người khởi xướng hoạt động này cho biết: Khi tham gia CLB, các em có thêm bài học bổ ích, nhiều kiến thức ngoài những bài học trong sách vở, biết làm việc nhóm, phân công, sắp xếp nhiệm vụ, cùng nhau tranh luận, có trách nhiệm với việc mình được giao để chương trình phát thanh đúng hạn. Các em cũng được rèn luyện về giọng đọc, một số em đã mạnh dạn tự tin khi cầm micro và dẫn chương trình lưu loát hơn. Nhiều em có khả năng sẽ phát huy được sở trường của mình, từ đó nuôi dưỡng niềm đam mê về nghề MC trong tương lai.

Tương tự, để giúp các em có thêm niềm vui khi tới trường, biết thêm về nhiều trò chơi dân gian, giúp các em tránh xa trò chơi điện tử, điện thoại… từ năm học 2018 - 2019, nhà trường tận dụng sân trường để khuyến khích học sinh tham gia chơi các trò chơi dân gian (banh đũa, ô ăn quan, bịt mắt bắt dê, nu na nu nống, rồng rắn lên mây…). Trường cũng tổ chức nhiều hoạt động như trang trí nón lá hướng đến Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10; thi Rung chuông vàng; giao lưu với các mái ấm, nhà mở; thi thời trang sáng tạo; hoạt động 30 phút vì môi trường xanh và nhiều hoạt động trải nghiệm khác.

Cô Nguyễn Kim Phượng, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Nhà trường muốn HS có môi trường học tập, vui chơi tốt, được phát triển toàn diện, không chỉ về mặt kiến thức mà cả về thể chất, tinh thần, đạo đức, lối sống, kỹ năng… Những hoạt động trong thời gian qua được HS đón nhận tích cực, phụ huynh ủng hộ. Đó là động lực để tập thể sư phạm nhà trường tiếp tục đổi mới, sáng tạo.

Các hoạt động của trường góp phần phát triển toàn diện HS, chú trọng phát triển năng lực, phẩm chất của các em. Đây cũng là bước tạo đà, chuẩn bị tốt để trong thời gian tới thực hiện Chương trình GD phổ thông mới. Điều mà nhà trường cảm thấy hạnh phúc, là mỗi ngày đến trường các em đều vui, đều chờ đón, háo hức với những hoạt động của trường.
Thầy Huỳnh Thanh Phú
- Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/day-manh-hoat-dong-giao-duc-trai-nghiem-dam-nghi-dam-lam-4043310-b.html