Đẩy mạnh hỗ trợ việc làm cho người lao động

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số người thất nghiệp trên địa bàn Hà Nội tăng, nhu cầu tuyển dụng lao động giảm, trong khi thị trường lao động có xu hướng sử dụng những người đã qua đào tạo nghề. Nhằm nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu về lao động, các cơ quan, đơn vị chức năng của thành phố vừa tăng cường tư vấn, tổ chức đào tạo nghề, vừa triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh hỗ trợ việc làm cho người lao động.

Người lao động tìm kiếm thông tin về việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: Nhật Nam

Kết nối cung - cầu về lao động chưa hiệu quả

Những ngày gần đây, một số điểm tiếp nhận, giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn Hà Nội bị quá tải. Điều này không khó lý giải, bởi thị trường lao động việc làm chưa hồi phục sau khi dịch Covid-19 lắng xuống, nhất là với những ngành bị ảnh hưởng nặng nề - trong đó có du lịch, khách sạn. Anh Lê Đức Nghĩa, tổ dân phố 8, phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Tôi bị mất việc làm tại một khách sạn trên địa bàn quận Tây Hồ từ tháng 4-2020. Từ đó đến nay, tôi đã nộp hồ sơ đăng ký ứng tuyển ở nhiều nơi, nhưng chưa có nơi nào tiếp nhận”.

Không riêng trường hợp của anh Nghĩa, từ đầu năm 2020 đến nay, các sàn, điểm giao dịch việc làm thuộc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tiếp nhận gần 40.000 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, số lao động bị mất việc làm được hưởng trợ cấp thất nghiệp chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, vì đây là những người tham gia bảo hiểm xã hội. Bằng chứng là số người tìm việc thông qua các trung tâm giới thiệu việc làm công lập, ngoài công lập luôn cao hơn số lượng vị trí việc cần tìm người. Tại các địa phương của Hà Nội, nhóm lao động tự do bị mất việc làm nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ từ gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng của Chính phủ lên tới hơn 80.000 người…

Theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Tạ Văn Thảo, nhóm lao động bị mất việc làm thời gian vừa qua chủ yếu là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo nghề. Tuy nhiên, do đời sống khó khăn, đa số người lao động muốn nhận tiền trợ cấp thất nghiệp hoặc tìm một công việc tạm thời, thay vì học nghề để tìm kiếm cơ hội việc làm bền vững. Còn bà Bùi Thu Yến, cán bộ tuyển dụng Công ty cổ phần Dịch vụ Tức Thời (quận Đống Đa) cho hay, các đơn vị có nhu cầu tuyển dụng ở thời điểm này hướng đến nhóm lao động đã qua đào tạo nghề, tập trung ở những lĩnh vực doanh nghiệp đang khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thực trạng này khiến kết nối cung - cầu về lao động chưa hiệu quả.

Giải quyết việc làm cho ít nhất 156.000 lao động

Để nhóm lao động bị mất việc làm sớm trở lại thị trường lao động, các cấp, ngành chức năng của thành phố đang hỗ trợ bằng nhiều giải pháp linh hoạt.

Ở các huyện, thị xã, ngoài các chính sách hỗ trợ trực tiếp, nhóm lao động tự do bị mất việc làm thuộc đối tượng ưu tiên được tham gia các lớp đào tạo nghề dành cho lao động nông thôn. “Mặc dù danh sách đào tạo nghề cho nhóm lao động nông thôn năm 2020 đã được xây dựng từ cuối năm 2019, nhưng chúng tôi sẽ điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của người học, để nguồn hỗ trợ đến với người thực sự có nhu cầu”, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mê Linh Nguyễn Thị Thanh Tám thông tin.

Tại các điểm tiếp nhận, giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp với một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiến hành tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm miễn phí cho người lao động. Sau khi được tư vấn, chị Công Thị Kim Oanh, tổ dân phố 13, cụm 3, phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) đã đăng ký học nghề nấu ăn, thay vì nhận tiền trợ cấp thất nghiệp. "Tôi đăng ký học nghề để có cơ hội tìm được việc làm ổn định", chị Oanh nói.

Dưới góc độ một cơ sở đào tạo nghề, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Thăng Long Phạm Quang Vinh cho biết, chỉ cần có đủ lượng người học nghề, nhà trường sẽ khai giảng các lớp học nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu người học. Để nhiều người lao động biết đến chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, ông Phạm Quang Vinh mong muốn, các cơ quan chức năng quan tâm đến khâu tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho nhóm lao động thất nghiệp.

Về vấn đề này, theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn, Sở đang phối hợp với các ngành, địa phương, khu công nghiệp, khu chế xuất tiến hành khảo sát tình trạng lao động bị mất việc, có nhu cầu học nghề, để xây dựng chương trình đào tạo nghề theo nguyện vọng của người lao động. Cùng với đó, các đơn vị chức năng tăng cường kết nối với doanh nghiệp để tổ chức tuyển sinh, đào tạo nghề, tìm kiếm cơ hội việc làm cho người lao động theo sát nhu cầu thị trường.

“Với nhiều giải pháp đã và đang được triển khai, tôi tin tưởng mục tiêu giải quyết việc làm cho ít nhất 156.000 lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị xuống dưới 4% trong năm 2020 của thành phố Hà Nội sẽ trở thành hiện thực”, bà Nguyễn Thanh Nhàn khẳng định.

Hà Hiền

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/970459/day-manh-ho-tro-viec-lam-cho-nguoi-lao-dong