Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

Có thể nói, trong quý I/2022 hoạt động kinh tế của tỉnh Bạc Liêu tuy giữ được tốc độ tăng trưởng, nhưng qua phân tích các nguồn lực với chức năng tạo nên 'sức bật' cho nền kinh tế thì cũng đặt ra nhiều vấn đề cần phải tập trung quyết liệt ngay từ đầu quý II/2022.

Thi công lộ giao thông trên địa bàn huyện Vĩnh Lợi từ vốn đầu tư công. Ảnh: K.T

Thi công lộ giao thông trên địa bàn huyện Vĩnh Lợi từ vốn đầu tư công. Ảnh: K.T

Chỉ đạo quyết liệt

Một trong những giải pháp quan trọng để bổ sung nguồn lực cho nền kinh tế sau những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 chính là tập trung giải ngân vốn đầu tư công từ các công trình, dự án trong điều kiện khu vực kinh tế tư nhân đang trong giai đoạn phục hồi.

Ngay từ đầu năm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức nhiều hội nghị liên quan đến công tác xây dựng cơ bản (XDCB). Đồng thời, tập trung chỉ đạo quyết liệt các ngành, địa phương, Ban quản lý các dự án xây dựng công trình phải giải ngân hết vốn đầu tư công.

Cụ thể, UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch - Đầu tư thông báo vốn XDCB từ nguồn ngân sách nhà nước năm 2022 với tổng vốn trên 3.268 tỷ đồng đến các chủ đầu tư để sớm triển khai thực hiện ngay từ đầu năm. Song song đó, lãnh đạo tỉnh cũng đã trực tiếp đi khảo sát thực tế tại các công trình, dự án và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt.

Trong đó, yêu cầu các cấp, ngành hướng dẫn, đôn đốc các chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà thầu và thực hiện dự án theo tiến độ đầu tư đã được phê duyệt, đặc biệt là các dự án lớn của tỉnh, phấn đấu giải ngân hết số vốn được giao trong năm và bảo đảm chất lượng công trình, không phát sinh tăng nợ khối lượng trong XDCB.

Công trình bị đội giá

Tính đến trung tuần tháng 3/2022, tỉnh Bạc Liêu vốn đầu tư công giải ngân được 368.630/3.268.411 triệu đồng, đạt tỷ lệ 11,28%. Tỷ lệ giải ngân này thật sự vẫn chưa đạt được kỳ vọng và kế hoạch đề ra. Bởi mục tiêu của năm nay vốn đầu tư công phải giải ngân đạt 100% như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, trong quý I/2022, Bạc Liêu cần phải giải ngân đạt trên 20%, do đây là thời gian rất thuận lợi cho việc đẩy nhanh tiến độ công trình và giải ngân vốn đầu tư công vì mùa khô.

Qua khảo sát thực tế tại một số địa phương cho thấy, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt khá thấp và có địa phương đến tháng 3/2022 vẫn chưa giải ngân đến 10%/tổng vốn. Đáng quan tâm hơn, thời gian tới nếu giá sắt, thép, xi-măng và các vật liệu xây dựng khác tăng cao vì “ăn theo” giá xăng, dầu thì khả năng giải ngân vốn đầu tư công trong quý II/2022 sẽ tiếp tục gặp khó.

Theo phản ánh của các nhà thầu thi công, giá sắt, thép từ đầu năm đến nay tùy theo loại tăng thêm từ 35 - 45% và xi-măng cũng tăng thêm khoảng 25% so với giá trúng thầu. Sự “leo thang” về giá vật liệu xây dựng đã làm cho các công trình, dự án bị đội giá thêm từ 40 - 50% và gần như quá sức chịu dựng của các nhà thầu. Trong khi đó, chiếm trên 90% các công trình, dự án đang thi công trên địa bàn tỉnh đều áp dụng đơn giá cố định từ các gói thầu trọn gói nên nếu tiếp tục thi công các nhà thầu sẽ bị lỗ nặng. Có nhà thầu cho rằng “thà chấp nhận chịu phạt thay vì tiếp tục thi công”!?

Đây chính là vấn đề cần được UBND tỉnh và các ngành có ngay các giải pháp xử lý, nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trong quý II/2022 và hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn 100% trong năm nay.

Trong đó, cần nghiên cứu và sắp xếp lại các khâu trong XDCB như: Khi giá vật liệu xây dựng tăng cao thì có thể tạm ngưng thi công các khâu có liên quan đến kỹ thuật, sử dụng nhiều vật liệu mà tập trung cho các khâu khác (công tác giải phóng mặt bằng, san lấp và thi công các công trình phụ trợ trong dự án như: cây xanh, chiếu sáng, viễn thông, cống thoát nước…) nhằm đảm bảo cho tiến độ luôn được đẩy nhanh, không bị ách tắc và giảm áp lực cho các nhà thầu trong thời gian chờ giá “hạ nhiệt”. Cũng như chủ động xử lý các hồ sơ, thủ tục trong XDCB, góp phần phục vụ tốt cho công tác thanh quyết toán đảm bảo đạt kế hoạch giải ngân vốn.

Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, quý II/2022, Bạc Liêu sẽ đẩy nhanh hoàn thiện hồ sơ các dự án như: Dự án xử lý xói lở và gia cố lòng sông thị trấn Gành Hào; dự án gia cố chống xói lở bờ biển Vĩnh Trạch Đông - Nhà Mát; đầu tư xây dựng, cải tạo 20 trạm y tế trên địa bàn tỉnh… để sớm triển khai khi Trung ương phân bổ vốn. Thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường xây dựng để kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp mặt bằng giá thị trường, tránh bị tác động của các hiện tượng đầu cơ, thổi giá…

Theo Kim Trung/Báo Bạc Liêu

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/day-manh-giai-ngan-von-dau-tu-cong-347061.html