Đẩy mạnh công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng

Những năm qua, nhận thức rõ về vị trí, tầm quan trọng của rừng trong phát triển kinh tế, phong trào trồng, chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực. Qua đó, góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, cải thiện môi trường sinh thái, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân và tạo động lực cho kinh tế lâm nghiệp phát triển.

Trồng rừng ở Ban Quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành.

Xác định phát triển lâm nghiệp là thế mạnh, những năm qua tỉnh ta đã tiến hành điều chỉnh, hoàn thiện việc quy hoạch đất lâm nghiệp, thực hiện giao đất, giao rừng, khoán bảo vệ rừng, đồng thời tạo động lực để người lao động gắn bó với rừng, yên tâm sản xuất. Trong quá trình thực hiện, ngành lâm nghiệp tỉnh tích cực đưa các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh rừng; khuyến khích các hộ xây dựng vườn ươm đảm bảo về nhu cầu giống tại chỗ có chất lượng, giá thành thấp và bảo hành cây giống cho người trồng rừng. Năm 2018, bằng nguồn vốn các chương trình, dự án, vốn trong nhân dân toàn tỉnh đã trồng mới được 10.000 ha rừng, trong đó 234 ha là rừng phòng hộ, đặc dụng; 9.756 ha rừng sản xuất; khoanh nuôi, tái sinh 5.806 ha, bảo vệ 594.300 ha. Bên cạnh đó, toàn tỉnh đã khai thác được 587.461m3 gỗ rừng trồng, 54,6 triệu cây luồng, 79.730 tấn nứa, vầu.

Thực hiện tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, tỉnh ta ưu tiên tập trung phát triển các sản phẩm lâm nghiệp lợi thế. Kết quả đã nâng diện tích rừng trồng gỗ lớn toàn tỉnh lên 45.500 ha/56.000 ha, đạt 81,3% kế hoạch; phát triển 23.000/30.000 ha vùng luồng thâm canh tập trung; bảo tồn và phục hồi được 850 ha quế. Bước đầu khai thác các loài dược liệu dưới tán rừng hiệu quả, bảo tồn và phát triển các loài dược liệu quý trên diện tích 94.000 ha. Công tác khoa học lâm nghiệp cũng được quan tâm, đã xây dựng và trình duyệt, triển khai trên 20 đề tài, dự án khoa học lâm nghiệp. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực nghiên cứu, như: Giống cây lâm nghiệp, lựa chọn loài cây lâm nghiệp có năng suất, chất lượng cao; ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ viễn thám, công nghệ thông tin trong quản lý, dự báo, đánh giá, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, quản lý và dự báo cháy rừng, phòng chống sâu bệnh...

Bên cạnh đó, công tác chăm sóc, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng (BVR, PCCCR) được quan tâm. Từ đầu năm 2019 đến nay, đã phát hiện, xử lý 100 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, tịch thu 67,888m3 gỗ các loại, nộp ngân sách Nhà nước 824 triệu đồng. Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về BVR, PCCCR trong nhân dân; chú trọng việc nắm bắt, giải quyết triệt để các mâu thuẫn dẫn đến cố ý đốt rừng; tổ chức các lực lượng tuần tra canh gác lửa rừng vào thời điểm có nguy cơ cháy cao; tu sửa, làm mới các đường băng cản lửa, đốt trước, làm giảm vật liệu cháy dưới tán rừng thông; xây dựng, củng cố lực lượng PCCCR ở cơ sở; phối hợp với các lực lượng công an, biên phòng trong công tác BVR, PCCCR; tăng cường phối hợp với tỉnh Nghệ An, nước bạn Lào trong việc BVR, PCCCR khu vực giáp ranh, khu vực biên giới... qua đó, góp phần nâng độ che phủ rừng lên 53,03%.

Bài và ảnh: Khánh Linh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/day-manh-cong-tac-trong-cham-soc-bao-ve-rung/98766.htm