Đẩy mạnh công tác quản lý ngân quỹ tại Kho bạc Nhà nước

Sáng 26/2, Hội thảo Khu vực về Quản lý ngân quỹ do Kho bạc Nhà nước (KBNN) Việt Nam cùng Quỹ tiền tệ Quốc tế phối hợp tổ chức với chủ đề 'Đẩy mạnh công tác cải cách Quản lý ngân quỹ' đã chính thức được khai mạc.

Ảnh: Khắc Tiệp.

Ảnh: Khắc Tiệp.

Theo KBNN, Hội thảo Khu vực về Quản lý ngân quỹ được tổ chức với mục tiêu đào tạo lý thuyết và thực tiễn về các nghiệp vụ quản lý ngân quỹ hiện đại, trong đó tập trung vào kiến thức, kỹ năng cần thiết để quản lý ngân quỹ hiệu quả nhằm hỗ trợ việc thực thi ngân sách thông qua cách thức duy trì tính thanh khoản đủ mà không có chi phí vượt mức và nằm trong ngưỡng rủi ro hợp lý. Trên cơ sở đó, đẩy mạnh công tác cải cách quản lý ngân quỹ, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và các công cụ quản lý đảm bảo quản lý ngân quỹ an toàn, hiệu quả.

Bên cạnh đó, hội thảo cũng sẽ thảo luận về cách thức mà các quốc gia có thể đạt được mức hiệu quả cao hơn thông qua việc gắn kết công tác quản lý ngân quỹ với quản lý nợ Chính phủ để nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài chính nhà nước và quản lý nợ.

Tại hội thảo, bà Trần Thị Huệ, Phó Tổng Giám đốc KBNN Việt Nam cho biết, quản lý ngân quỹ đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế vĩ mô. Hoạt động quản lý ngân quỹ tốt, trước hết giúp đảm bảo ngân quỹ sẵn sàng đáp ứng các nghĩa vụ thanh toán của chính phủ tại mọi thời điểm, sau đó là hỗ trợ hoạt động quản lý nợ của chính phủ, chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương, hỗ trợ sự phát triển của thị trường tài chính.

Theo thông lệ quốc tế, hoạt động quản lý ngân quỹ gồm 4 nội dung là xây dựng và hoàn thành TSA, phát triển hệ thống dự báo luồng tiền, đầu tư ngân quỹ và quản lý rủi ro ngân quỹ.

Hiện nay, xu hướng quản lý ngân quỹ đang chuyển dần từ truyền thống (trên cơ sở dự báo dài hạn năm, quý, tháng) sang hướng hiện đại (trên cơ sở dự báo ngắn hạn hơn theo ngày, tuần) với các hình thức đầu tư ngân quỹ hiện đại hơn, tham gia sâu hơn vào thị trường tài chính, tiền tệ như hoạt động mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ, đầu tư qua đêm.

Bà Trần Thị Huệ phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Khắc Tiệp.

Theo bà Trần Thị Huệ, công tác quản lý ngân quỹ là một trong bốn chức năng cơ bản của KBNN Việt Nam. Thời gian qua, KBNN đã xây dựng các công cụ và quy trình nghiệp vụ phục vụ quản lý ngân quỹ nhà nước theo mục tiêu an toàn và hiệu quả theo hướng điện tử hóa: hoàn thiện việc xây dựng và vận hành hệ thống tài khoản thanh toán tập trung; nghiên cứu xây dựng các công cụ quản lý rủi ro trong hoạt động quản lý ngân quỹ, xây dựng hệ thống dự báo luồng tiền, đề án mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ trên thị trường thứ cấp...

Tuy nhiên, Phó Tổng Giám đốc KBNN cũng thừa nhận, dù đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng nhưng công tác quản lý ngân quỹ nhà nước của KBNN Việt Nam theo định hướng mới vẫn còn một số tồn tại như: chưa triển khai một cách đồng bộ tất cả các nghiệp vụ, tính hiệu quả chưa thực sự cao do các nghiệp vụ quản lý ngân quỹ nhà nước chưa được triển khai một cách toàn diện.

KBNN kì vọng, Hội thảo Khu vực về chủ đề “Quản lý ngân quỹ hiện đại” sẽ là cơ hội ý nghĩa, một mặt giúp cho các cán bộ của KBNN Việt Nam có thể học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các nước tham dự và các chuyên gia quốc tế về hoạt động và nghiệp vụ quản lý ngân quỹ, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, những định hướng có thể áp dụng vào công tác cải cách và hiện đại hóa KBNN. Mặt khác còn nhằm mục đích giới thiệu, chia sẻ thành quả phát triển của KBNN Việt Nam trong lộ trình thực hiện chiến lược phát triển KBNN Việt Nam tiến tới xây dựng một kho bạc điện tử/kho bạc số trong thời gian tới.

Tại Hội thảo, ông David Cowen, Giám đốc Văn phòng Xây dựng Năng lực IMF tại Thái Lan (CDOT) đã thông qua nội dung chương trình làm việc, đồng thời nhất trí với những nội dung quan điểm của Phó Tổng Giám đốc KBNN Việt Nam về tầm quan trọng của công tác cải cách hoạt động Quản lý ngân quỹ.

Ông David Cowen cũng tái khẳng định và bổ sung thêm tầm quan trọng của công tác quản lý ngân quỹ trong thời đại công nghệ điện tử/công nghệ số ngày nay không thể tách rời với mỗi nhà nước trong nền kinh tế vĩ mô. Hoạt động quản lý ngân quỹ tốt, trước hết giúp đảm bảo ngân quỹ sẵn sàng đáp ứng các nghĩa vụ thanh toán của Chính phủ mỗi nước tại mọi thời điểm, sau đó là hỗ trợ hoạt động quản lý nợ của Chính phủ, chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương, hỗ trợ sự phát triển của thị trường tài chính.

Theo thông lệ quốc tế, hoạt động quản lý ngân quỹ gồm 4 nội dung là xây dựng và hoàn thành hệ thống tài khoản thanh toán tập trung (TSA), phát triển hệ thống dự báo luồng tiền, đầu tư ngân quỹ và quản lý rủi ro ngân quỹ. Hiện nay, xu hướng quản lý ngân quỹ đang chuyển dần từ truyền thống (trên cơ sở dự báo dài hạn năm, quý, tháng) sang hướng hiện đại (trên cơ sở dự báo ngắn hạn hơn theo ngày, tuần) với các hình thức đầu tư ngân quỹ hiện đại hơn, tham gia sâu hơn vào thị trường tài chính, tiền tệ như hoạt động mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ, đầu tư qua đêm. Đây cũng là những bước đệm quan trọng, là xu thế phát triển trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp số 4.0.

Thùy Linh

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/day-manh-cong-tac-quan-ly-ngan-quy-tai-kho-bac-nha-nuoc-100156.html