Đẩy mạnh công tác hòa giải ở cơ sở

Thời gian qua, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn Quảng Ninh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các tổ hòa giải ở cơ sở đã giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư, góp phần gìn giữ sự đoàn kết trong nhân dân, gắn kết tình làng nghĩa xóm, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

Tiểu phẩm hòa giải mâu thuẫn ở khu dân cư của đội xã Cẩm Hải (TP Cẩm Phả) tham dự Hội thi Dân vận khéo năm 2020, tháng 9/2020. Ảnh: Thùy Dung (CTV)

Tiểu phẩm hòa giải mâu thuẫn ở khu dân cư của đội xã Cẩm Hải (TP Cẩm Phả) tham dự Hội thi Dân vận khéo năm 2020, tháng 9/2020. Ảnh: Thùy Dung (CTV)

Hóa giải những mâu thuẫn

Hộ bà Liên và bà Mích (khu Chùa Bằng, phường Quảng Yên, TX Quảng Yên) đi chung một ngõ bê tông nằm ngoài tường nhà bà Liên. Nhà bà Liên có một ngôi miếu thờ, ngôi miếu này nằm phía trước nhà bà Mích. Hằng tháng, cứ vào mùng một và ngày rằm, nhà bà Liên tổ chức lễ cúng thì phía nhà bà Mích lại có lời ra, tiếng vào làm cho quan hệ hai gia đình bất hòa, nhiều vụ cãi chửi nhau gây mất trật tự khu phố. Mặc dù đã được tổ hòa giải khu phố mời lên hòa giải mấy lần nhưng không thành. Một hộ dân trong khu phố cho biết: “Có lần hộ bà Mích gánh phân đi làm ruộng vô tình để rơi ở phía ngoài ngõ nhà bà Liên, nhưng không dọn đi, thế là hai gia đình cãi nhau ầm ĩ cả khu phố. Không chịu thua, bà Liên đi nhặt tất cả các loại lốp xe máy cũ về chất thành đống trước cửa nhà bà Mích để đốt, khói cao su mù mịt, nồng nặc, đen kịt một vùng. Hai gia đình lại tiếp tục cãi nhau không phân thắng bại và đã xảy ra cuộc xô xát”.

Sau khi nhận được thông tin, Trưởng khu phố Chùa Bằng đã mời tất cả các hòa giải viên và một số ban, ngành của khu phố cùng đến hiện trường nơi xảy ra sự việc. Tổ hòa giải đã huy động tất cả mọi người tập trung dập tắt đám lửa. Sau đó gặp hộ bà Liên, hộ bà Mích để tìm hiểu nguyên nhân và mời hai hộ về nhà văn hóa khu phố để giải quyết. Sau khi nghe các bên trình bày, tổ hòa giải đã nhắc nhở hai hộ gia đình phải biết kìm chế trong quan hệ, không để xảy ra hiểu lầm, hạn chế các việc va chạm dẫn đến tranh cãi, giữ trật tự trong cộng đồng dân cư, không làm ảnh hưởng đến các gia đình khác. Đồng thời, tổ hòa giải đã vận dụng quy định của Luật Bảo vệ môi trường để phân tích, nhắc nhở gia đình bà Liên, bà Mích đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến người xung quanh; vận dụng Luật Đất đai quy định về sử dụng ngõ đi chung giữa các hộ gia đình để phân tích, thuyết phục.

Bằng những kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải và trên cơ sở tình cảm, đạo lý, các thành viên trong tổ hòa giải đã phân tích, đưa ra những lý lẽ, dẫn chứng để thuyết phục hai gia đình. Đồng thời khuyên nhủ, thuyết phục hai bên khơi dậy tình đoàn kết, tình làng, nghĩa xóm tối lửa tắt đèn có nhau, chấm dứt việc tranh cãi. Sau khi tổ hòa giải phân tích, thuyết phục, hai gia đình đã nhận ra cái sai của mình và hứa sẽ rút kinh nghiệm, không tái diễn.

Ông Đặng Ngọc Trường, Trưởng khu phố Chùa Bằng cho biết: “Sự việc có thể đã diễn ra một cách phức tạp hơn nếu không tìm hiểu rõ nguyên nhân, lý do xảy ra tranh chấp. Do vậy, trước khi giải quyết vụ việc, tổ hòa giải phải tìm hiểu nguyên nhân sâu xa dẫn đến tranh chấp, mâu thuẫn, áp dụng linh động giữa tình và lý, không chỉ áp đặt luật pháp một cách cứng nhắc vào giải quyết vụ việc. Quá trình hòa giải phải công tâm, khách quan, vô tư.

Để làm được như vậy, các thành viên tổ hòa giải phải không ngừng tìm hiểu, nghiên cứu kiến thức pháp luật, các phong tục tập quán của địa phương, vận dụng những hiểu biết để phân tích, thuyết phục thấu tình, đạt lý, tránh vội vàng, nôn nóng, làm tổn hại đến danh dự, tự ái cá nhân của các bên; dùng tình cảm, uy tín, lẽ phải để thuyết phục các bên, tạo ra thái độ thân mật, cởi mở và chân thành, từ đó giúp các bên thỏa thuận được với nhau, giữ được sự đoàn kết xóm làng. Do vậy, chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành trong bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho hòa giải viên để nâng cao hơn hiệu quả công tác hòa giải”.

Ngày 25/9/2020, UBND TP Uông Bí tổ chức tập huấn nghiệp vụ về hòa giải ở cơ sở cho hơn 360 hòa giải viên cơ sở trên địa bàn.

Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên

Xác định mục tiêu nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở để giải quyết kịp thời, hiệu quả các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật; góp phần tạo chuyển biến căn bản, toàn diện trong công tác hòa giải ở cơ sở, ngày 18/4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2020”.

Sở Tư pháp đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 146/KH-UBND ngày 5/7/2019 và Kế hoạch 40/KH-UBND ngày 28/2/2020, đặt ra các mục tiêu cụ thể. Trong đó, giai đoạn 1 (2019-2020), 100% tổ hòa giải cơ sở được củng cố, kiện toàn đủ số lượng, thành phần cơ cấu; 65% trở lên hòa giải viên cơ sở được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở theo chương trình khung và bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở do Bộ Tư pháp ban hành (đối với các xã, phường, thị trấn chọn làm điểm đạt 100%). Kết thúc năm 2020, 100% đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh, cấp huyện được tập huấn, bồi dưỡng, cung cấp tài liệu để hướng dẫn, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho hòa giải viên ở cơ sở. Giai đoạn 2 (2021-2022), có ít nhất 90% hòa giải viên ở cơ sở được tiếp cận và sử dụng Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở bằng các hình thức phù hợp để tự nâng cao năng lực, nghiệp vụ hòa giải; từ 90% trở lên hòa giải viên ở cơ sở được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở theo chương trình khung và bộ tài liệu do Bộ Tư pháp ban hành, trong đó 100% hòa giải viên ở cơ sở mới được bầu, bổ sung, kiện toàn hằng năm đều được tập huấn, bồi dưỡng.

Sở cũng ban hành Công văn số 347/STP-PBGDPL ngày 6/4/2020 hướng dẫn thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2020; ban hành văn bản và đăng tải lên cổng thông tin điện tử tỉnh Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở dành cho hòa giải viên; phối hợp với Ban Dân vận tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc công tác dân vận trong hoạt động hòa giải tại điểm cầu Quảng Ninh. Các địa phương đã xây dựng kế hoạch triển khai đến các xã, phường, thị trấn; thực hiện xây dựng đội ngũ tập huấn viên làm nòng cốt tập huấn hướng dẫn cho cấp xã. Một số địa phương đã tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở...

Ông Vũ Duy Hải, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng khu Dốc Đỏ I, phường Phương Đông, TP Uông Bí, cho biết: “Qua các hội nghị tập huấn nghiệp vụ, hòa giải viên được truyền đạt những kiến thức chung về đặc điểm, vai trò, nguyên tắc, quy trình hòa giải ở cơ sở; các kỹ năng hòa giải ở cơ sở với nhiều thông tin bổ ích như: Kỹ năng tiếp cận thông tin vụ, việc hòa giải và nhu cầu của các bên, kỹ năng tìm mâu thuẫn, xung đột lợi ích cốt lõi, nguyên nhân chủ yếu, kỹ năng tra cứu, tham khảo, vận dụng pháp luật, phong tục, tập quán, kỹ năng tổ chức điều hành, kiểm soát buổi hòa giải... Đây cũng là dịp để các hòa giải viên chia sẻ kinh nghiệm, cách thức giải quyết các tình huống tranh chấp tại địa bàn cư trú.

Tính đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 1.566 tổ hòa giải ở cơ sở với 8.962 hòa giải viên, trong đó có 6.507 hòa giải viên được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Trong năm 2019, các tổ hòa giải tiếp nhận giải quyết 1.914 vụ việc, trong đó hòa giải thành là 1.480 vụ. 6 tháng đầu năm 2020, các tổ hòa giải đã tiếp nhận giải quyết 736 vụ việc, hòa giải thành 536 vụ việc.

Thanh Hoa

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202010/day-manh-cong-tac-hoa-giai-o-co-so-2504054/