Đẩy mạnh công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thông qua công tác dân vận, đồng bào các dân tộc nắm bắt kịp thời các chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước; nhận biết rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, 'nhân quyền' để chống phá Đảng, chính quyền. Thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc trên địa bàn, tạo sự chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Các cấp, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ở các địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa, công tác dân vận góp phần giúp đồng bào các dân tộc sống định canh, định cư; xây dựng thôn, xóm văn hóa; phát huy truyền thống đoàn kết, ý thức tự lực, tự cường, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới; phòng, chống tội phạm; không sinh hoạt đạo trái pháp luật, tàng trữ vũ khí, buôn bán ma túy, tái trồng cây thuốc phiện,...

Công tác dân vận đã góp phần tham gia xây dựng cơ sở chính trị ở các địa phương, nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng, hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền, hoạt động của các ban, ngành, đoàn thể các địa phương, đơn vị. Đội ngũ cán bộ dân vận tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương phối hợp thực hiện tốt công tác quốc phòng - an ninh, xây dựng “thế trận lòng dân”, khu vực phòng thủ vững chắc... Trên cơ sở đó, niềm tin của nhân dân với Đảng, chế độ được củng cố, tăng cường; kinh tế - xã hội từng bước phát triển vững chắc; đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao; chính trị, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được củng cố và giữ vững; công tác đối ngoại của cấp ủy, ngoại giao của chính quyền, hoạt động đối ngoại nhân dân và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh...

Nhờ thực hiện tốt công tác dân vận, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh tích cực phát triển kinh tế.

Nhờ thực hiện tốt công tác dân vận, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh tích cực phát triển kinh tế.

Cốc Pàng (Bảo Lạc) có 10 xóm, 756 hộ, chủ yếu là dân tộc thiểu số Tày, Nùng, Mông, Sán Chỉ. Nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, cấp ủy, chính quyền xã lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân. Bí thư Đảng ủy xã Cốc Pàng Chu Văn Hòa chia sẻ: Là xã còn nhiều khó khăn, nhiệm vụ nâng cao thu nhập cho người dân là việc làm được xã chú trọng hàng đầu. Vì vậy, xã ban hành nhiều chương trình, nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân và triển khai các mô hình “Dân vận khéo” để người dân tích cực tham gia phát triển kinh tế gia đình. Với tiềm năng đất đai, khí hậu phù hợp với các loại cây trồng, xã vận động nhân dân phát triển các cây trồng thế mạnh như: hồi, quế, sở, sắn... Đến nay, cả xã có 1.146 ha hồi, 253 ha dầu sở, trên 600 ha quế, hằng năm diện tích trồng sắn từ 500 - 840 ha. Ước tính thu nhập từ sản xuất nông nghiệp toàn xã khoảng trên 85 tỷ đồng/năm, trong đó, trưng cất dầu hồi trên 40 tỷ đồng, sắn 25 tỷ đồng, sở 5 tỷ đồng, sản xuất lúa và nông nghiệp ngắn ngày khoảng 15 tỷ đồng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã mỗi năm 6 - 7%.

Tại xã Yên Sơn (Hà Quảng), nhờ làm tốt công tác dân vận, nhân dân thực hiện tốt việc di dời chuồng gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở. Chủ tịch UBND xã Yên Sơn Triệu Văn Diển cho biết: Thực hiện Nghị quyết của HĐND xã về di dời chuồng gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở, nâng cấp các chuồng đã xuống cấp, UBND xã chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã xây dựng kế hoạch tuyên truyền các văn bản của cấp trên đến từng hộ dân; giao cho cán bộ, công chức phụ trách xóm thường xuyên hướng dẫn các xóm, các hộ tu sửa, nâng cấp chuồng gia súc đã xuống cấp. Với sự vào cuộc của cả hệ thống, trong 5 năm qua, cả xã vận động 53 hộ di dời chuồng gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở, đạt 100% kế hoạch. Hiện xã không còn chuồng gia súc dưới gầm sàn nhà ở.

Nhờ lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác dân vận đã góp phần thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc trên địa bàn; tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tôc thiểu số tiếp tục chuyển biến tích cực; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục có bước phát triển nhanh. Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm (tỷ lệ xã có đường đến trung tâm xã được nhựa hóa, bê tông hóa đạt 98,8%), đường giao thông liên thôn phát triển mạnh; 100% xã phủ sóng điện thoại, truy cập Internet, có trạm y tế, cơ bản đảm bảo cho khám, chữa bệnh thông thường tại xã; 93,45% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; truyền hình phủ sóng đến 100% cấp xã, phát thanh phủ sóng 98% cấp xã; tỷ lệ dân cư thành thị được dùng nước sạch đạt 86,9%; trên 93,0% dân cư nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh, tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở vùng cao được cải thiện; GRDP bình quân 41,5 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân năm trên 4,0%. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng từng bước được cải thiện...

Minh Hòa

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/day-manh-cong-tac-dan-van-trong-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-3174134.html