Đẩy mạnh cơ chế đặt hàng thực hiện dịch vụ sự nghiệp công

Thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL), đến nay, các bộ ngành, địa phương đều đang thực hiện quyết liệt, hướng tới tăng khả năng tự chủ, giảm chi ngân sách nhà nước cho các đơn vị này.

Tính riêng ở Trung ương, các lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo đã giảm chi ngân sách nhà nước trực tiếp cho các đơn vị sự nghiệp công lập mỗi năm khoảng 1.000 tỷ đồng. Ảnh Internet.

Mỗi năm giảm khoảng 1.000 tỷ đồng chi cho đơn vị SNCL

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, về sắp xếp bộ máy và tinh giản biên chế, năm 2018, tại một số địa phương đã thực hiện quyết liệt và đạt được một số kết quả nhất định. Điển hình phải kể đến một số địa phương như: Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh.

Cụ thể, Hà Nội đã thực hiện sắp xếp, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở, ban, ngành, giảm từ 401 đơn vị xuống còn 280 đơn vị (giảm 121 đơn vị, tương đương 30,2%); các đơn vị SNCL cấp huyện giảm từ 206 đơn vị xuống còn 96 đơn vị (giảm 110 đơn vị, tương đương 53,4%). Hà Nội cũng đẩy mạnh giao tự chủ chi thường xuyên đối với 106 đơn vị với 8.761 biên chế, tăng thêm 45 đơn vị tự chủ chi thường xuyên so với trước đây. Dự kiến đến năm 2021 sẽ thêm 91 đơn vị tự chủ chi thường xuyên, giảm chi ngân sách đối với 11.221 biên chế. Ngoài ra, xác định 15 đơn vị chuyển đổi sang công ty cổ phần.

Cùng với Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện giảm 27 cơ quan, giảm 79 chỉ tiêu biên chế công chức và 864 vị trí việc làm. Tỉnh Quảng Ninh đã giao tự chủ tài chính cho 84 đơn vị sự nghiệp công lập (tăng 15 đơn vị so với năm 2017), có thêm 1.442 viên chức không hưởng lương từ ngân sách (trong đó số viên chức của 4 Bệnh viện thuộc Sở Y tế là 1.264 người), kinh phí ngân sách cấp năm 2018 giảm 120 tỷ đồng so với năm 2017.

Ông Phạm Xuân Trường, Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, trong các năm 2017-2018, chỉ tính riêng ở Trung ương, các lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo đã giảm chi ngân sách nhà nước trực tiếp cho các đơn vị sự nghiệp công lập mỗi năm khoảng 1.000 tỷ đồng. Cùng với việc khai thác nguồn thu, các đơn vị SNCL đã xây dựng các giải pháp quản lý nội bộ để tiết kiệm chi phí, như: xây dựng các tiêu chuẩn, định mức chi phí, định mức tiêu hao nguyên nhiên vật liệu để thực hiện trong nội bộ đơn vị; xây dựng các quy trình cung cấp dịch vụ..., nhiều đơn vị tiết kiệm chi thường xuyên góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sự nghiệp.

"Nhờ tăng cường khai thác nguồn thu, tiết kiệm chi và thực hiện cơ chế tự chủ, thu nhập và đời sống của người lao động trong các đơn vị SNCL đã từng bước được nâng lên. Trong đó, thu nhập tăng thêm của cán bộ, viên chức bình quân khoảng từ 0,5 đến 1,5 lần tiền lương cấp bậc của đơn vị. Riêng một số đơn vị SNCL trong lĩnh vực giáo dục đại học tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động đã thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm cho người lao động khoảng 2 - 3 lần, như Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh...", ông Trường thông tin.

Chỉ 3,7% đơn vị SNCL đảm bảo kinh phí hoạt động

Việc đẩy mạnh tự chủ của các đơn vị SNCL là cần thiết và rất quan trọng ở thời điểm này. Tuy nhiên, thông tin từ Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp, theo báo cáo chưa đầy đủ của các Bộ, ngành và địa phương, đến nay tỷ lệ các đơn vị SNCL tự đảm bảo kinh phí hoạt động còn thấp, chỉ chiếm khoảng 3,7% tổng số các đơn vị SNCL của cả nước (tương đương 2.057 đơn vị SNCL).

Ông Phạm Xuân Trường cho biết, việc thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị SNCL còn chậm, chưa có bước chuyển biến có tính đột phá, chưa tách bạch rõ ràng giữa chức năng quản lý nhà nước với chức năng cung cấp dịch vụ công. Bên cạnh đó, một số chính sách là điều kiện quan trọng để thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị SNCL chưa được sửa đổi, bổ sung và ban hành đầy đủ kịp thời như: danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, quy hoạch mạng lưới đơn vị SNCL, các định mức kinh tế kỹ thuật, định mức chi phí, giá, phí dịch vụ sự nghiệp công...).

Đáng chú ý, một số đơn vị SNCL khi mở rộng hoạt động dịch vụ (như liên doanh, liên kết) còn chạy theo số lượng mà không quan tâm đến chất lượng hoạt động, lạm dụng kỹ thuật để tăng thu. Đồng thời, vẫn có những khoảng cách lớn giữa các vùng, miền, giữa trung ương với địa phương trong các hoạt động của các đơn vị SNCL… nên việc khai thác các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công còn hạn chế.

"Việc phân bổ kinh phí hoạt động thường xuyên (đối với đơn vị tự bảo đảm một phần chi phí và đơn vị do NSNN bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động) còn mang tính bình quân, trên cơ sở nguồn thu sự nghiệp của đơn vị và khả năng NSNN; chưa thực sự gắn kết giữa giao nhiệm vụ và giao kinh phí nên còn tình trạng trông chờ, ỷ lại vào sự bao cấp của nhà nước. Đây cũng là nguyên nhân làm chậm quá trình đẩy nhanh việc đổi mới tự chủ tài chính của các đơn vị SNCL", đại diện Bộ Tài chính nhận định.

Ông Phạm Xuân Trường cũng thông tin, trong thời gian tới, khi các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực đã hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền ban hành đầy đủ danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thì việc hỗ trợ từ ngân sách sẽ gắn với số lượng, chất lượng sản phẩm dịch vụ sự nghiệp công được cung cấp, giá cung cấp dịch vụ và nhu cầu sử dụng để đảm bảo hiệu quả đầu tư từ NSNN, tránh lãng phí. Đồng thời sẽ đẩy mạnh cơ chế đặt hàng thực hiện dịch vụ sự nghiệp công có lộ trình, cụ thể thực hiện cơ chế đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước để tạo điều kiện cho cơ sở ngoài công lập cùng tham gia cung cấp; giảm dần các sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ, giao kế hoạch.

Tinh thần của Nghị quyết số 19/NQ-TW của Hội nghị Trung ương lần thứ 6 Khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị SNCL có mục tiêu:

Đến năm 2021, phấn đấu 10% đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị SNCL so với giai đoạn 2011 – 2015.

Đến năm 2025, có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính; 100% đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện hoàn thành chuyển đổi thành công ty cổ phần.

Thùy Linh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/day-manh-co-che-dat-hang-thuc-hien-dich-vu-su-nghiep-cong.aspx