Đẩy mạnh cơ chế đặt hàng các nhiệm vụ khoa học

Một trong các khâu đột phá để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn Thủ đô là đẩy mạnh cơ chế đặt hàng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, phục vụ trực tiếp cho việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững trật tự an toàn xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng. Phóng viên Báo Hànôịmới đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội xung quanh vấn đề này.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn (thứ tư từ phải sang) và các đại biểu tại hội nghị tổng kết thi đua khen thưởng Cụm thi đua số 7, các sở khối văn hóa - xã hội năm 2020.

- Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước về công tác tuyển chọn các nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Xin ông cho biết kết quả của công tác đề xuất, tuyển chọn nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thành phố trong năm 2020?

- Thực hiện Luật Khoa học và Công nghệ, từ năm 2015, thành phố Hà Nội đã ban hành Quy chế quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ của thành phố; thực hiện tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện. Khi bắt đầu thực hiện, tỷ lệ tuyển chọn chỉ đạt 11%, qua các năm, tỷ lệ tuyển chọn ngày càng tăng lên và năm 2020 đạt 100%. Tỷ lệ ứng dụng kết quả nghiên cứu vào đời sống ngày càng cao, góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô, nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn.

Trong năm 2020, từ 321 đề xuất của các đơn vị, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã tổ chức tuyển chọn được 64 nhiệm vụ trình UBND thành phố phê duyệt (chiếm 20% số đề xuất) để triển khai thực hiện phân bổ theo 12 chương trình khoa học và công nghệ. Kết quả nghiên cứu của các đề tài, dự án đã được áp dụng vào thực tiễn ở hầu hết các ngành, lĩnh vực, như: Công nghiệp, nông nghiệp, quy hoạch, xây dựng, giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội...

Tuy nhiên, việc đề xuất, đặt hàng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ phía các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước của thành phố vẫn còn một số hạn chế và tỷ lệ đặt hàng còn thấp.

- Vậy, đâu là nguyên nhân của những hạn chế này, thưa ông?

- Nguyên nhân chính của những hạn chế này là do cơ chế, chính sách về khoa học và công nghệ nói chung, quy trình tuyển chọn nói riêng còn rườm rà, mất thời gian, nhiều khi làm mất đi tính thời sự của vấn đề nghiên cứu. Bên cạnh đó, việc quản lý tài chính về khoa học và công nghệ dù đã được quan tâm, song vẫn tồn tại nhiều bất cập và cơ chế khoán không rõ ràng, khó thực hiện, dẫn đến “ngại” nghiên cứu khoa học.

Trong khi đó, một số cơ quan quản lý của thành phố chưa quan tâm nghiên cứu, đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ, chưa chủ động đề xuất được những nhiệm vụ của ngành; có đơn vị còn chưa thực sự vào cuộc, quan tâm đúng mức đến khoa học và công nghệ...

- Xin ông cho biết những định hướng, trọng tâm trong xây dựng kế hoạch khoa học và công nghệ cấp thành phố năm 2021 đối với các đề xuất đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ?

- Để xây dựng kế hoạch khoa học và công nghệ năm 2021, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã tham mưu, xin ý kiến UBND thành phố đổi mới cách làm, đơn giản hóa các đề xuất nhiệm vụ, chủ động làm việc với 25 sở, ngành, quận, huyện của thành phố. Đến nay, đã tiếp nhận được gần 400 đề xuất đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ, trong đó có 99 đề xuất từ các sở, ngành, quận, huyện trên địa bàn thành phố, tăng 45% so với năm 2020 và rút ngắn quy trình được 2 tháng so với năm trước.

Thực hiện quy trình xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã lựa chọn được 94 nhiệm vụ khoa học và công nghệ, trong đó 50 nhiệm vụ (chiếm hơn 50%) là đề xuất đặt hàng từ các sở, ngành, quận, huyện, thị xã. Các nhiệm vụ được lựa chọn phù hợp với hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố. Đó là, nghiên cứu các giải pháp phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, giải pháp phát triển kinh tế đô thị, kinh tế số, thương mại điện tử...; phát huy giá trị văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ trong các doanh nghiệp, ngành, lĩnh vực then chốt: Hóa dược, công nghệ sinh học, điện tử... Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong cải cách hành chính, giáo dục, y tế, từng bước xây dựng thành phố thông minh, phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp.

- Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu thực tiễn, giải quyết những vấn đề cấp bách nảy sinh trong công tác quản lý nhà nước và đời sống. Để thực hiện chủ trương này, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội có những kế hoạch gì, thưa ông?

- Trước mắt, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội tập trung tham mưu xây dựng Chương trình số 07 của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2025”, hoàn thành và trình Ban Thường vụ Thành ủy ban hành trong quý I-2021. Tiếp đó là rà soát, trình UBND thành phố Quy chế quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ mới để thay thế quy chế cũ, phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

Đặc biệt, trong năm 2021, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội sẽ nghiên cứu xây dựng Chiến lược khoa học - công nghệ của thành phố Hà Nội đến năm 2030, trong đó chú trọng chuyển giao, ứng dụng và phát triển công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; tiếp tục đặt hàng nghiên cứu, huy động có hiệu quả nguồn lực khoa học - công nghệ từ các trường, viện; xây dựng các chương trình sở hữu trí tuệ, năng suất... đến năm 2030.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Hằng

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/khoa-hoc/987612/day-manh-co-che-dat-hang-cac-nhiem-vu-khoa-hoc