Đẩy mạnh chế biến và phát triển thị trường nông sản

Ngày 28/4/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức “Hội nghị toàn quốc về thúc đẩy công tác chế biến và phát triển thị trường nông sản năm 2021”.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan (thứ 3 từ phải sang) thăm gian hàng của doanh nghiệp có mô hình “Tôm đạo đức: Từ ao nuôi đến bàn ăn”

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan (thứ 3 từ phải sang) thăm gian hàng của doanh nghiệp có mô hình “Tôm đạo đức: Từ ao nuôi đến bàn ăn”

Đây là Hội nghị toàn quốc đầu tiên tập trung chuyên sâu vào một trong những động lực và dư địa then chốt của tái cơ cấu ngành nông nghiệp: đó là chủ đề thúc đẩy chế biến và phát triển thị trường nông sản. Tham dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cùng lãnh đạo các địa phương và hơn 150 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp…

Hiện cả nước có trên 7.500 DN chế biến nông - lâm - thủy sản quy mô công nghiệp có gắn với xuất khẩu và hàng vạn cơ sở chế biến nhỏ lẻ, hộ gia đình. Ước tính mỗi năm có khả năng chế biến, sơ chế, bảo quản khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu nông - lâm - thủy sản. Hiện Việt Nam có 8 mặt hàng xuất khẩu tỷ USD gồm: rau quả, hạt điều, gạo, cà phê, cao su, tôm, gỗ, cá tra. Sản phẩm nông sản của Việt Nam có mặt trên 186 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Hội nghị lần này là hoạt động thiết thực của ngành nông nghiệp triển khai nhanh chóng Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vào cuộc sống và tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch cơ cấu lại nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 tập trung vào giá trị gia tăng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25/2/2021.

Các đại biểu là các nhà quản lý, nhà khoa học, các DN đã cung cấp nhiều thông tin về các vấn đề áp dụng chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong công nghệ sau thu hoạch, nâng cao giá trị sản phẩm nông sản xuất khẩu; những xu hướng thị trường thế giới và các vấn đề đặt ra về sản xuất nông nghiệp đạt chuẩn; các vấn đề liên quan đến xây dựng, bảo hộ thương hiệu và hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các DN trong lĩnh vực nông nghiệp, vấn đề mở cửa thị trường nông sản...

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan yêu cầu, hội nghị toàn quốc về chế biến và thị trường nông sản cần được tổ chức định kỳ hàng năm, luân phiên tại các địa phương để thúc đẩy chế biến, bảo quản và thị trường nông sản của từng vùng kinh tế nông nghiệp trọng điểm, từng địa phương. Hiện nay, nông sản trong nước có 20 - 30% thông qua chế biến xuất khẩu. Trong khi đó, Đài Loan có gần 80% nông sản thông qua chế biến mới bán ra thị trường. Chính vị vậy, ngành nông nghiệp phải so sánh hai con số nói trên giữa hai nước, từ đó có phương án chủ động nông sản qua chế biến tạo ra giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, sẽ giải được bài toán cung vượt cầu, giảm áp lực cho nông dân thường gặp cảnh trúng mùa rớt giá. Bộ trưởng nhấn mạnh vai trò liên kết hợp tác, thái độ làm việc cặn kẽ, đến nơi đến chốn mới tạo nên sự khác biệt với đối thủ cạnh tranh. Giá trị sản phẩm nằm ở mắt xích cuối cùng chứ không phải sản phẩm thô.

Nguyệt Đỗ

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/kinh-te/day-manh-che-bien-va-phat-trien-thi-truong-nong-san-97328.aspx