Đẩy mạnh cải cách tư pháp

Sau 15 năm tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp (CCTP) đến năm 2020 (Nghị quyết số 49), đặc biệt là trong giai đoạn 2015-2020, công tác CCTP ở Đồng Nai đạt được những thành tựu đáng ghi nhận.

Nổi bật là hệ thống các cơ quan tư pháp (cơ quan điều tra, cơ quan kiểm sát, cơ quan xét xử và cơ quan thi hành án dân sự) của tỉnh được củng cố, kiện toàn một bước cả về tổ chức bộ máy và công tác cán bộ; trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ tư pháp được nâng lên. Đáng chú ý, không chỉ hoàn thiện tổ chức, bộ máy các cơ quan tư pháp, Đồng Nai còn chú trọng nâng cao chất lượng các hoạt động bổ trợ tư pháp gồm: luật sư, công chứng, giám định tư pháp, thừa phát lại, trợ giúp pháp lý...

Việc hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự, dân sự và thủ tục tố tụng tư pháp; thường xuyên đổi mới thủ tục hành chính tư pháp trong hoạt động của các cơ quan tố tụng (công an, viện KSND, tòa án) đã góp phần đảm bảo công khai, dân chủ, nghiêm minh trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử. Song song đó, các hoạt động bổ trợ tư pháp, nhất là hoạt động của luật sư, trợ giúp pháp lý phát triển mạnh mẽ tại Đồng Nai cũng góp phần trợ giúp, tạo điều kiện cho hoạt động tư pháp tiến hành được thuận lợi, nhanh chóng, chính xác; đồng thời giúp cho cá nhân công dân, tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác CCTP tại Đồng Nai cũng còn một số khó khăn, hạn chế nhất định. Cụ thể như: một số quy định của pháp luật còn mang tính khái quát, chưa cụ thể, chưa có văn bản pháp lý hướng dẫn kịp thời của các ngành tư pháp Trung ương dẫn đến việc nhận thức, vận dụng pháp luật không thống nhất, gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện (như quy định pháp luật về giám định tư pháp, thừa phát lại…). Công tác tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chưa ngang tầm với yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có trình độ, kiến thức chuyên sâu về pháp luật quốc tế chưa được quan tâm đúng mức. Việc đào tạo, xây dựng đội ngũ chuyên gia trong từng lĩnh vực hoạt động nghiệp vụ chưa được chú trọng.

Do đó, để tiếp tục đẩy mạnh công tác CCTP, cần phải có những giải pháp đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm. Trước hết cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất việc xây dựng và sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến công tác tư pháp, CCTP nhằm góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật. Về lâu về dài, cần chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức của các cơ quan tư pháp thực sự trong sạch, vững mạnh. Theo đó, phải chọn lựa những cán bộ - công chức có đạo đức, có bản lĩnh chính trị, giỏi chuyên môn nghiệp vụ, hết lòng vì dân; đáp ứng được yêu cầu thực tiễn trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Đặc biệt, để đẩy mạnh công tác CCTP cũng cần tăng cường kiểm tra việc thực thi công vụ; chú trọng công tác phòng, chống tham nhũng ở các cơ quan tư pháp. Ngoài tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động tư pháp còn phải phát huy vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, của công luận và của nhân dân đối với hoạt động tư pháp.

Có như vậy mới tiếp tục tạo nên những thay đổi lớn trong hoạt động tư pháp, đạt được mục tiêu Nghị quyết 49 đề ra là xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc.

Đặng Ngọc

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chuyenmuc/thoidam/202010/day-manh-cai-cach-tu-phap-3025421/